Nộp phạt giao thông, chỉ thêm 15.000 đồng là xong

author 14:27 02/03/2016

Chỉ tốn 15.000 đồng phí sử dụng dịch vụ này, người vi phạm làm thủ tục nộp phạt giao thông tại Công an H.Củ Chi (TP.HCM) chỉ mất khoảng 10 phút.

Người dân nộp phạt vi phạm giao thông tại bàn thu hộ của bưu điện đặt ở đội CSGT Công an huyện Củ Chi

Hiện nay sau khi TP.HCM thí điểm mở dịch vụ này tại H.Củ Chi, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Tổng công ty Bưu chính viễn thông về chủ trương tổ chức thu nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện. Chủ trương này được giao các bộ liên quan cùng nghiên cứu để thực hiện trên cả nước.

Không mất thời gian chạy tới chạy lui...

11g ngày 19-2, ông Đ.N.T. (H.Đức Hòa, Long An) đến đội cảnh sát giao thông (CSGT) Công an H.Củ Chi làm thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông. Sau khi nộp biên bản, nhận quyết định xử phạt, ông T. được hướng dẫn có thể sử dụng dịch vụ bưu điện thu hộ tiền phạt ngay trước quầy làm thủ tục của đội CSGT. Liên hệ bưu điện nộp tiền phạt xong, ông T. đem biên nhận tạm nộp tiền phạt trở lại quầy xử lý vi phạm hành chính và nhận giấy tờ xe, hoàn tất quy trình nộp phạt chỉ trong vòng 10 phút.

Ông H.Q.P. ở Củ Chi cũng ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy bàn dịch vụ thu hộ tiền phạt hành chính của bưu điện tại trụ sở công an. Ông P., bị phạt lỗi lùi ôtô nơi đường bộ giao nhau vào tháng 12-2015, cho biết bình thường ông phải đến Kho bạc Nhà nước H.Củ Chi (cách công an huyện khoảng 1km) hoặc ra ngân hàng đóng tiền phạt.

Sau đó đem biên nhận trở lại công an nhận giấy tờ đang bị tạm giữ. Khi kho bạc hoặc ngân hàng đông khách phải xếp hàng chờ rất lâu. “Những lần trước tôi mất một buổi mới làm xong thủ tục, có khi nộp xong tiền thì đã hết giờ làm việc buổi sáng, buổi chiều mới đến nhận giấy tờ xe, coi như mất cả ngày. Nay chỉ tốn 15.000 đồng phí sử dụng dịch vụ của bưu điện mà khỏi mất thời gian chạy tới chạy lui” - ông P. nói.

Nhiều cái lợi

Theo đại diện Bưu điện Củ Chi, dịch vụ thu hộ tiền phạt vi phạm giao thông triển khai tại đội CSGT Công an H.Củ Chi từ tháng 
12-2015 đến nay đã thu hộ tiền phạt hơn 720 trường hợp với số tiền thu hộ gần 500 triệu đồng. Trong tháng 1-2016, gần như 100% trường hợp làm thủ tục tại quầy xử lý vi phạm giao thông của Công an H.Củ Chi sử dụng dịch vụ thu hộ của bưu điện.

Thượng tá Nguyễn Văn Cường, phó trưởng Công an H.Củ Chi, cho biết không bắt buộc người dân phải sử dụng dịch vụ trên của bưu điện, người dân có thể tự nộp tiền phạt tại ngân hàng, kho bạc. Tuy nhiên địa bàn H.Củ Chi rộng, nối với nhiều tỉnh lân cận nên nhiều người dân ở các tỉnh đi qua Củ Chi vi phạm luật giao thông không rành đường đến kho bạc hay ngân hàng nộp phạt.

Ngoài ra, việc phải chờ đợi lâu ở các điểm nộp tiền phạt cũng gây phiền hà đối với người dân. Việc bưu điện mở dịch vụ thu hộ tiền phạt giải quyết được tất cả vấn đề trên. Một cái lợi khác nữa từ dịch vụ thu hộ tiền phạt là “cò” nộp phạt thường xuyên tụ tập trước cổng trụ sở công an trước đây giờ phải giải tán vì không còn đất sống.

“Từ khi có dịch vụ thu hộ tiền phạt của bưu điện đến nay, tôi không nghe dân phản ảnh về những người làm “cò” trước trụ sở công an nữa. Những trường hợp người nghèo, không có tiền thì bưu điện làm giùm luôn, không thu phí” - ông Cường cho biết.

Ông Trần Ngọc Kim, trưởng phòng kinh doanh Bưu điện TP.HCM, cho biết Bưu điện TP sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai dịch vụ thu hộ tiền phạt vi phạm giao thông tại H.Củ Chi để trao đổi với các cơ quan chức năng ở TP nhằm triển khai dịch vụ này ra những địa phương khác.

Thêm dịch vụ 
thu hộ tiền phạt 
tại Q.10

Theo ông Trần Ngọc Kim, trong tháng 3 đơn vị này sẽ triển khai dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện tại địa bàn Q.10. Bưu điện TP.HCM phối hợp với Sở GTVT TP và một ngân hàng (được kho bạc ủy nhiệm) thu hộ tiền phạt cho cả những trường hợp bị thanh tra Sở GTVT xử phạt.

Theo đó, người dân đem biên bản xử phạt hành chính đến bưu cục gần nhất đăng ký dịch vụ, nhân viên bưu điện sẽ tìm thông tin để biết số tiền phải nộp phạt, thông báo cho dân. Kế tiếp, người dân nộp biên bản xử phạt và đóng tiền cho nhân viên bưu điện.

Hệ thống bưu điện sẽ nộp tiền phạt, liên hệ cơ quan chức năng để làm các thủ tục tiếp theo, nhận các giấy tờ của người dân bị cơ quan chức năng tạm giữ khi vi phạm và phát về tận nhà cho người dân trong vòng 5 ngày (nếu nhà người vi phạm ở TP.HCM) hoặc 7 ngày (nếu nhà người vi phạm ở tỉnh khác).

Theo Tuổi trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang