NSND Trịnh Thịnh và những vai diễn không thể nào quên

author 13:27 13/04/2014

(VietQ.vn) – Hơn 50 năm lặn lộn với nghiệp diễn, NSND Trịnh Thịnh đã để lại cho nền điện ảnh Việt những vai diễn để đời, hài có, bi có. Mỗi bộ phim đều ghi lại những dấu ấn riêng của ông.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh, cây đại thụ của nền điện ảnh Việt Nam đã qua đời lúc 9h30 sáng 12/4 tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Sự ra đi của ông để lại sự nuối tiếc về một người diễn viên bậc thầy luôn tận tụy, gắn chặt với những vai diễn hồn hậu, mộc mạc mang tính biểu tượng của cả một thế hệ.

Cùng nhìn lại những vai diễn của NSND Trịnh Thịnh đã in dấu trong nền điện ảnh Việt:

Chàng trai A Sinh trong “Vợ chồng A phủ

NSND Trịnh Thịnh 1

NSND Trịnh Thịnh và vai diễn A Sinh trong " Vợ chồng A phủ"

“Vợ chồng A Phủ” là bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Mai Lộc có sự góp mặt của nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh. Đây là một bộ phim được đánh giá là khá giống với phiên bản truyện của Tô Hoài.

Trong bộ phim "Vợ chồng A Phủ" NSND Trịnh Thịnh vào vai A Sinh một anh nông dân dân tộc thật thà, chất phát, người chiến sĩ cách mạng kiên trung hoạt động trên vùng núi cao cùng đồng bào miền núi Tây Bắc. Đây là một trong những phim đầu tay của NSND Trịnh Thịnh. Khi chia sẻ về vai diễn này, NSND Trịnh Thịnh kể rằng: “Để hoàn thành vai diễn, tôi phải phải tìm hiểu những người có hoàn cảnh tương tự, cùng tâm sự và chia sẻ với họ để thấy những nỗi niềm chất chứa, những nỗi lo trong họ, vì chính bản thân tôi cũng là người sinh con một bề. Hay khi đóng phim Vợ chồng A Phủ, tôi đã cùng ăn tết với đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc, học ngôn ngữ của họ để có thể giao tiếp, tâm tình, lao động cùng họ như những người anh em.”

Thằng Bờm

Vai diễn của NSND Trịnh Thịnh

Hình ảnh ông thằng Bờm của Trịnh Thịnh

Năm 1987, NSND Trịnh Thịnh lại một lần nữa khiến công chúng yêu thích khi thủ vai ông nội của thằng Bờm trong bộ phim cùng tên. Tác phẩm điện ảnh vui vẻ, hài hước này đã lấy được nhiều tiếng cười của khán giả điện ảnh Việt. “Thằng Bờm” là bộ phim về những câu chuyện cười dân gian quen thuộc, hình ảnh thằng Bờm hồn nhiên, chân thật, kịch bản điện ảnh tài hoa, diễn viên duyên dáng nhập hồn vào nhân vật, và bến nước sân đình, cổng làng mái rạ như kéo khán giả về làng quê VN cả trăm năm.

Tuy nhiên đằng sau những câu chuyện cười ấy khán giả có thể cảm nhận được dư vị đắng của nó. Những câu chuyện dân gian thật sâu xa, và ai ngờ lại thời sự đến thế. Đây cũng là vai diễn giúp ông nhận giải Bông sen vàng choNam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 8.

Ông lão vạn chài trong “Lời nguyền của dòng sông”

Vai diễn của NSND Trịnh Thịnh 1

Hình ảnh ông lão vạn chài của Trịnh Thịnh trong phim "Lời nguyền của dòng sông"

Trong sự nghiệp diễn với hơn 30 bộ phim từng tham dự, NSND Trịnh Thịnh từng tâm sự, bộ phim mình tâm đắc nhất là "Lời nguyền của dòng sông" của đạo diễn Khải Hưng.

Phim bắt đầu ngay bằng những tiếng kèn, nhị réo rắt trong đám tang của người vợ ông vạn chài. Đám tang được tổ chức ngay trên thuyền trong tiếng khóc ai oán, nức nở của người chồng (NSND Trịnh Thịnh) và hai đứa con. Họ cố gắng đưa cỗ quan người quá cố lên bờ để chôn cất nhưng bị cả dân làng cấm không cho bước chân lên bờ. Bị cả dân làng hắt hủi và họ quyết định buộc chặt cỗ quan, dùng tảng đá lớn thả nó xuống dòng sông và đưa ra lời thề sẽ không bao giờ đặt chân lên bờ nữa. Họ cứ sinh sống như thế và mỗi ngày lại bơi xuống lòng sông để xem cỗ quan còn nằm vẹn nguyên dưới đó hay không.

Vai diễn ông vạn chài của Trịnh Thịnh đã khiến nhiều khán giả ám ảnh bởi quá nhiều đau đớn, khắc khổ. Vì một lời thề, ông quyết định cấm hai con mình không được đặt chân lên bờ, nhưng rồi một ngày, cô con gái yêu một chàng trai trên xóm chài, cô quyết định ở lại bờ để sống. Nhằm ngăn cấm con gái, người cha quyết định dong thuyền bỏ đi. Sự cô độc, xót xa lên tới đỉnh điểm khi ông vạn chài treo cổ tự tử, kết thúc một cuộc đời nhiều uẩn khúc.

Lời nguyền của dòng sông sau đó đã thành công vang dội khi giành giải Phim xuất sắc nhất tại LHP Brucxen, Bỉ năm 1992. Một kỉ niệm từng được ông chia sẻ đó là trong phim có cảnh quay ông lão thuyền chài phải diễn đi diễn lại cảnh uống rượu nhưng quay đi quay lại, đến nước uống cũng hết đành phải múc nước sông để uống.

"Trong thâm tâm tôi, hình ảnh người nông dân bao giờ cũng đẹp, cũng trong sáng, chân tình, không thớ lợ, giả dối. Ngay cả trong phim Thằng Bờm, người xem có thể cười sự ngờ nghệch dở hơi của cha con ông cháu nhà Bờm, nhưng vẫn là cái cười hồn nhiên, vui vẻ của những người trong cuộc, trong họ ngoài làng, không hề có tính giễu cợt" - Trịnh Thịnh từng tâm sự về những vai diễn nông dân của mình.

“Tết này ai đến xông nhà”

Sự nghiệp của NSND Trịnh Thịnh

Vai diễn hài hước của ông trong "Tết này ai đến xông nhà"

Tết này ai đến xông nhà” là bộ phim cuối cùng của ông cống hiến cho nền điện ảnh Việt với không khí hài hước nhẹ nhàng.

Có lẽ, với những vai gây cười, nhiều khán giả sẽ nhớ mãi khuôn mặt của NSND Trịnh Thịnh vì nó đặc biệt lắm, nhìn ông là đã đủ gây cười rồi. Sau này, khi về già dù ốm đau bệnh tật, dù sống bình lặng trong con ngõ nhỏ tại Hà Nội nhưng đi đến đâu là ông mang lại tiếng cười cho khán giả đến đó. Vì thế cho nên, có một giai đoạn người ta từng ví ông như “robot nhựa” vì nhìn cách ông di chuyển như một ngón hài để chọc cười người đối diện. Cười là thế nhưng cũng khuôn mặt ấy cũng đủ sức gây ám ảnh cho khán giả.

Hương Mi(th)


 





 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang