Nữ Chủ tịch lừa trăm tỷ: Bài học kẻ lừa đảo chuyên nghiệp

author 07:34 29/08/2013

Bốn ngày sau khi bà Trương Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT dân lập Phương Nam cùng hai đối tượng khác bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội bắt giữ, phóng viên đã trở lại ngôi trường trước đó từng bị các chủ nợ kéo đến biểu tình để đòi khoản vay trên 268 tỷ đồng cùng 17 cuốn sổ đỏ.

Vào thời điểm này, kiốt của bà Ngô Thị Anh Thư, chủ nợ lớn nhất của bà Trương Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT dân lập Phương Nam (với khoản vay lên tới 140 tỷ đồng) đã được mở cửa và đi vào hoạt động.

Thay vì kéo đến ngồi “vạ” ở cổng trường, bây giờ, các chủ nợ đã có kiốt bán hàng của bà Thư để tá túc trong những ngày “ăn trực, nằm chờ” với hy vọng đòi được nợ của bà Yến và trường Phương Nam. Những ngày qua, có lẽ do phải tiếp xúc với quá nhiều phóng viên của các tờ báo, nên những người này tỏ ra thận trọng hơn. Họ đồng ý kể lại việc cho vay tiền nhưng lại yêu cầu được giấu tên, tuổi và địa chỉ…

Thật đáng ngạc nhiên là các chủ nợ này không hề tỏ ra vui mừng khi bà Yến bị bắt. Điều này khác hẳn với những gì họ đã thể hiện trước đó vài ngày, khi dùng loa phóng thanh chĩa vào trong cổng trường gọi bà Yến là kẻ lừa đảo… Họ thú thực rằng khi gây ra vụ “biểu tình” trước cổng Trường THPT dân lập Phương Nam, mục đích của họ chỉ là gây sức ép để bà Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT dân lập Phương Nam trả nợ chứ không hề mong muốn bà này bị bắt! Những người này cho biết, họ rất mong gặp được bà Yến để có câu trả lời rõ ràng, bao giờ trả nợ cho họ.

Có lẽ, vì “của đau con xót” nên đến bây giờ, họ vẫn có niềm tin rằng bà Yến vẫn có thể giải ngân được khoản vay rất lớn từ ngân hàng như lời bà này hứa hẹn với họ. Vì thế nhiều chủ nợ đã nói rằng, họ sẵn sàng làm đơn bãi nại, xin cho bà Yến được ra về nếu bà này cam kết trả lại họ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khoản tiền đã vay.

Phóng viên tiếp xúc với một số nạn nhân cho bà Yến mượn sổ đỏ vay tiền.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tình cảnh của các nạn nhân này giờ vô vùng bi đát. Rất nhiều người có nguy cơ bị đẩy ra ngoài đường khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình họ đã bị bà Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường mang đi cầm cố vay tiền, trong đó, người thấp nhất là 700 triệu đồng như trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan Dương, ở Khâm Thiên, quận Đống Đa (Hà Nội), còn hầu hết đều là tiền tỷ. Vậy vì sao bà Yến có thể dễ dàng khiến các nạn nhân này đưa giấy tờ nhà đất để chiếm đoạt được tiền của họ? Câu chuyện của những người trong cuộc sau đây phần nào lý giải cho bạn đọc được câu trả lời trên. Theo lời kể của các nạn nhân này thì trước đó, họ không có quan hệ quen biết với bà Yến. Tất cả đều biết đến bà Yến qua những người môi giới. Vào thời điểm đó, những người này đều đang cần vốn làm ăn, trong khi thủ tục thế chấp sổ đỏ vay tiền của ngân hàng rất khó khăn. Qua môi giới, các trường hợp này (trừ bà Thư và một vài trường hợp khác) quen biết bà Yến.

Theo sự thỏa thuận giữa bà Yến và những người sở hữu sổ đỏ thì những người này sẽ giúp các chủ nợ  vay tiền trên sổ đỏ của gia đình họ. Để bù lại, những người này phải cho bà Yến vay ké tiền trên những quyển sổ đỏ này. Số tiền lãi suất hàng tháng sẽ do bà Yến trả. Theo thỏa thuận giữa bà Yến và những người cho mượn sổ đỏ thì sổ đỏ sẽ thế chấp vào các ngân hàng nhưng trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng được như vậy.

Rất nhiều trường hợp giờ không biết sổ đỏ của của gia đình hiện đang ở đâu như trường hợp của anh T., trú tại Hà Nội. Qua một người môi giới, anh T. cho mượn quyển sổ đỏ và đã ký hợp đồng ủy quyền cho vay trong thời gian 3 năm. Anh T. mới làm thủ tục ủy quyền và cũng chưa nhận được một khoản tiền nào, trong khi quyển sổ đỏ của gia đình anh hiện không biết đang lưu lạc nơi nào. Một số trường hợp thì sổ đỏ đã được đặt vào ngân hàng như của anh Đỗ Khắc Tuấn ở Phúc Thọ (Hà Nội).

Gần một năm nay, không tháng nào là anh Tuấn không có mặt ở Hà Nội để tìm gặp bà Yến đòi tiền. Anh Tuấn đưa sổ đỏ cho bà Yến vay 1 tỷ 125 triệu đồng. Sổ đỏ đã ký thỏa thuận của cả 3 bên, bà Yến hứa sau khi hoàn tất hồ sơ sẽ cho anh Tuấn vay 400 triệu đồng. Song thực tế, anh Tuấn chỉ nhận được 70 triệu đồng… Hiện tại còn rất nhiều trường hợp khác, không biết sổ đỏ của gia đình hiện đang ở đâu.  

Kiốt bán hàng bà Trương Thị Hải Yến ký hợp đồng với bà Ngô Thị Anh Thư đã hoạt động trở lại.

Một trong những vấn đề đang gây phức tạp về ANTT nảy sinh trong vụ bà Trương Thị Hải Yến bị bắt giữ hiện nay, đó là cái kiốt bán hàng mà bà Yến đã cho bà Ngô Thị Anh Thư, chủ nợ thuộc diện lớn nhất ký hợp đồng kinh doanh từ năm 2010 đến năm 2015. Việc ký hợp đồng này vào thời điểm quan hệ giữa bà Yến với bà Thư đang hết sức tốt đẹp (do bà Thư cho bà Yến vay tiền và bà Yến vẫn trả nợ đều đặn). Bà Thư đã vào xây dựng kiốt từ bãi đất trống để kinh doanh. Thế nhưng, đến cuối tháng 7/2013, khi thấy việc “xù nợ” của bà Yến, bà Thư đã tìm mọi cách để đòi lại số tiền khủng mà mình đã cho bà Yến vay. Thế là bà Yến đã cho đóng cửa ki ốt bán căng tin này, cắt điện, cắt nước, nhằm không cho bà Thư kinh doanh nữa. Sau đó, lại lấy lý do rằng, việc xây kiốt trong trường để kinh doanh là không đúng quy định của ngành giáo dục để cắt hợp đồng với bà Thư.

Tuy nhiên, về phía bà Thư cũng đang “sống chết” giữ lại quyền lợi cuối cùng này của mình. Họ cho người đến giữ kiốt, tự kéo điện riêng bên ngoài vào để tiếp tục kinh doanh. Về vấn đề này, trao đổi với các cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, các bên vẫn đang loay hoay và chưa có cơ quan chức năng có thẩm quyền nào đứng ra để giải quyết triệt để. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc, thanh tra rõ ràng sự đúng sai của việc tồn tại ki ốt này, đồng thời phải có các biện pháp “thấu tình, đạt lý” để giải quyết sự việc, tránh xảy ra những sự tranh chấp đáng tiếc của các bên liên quan.

Trao đổi với chúng tôi, chị Thuận, người được bà Trương Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị giao phụ trách Trường THPT dân lập Phương Nam cho biết: Những ngày qua, do phát sinh việc đòi nợ nên đã tạo ra tâm lý hoang mang cho nhiều phụ huynh, học sinh trong trường. Đã có một số cháu học sinh được bố mẹ “tránh voi”, chuyển sang cho học trường khác song 80% số cha mẹ khác vẫn yên tâm cho con đến trường. Hiện tại, với sự giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai và các đơn vị nghiệp vụ trong TP Hà Nội, tình hình ANTT tại khu vực khuôn viên nhà trường đã ổn định, các giáo viên tiếp tục duy trì nề nếp dạy và học ở một ngôi trường có bề dày 17 năm.

Cùng với việc dạy và học, tập thể giáo viên nhà trường cũng làm tốt công tác tư tưởng, giúp phụ huynh học sinh yên tâm cho con tới trường. Hiện nay, dù chưa có Ban giám hiệu nhưng nhà trường vẫn chuẩn bị cho ngày khai giảng bình thường. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cử các chuyên viên xuống trường theo dõi, đôn đốc việc dạy và học tại trường này.

Theo CAND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang