Nộp phí vào phố cổ Hội An: “Dường như tiền là mối quan tâm duy nhất của họ”

author 08:39 24/04/2014

“Nộp phí để vào một khu phố cổ” - Rất nhiều du khách đã nói về sự thật ấy với một cái nhún vai, và lắc đầu, và kêu giời lên rằng “thật kỳ cục”. Và không biết chính quyền Hội An cảm thấy thế nào khi có người nói thẳng: “Như một trò đùa. Thật buồn cho những người phụ trách du lịch Việt Nam, dường như tiền là mối quan tâm duy nhất của họ”. 6USD, quá đắt để chỉ “đi, hưởng và nhìn ngó”, nhưng rẻ đến mức mạt cho lòng hiếu khách vốn đã nổi tiếng không chỉ của người dân đô thị cổ.

Nhưng “trò đùa Hội An” thật ra đã có tiền lệ từ… Hạ Long, nơi năm ngoái, không phân biệt tây ta, ngoài chi phí tiền phòng trên tàu, người ta còn phải chi phí ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long.

Nhưng không chỉ có một “trò đùa Hội An”, không chỉ có “nỗi bức xúc khoai Tây”, rất nhiều người dân Việt Nam cũng đang mắt tròn mắt dẹt trước “mối quan tâm duy nhất” từ các chính sách đang rậm rịch ban hành.

Những chốt chặn kiểm soát vé trên đường vào phố cổ

Một dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang chuẩn bị đưa nước ngọt có ga vào diện chịu thuế. Thuế suất là 10%. Lý do duy nhất nghe rất mông lung mơ hồ: Không có lợi cho người tiêu dùng.

Còn trong lĩnh vực an ninh trật tự, một dự thảo nghị định khác đang nhăm nhe phạt (tối đa) 200.000 đồng đối với hành vi “không mang theo giấy CMND hoặc giấy tờ tùy thân”.
Hơn 300 loại phí đang tồn tại bên cạnh hàng ngàn sắc thuế và 21 loại “thu khác”. Một nông dân, dẫu chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng cũng đang gánh trên vai 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước và 38 khoản đóng góp xã hội khác. Và nay, phải thêm trên "lưng lừa" không vài trăm thì cũng vài chục khoản phạt, kể cả từ việc không tìm được chỗ tè khi nhà WC biến thành quán bia, cho đến những oái oăm như việc đi tắm biển không mang CMTND.

Bản chất của thuế TTĐB là nhằm hạn chế những hàng hóa xa xỉ hoặc không khuyến khích sử dụng như bia rượu, thuốc lá, ôtô... Và với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên thậm chí đồ uống có gas, có thể thấy lý do đúng phải là “mối quan tâm duy nhất”, chứ không phải vì bảo vệ sản xuất, càng không vì quyền lợi của người dân.

Bản chất của quản lý hành chính là phục vụ, nhưng câu chuyện phạt, phạt, phạt, tiền, tiền, tiền đang cho thấy “có vấn đề” trong tư duy quản lý khi quản lý giờ đây giống hệt với việc nhòm ngó túi tiền người dân.

 

Theo Đào Tuấn (Lao Động)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang