Nữ doanh nhân và những thách thức trong nền kinh tế hội nhập

author 06:52 04/11/2014

(VietQ.vn) - Chiếm 1/4 số doanh nhân trong cả nước, nữ doanh nhân Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt, các nữ doanh nhân sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Trình độ học vấn, kĩ năng  

Rào cản lớn nhất đối với nhiều nữ doanh nhân là không được đào tạo bài bản, chính quy, thiếu kỹ năng kinh doanh, trình độ ngoại ngữ và khả năng áp dụng tin học hóa chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Điều này khiến các nữ doanh nhân khá lúng túng khi tiếp quản doanh nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại giúp nâng cao năng suât.

Trong khi việc hội nhập đang diễn ra nhanh như “vũ bão”, thông tin kinh tế, thị trường được nắm bắt rất nhanh nhạy cùng với việc có rất nhiều doanh nghiệp mạnh cạnh tranh thì đây quả là một khó khăn không hề dễ giải quyết với phụ nữ làm kinh doanh. Cách tốt nhất là cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ cả về tinh thần, sự đam mê kinh doanh, kiến thức và tài chính.

Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn là việc làm rất cần thiết 

Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn là việc làm rất cần thiết với các nữ doanh nhân. Ảnh minh họa

Khả năng chấp nhận rủi ro

Trong khi nam giới tự tin về việc có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để khởi sự kinh doanh, có nhiều kế hoạch mở rộng công việc kinh doanh và sẵn sàng đầu tư mạo hiểm thì một số nữ doanh nhân lại khá tự ti với nhận thức bản thân, khả năng chấp nhận tính rủi ro, mạo hiểm thấp hơn nam giới.

Nữ doanh nhân còn gặp cản trở từ phía nam đồng nghiệp và từ chính nữ đồng nghiệp. Chính ảnh hưởng của tư tưởng coi thường phụ nữ còn tồn đọng trong xã hội đã khiến cho nhiều người thiếu sự tin tưởng ở phụ nữ làm họ mất niềm tin,  thiếu chủ động, mạnh dạn trong hoạt động kinh doanh.

Tiếp cận nguồn vốn

Phần nhiều các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đều là doanh nghiệp nhỏ, kém hiệu quả do quy mô nguồn vốn còn ít, dòng đầu tư chưa nhiều. Nguyên nhân sâu xa của khó khăn này xuất phát từ việc nhiều gia đình chỉ cho con trai đi học, tài sản thừa kế dành cho con trai nhiều hơn, vì thế trên các giấy tờ chứng nhận sở hữu tài sản thì chỉ có tên nam giới... trong khi đây lại là một trong những hình thức thế chấp phổ biến để được vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do quy mô của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phần lớn là nhỏ và vừa nên sử dụng vốn vay không thường xuyên, chưa tạo dụng được uy tín đối với các ngân hàng. Thời gian giao lưu kết nối, xây dựng quan hệ cũng là rào cản cho doanh nhân nữ trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn.

Cân bằng cuộc sống

Thông thường, phụ nữ  Á Đông, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm phong kiến là phụ nữ phải tề gia nội trợ, dành nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng khi người phụ nữ gách vác trọng trách quản lí doanh nghiệp thì họ sẽ phải dành nhiều thời gian cho công việc, cho kinh doanh và xã hội. Khi đó, thời gian dành cho gia đình sẽ ít đi, kể cả bản thân cũng phải hi sinh nhiều thứ thuộc về cá nhân.

Đôi khi sự nghiệp của người phụ nữ phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình

Đôi khi sự nghiệp của nữ doanh nhân phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa

Chính vì vậy, phụ nữ ít được động viên, khuyến khích theo đuổi nghiệp kinh doanh. Trên thực tế, có nhiều người chồng không ủng hộ vợ tham gia hoạt động doanh nghiệp. Do đó, vấn đề giải quyết hài hoà giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với phụ nữ.

Khi đối mặt với những khó khăn trên, hi vọng những nữ doanh nhân sẽ biến thách thức thành cơ hội, trụ vững trên thương trường.

Luyến Vũ (tổng hợp từ Zing, Vnmedia, VOV)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang