Tham gia EVFTA, nông sản Việt cần đáp ứng tiêu chuẩn nào?

author 06:16 25/07/2020

(VietQ.vn) - Tận dụng cơ hội khi tham gia hiệp định EVFTA, các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nông sản cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, như: Nguồn gốc sản phẩm, chất lượng và an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bền vững về môi trường cũng như chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản.

Ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là cơ hội cũng như thách thức đối với ngành nông sản Việt Nam khi tham gia vào sân chơi này.

Chính vì thế, để tận dụng cơ hội, các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nông sản cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn như: Nguồn gốc sản phẩm, chất lượng và an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bền vững về môi trường, cũng như chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản.

Theo ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, tiêu thụ. Chính vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản Việt Nam có cơ hội rất lớn tiếp cận thị trường đầy tiềm năng châu Âu hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD.

Hiệp định EVFTA thực sự là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, như: thủy sản, rau quả, gạo, cà-phê, hồ tiêu, các sản phẩm đồ gỗ.

 Nông sản Việt khi gia nhập EVFTA cần đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng...

Ngoài ra, tham gia hiệp định sẽ tăng cường hoạt động đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đi kèm chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Điều này sẽ giúp tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước những thử thách trên, TS. Đinh Viết Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị liên quan cần xây dựng chuỗi phân phối ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, phải tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp địa phương, cơ sở sản xuất và DN; sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt an toàn thực phẩm và kiểm dịch; quản lý theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững…

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang