Nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện

author 07:08 04/02/2016

Người dân khi vi phạm luật giao thông ở tỉnh, thành khác nơi cư trú có thể nộp phạt và được chuyển trả giấy tờ thông qua bưu điện

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1-2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 29-1, Chính phủ đã nhất trí sẽ giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt và chuyển phát giấy tờ bị thu giữ cho người vi phạm giao thông.

Tăng cường dịch vụ công qua mạng bưu chính

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, quyết định của Chính phủ dựa trên kiến nghị của các bộ Giao thông Vận tải, Công an và Tài chính.

Ông Nguyễn Bắc Son cho biết việc thu tiền xử phạt vi phạm giao thông trước đây vốn giao cho Kho bạc Nhà nước nhưng hệ thống kho bạc chỉ có đến cấp huyện và chỉ làm việc trong giờ hành chính. Do đó, việc đi lại nộp phạt và lấy giấy tờ của người dân rất khó khăn.

“Ví dụ, người ở Hà Nội vi phạm giao thông tại Bắc Giang hay Lạng Sơn vào ngày nghỉ sẽ phải quay về Hà Nội và vài ngày sau phải quay trở lại để nộp phạt, lấy giấy tờ. Như vậy, người dân phải đi lại nhiều lần, cả khi về lẫn khi quay lại nơi bị phạt đều không có giấy tờ phương tiện, tăng thêm áp lực giao thông trên đường” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dẫn chứng.

Những người vi phạm giao thông ở tỉnh, thành khác sắp tới có thể nộp phạt và nhận lại giấy tờ qua bưu điện. Trong ảnh: CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra xe khách của tỉnh Nam Định có dấu hiệu vi phạm luật giao thông

Chính vì vậy, các bộ và Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức thu nộp phạt vi phạm giao thông và chuyển trả giấy tờ qua đường bưu điện tại mạng lưới bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã trên cả nước.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thời gian qua được đánh giá cao trong việc tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua mạng bưu chính; đồng thời thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ hành chính công như chuyển phát CMND, hộ chiếu. Các dịch vụ công triển khai qua mạng bưu chính đã góp phần tiết kiệm chi phí của người dân ở vùng sâu, vùng xa, giảm áp lực tiếp công dân của các cơ quan chính quyền cấp xã, được người dân và các cấp chính quyền đánh giá cao.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước mắt sẽ ra nghị quyết để giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam làm công việc này. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải sửa khoản 1, điều 10 Nghị định 81/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai thu tiền phạt vi phạm giao thông.

Nên thí điểm trước vài nơi

Trước thông tin sẽ được nộp phạt qua bưu điện, anh Nguyễn Văn Hồng, một tài xế xe container ở tỉnh Hải Dương đi các tỉnh miền núi phía Bắc, tỏ ra rất hồ hởi. Anh Hồng cho biết nhiều lúc vô tình vi phạm luật giao thông ở các tỉnh, thành xa hàng trăm cây số, anh xin được xử lý và nộp phạt luôn để lấy giấy tờ xe hoặc giấy phép lái xe nhưng không được.

“Như vậy, chúng tôi phải mất thời gian thêm một lần nữa để quay lại nộp phạt và lấy giấy tờ ở địa phương mà mình vi phạm. Tiền phạt nhiều khi chỉ hết vài trăm ngàn đồng nhưng chi phí đi lại, ăn ở hết vài  triệu, ngoài ra còn ảnh hưởng đến công việc. Nếu được nộp phạt qua bưu điện thì tốt quá!” - anh Hồng bày tỏ.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng việc cải tiến cách thu, nộp phạt vi phạm giao thông sẽ được nhiều người hưởng ứng. Bởi lẽ, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như lực lượng làm nhiệm vụ mà vẫn bảo đảm thực thi đúng quy định của pháp luật về việc xử phạt vi phạm hành chính.

Theo ông Thái, về mặt chủ trương, ông rất ủng hộ việc nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện nhưng cần bàn cụ thể cách làm thế nào cho thông suốt, hiệu quả. Có thể ban đầu nên cho thí điểm ở một vài địa phương, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm rồi triển khai rộng rãi cả nước.

Phạt vi phạm giao thông 2.800 tỉ đồng/năm

Năm 2013, CSGT đã xử phạt 5,5 triệu vụ vi phạm, số tiền thu được là 2.900 tỉ đồng. Năm 2014 xử phạt 4,5 triệu vụ với số tiền 2.800 tỉ đồng, năm 2015 phạt 4,2 triệu vụ với số tiền 2.800 tỉ đồng. Số người vi phạm và số tiền xử phạt rất lớn nên việc thu phạt và chuyển trả giấy tờ cho người vi phạm giao thông qua bưu điện sẽ tạo thuận lợi hơn cho người nộp phạt, giảm áp lực tăng lưu lượng giao thông.

Theo NLĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang