Nữ giám đốc Anbooks: Đời người ai cũng tìm đến chữ 'an'

author 15:28 05/01/2018

Nữ giám đốc Ngô Phương Thảo và đội ngũ Anbooks đang chuẩn bị cho ra cuốn sách thơ song ngữ mang tên Con nít con nôi...

Vừa ngắm nhìn những hình minh họa dễ thương trong bản thảo với vẻ hài lòng, chị vừa nói: “Đây là dự án táo bạo và công phu nhất của Anbooks trong hai năm làm sách, vì sách thơ dành cho thiếu nhi rất khó bán mà việc làm thơ, biên dịch, vẽ hình minh họa thì mất nhiều thời gian và công sức. Bạn bè tôi chỉ biết lắc đầu: “Vẫn là một sự đầu tư khó hiểu như nhiều cuốn sách Thảo chọn trước đây thôi”. Tôi thì tin mình đang đầu tư đúng cho một món quà trong trẻo dành cho các con trong mùa tết này”.

Quả thật, nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu với cách làm sách của Ngô Phương Thảo. Chị khởi nghiệp năm 2015, đúng vào giai đoạn thoái trào của ngành sách. Sau hai năm hoạt động, số đầu sách mà Anbooks xuất bản chưa đếm đủ trên mười đầu ngón tay. Các tác giả mà Phương Thảo lựa chọn cũng “không giống ai” vì hầu hết là những người chưa từng viết sách. Chị lý giải:

Vì tôi chọn tác giả là người “tải đạo” hơn là những cây bút tiếng tăm hay những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. “Đạo” mà Anbooks muốn truyền đi là triết lý yêu thương giữa người với người, học hỏi không ngừng và sự khiêm nhường. Khi chọn được người phù hợp để “tải đạo” rồi, tôi sẽ ngồi cùng họ chọn chủ đề viết. Tôi chọn Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành của Công ty Isobar Vietnam, thuộc Dentsu Aegis Network để trả lời cho câu hỏi: “Người thành công sớm sẽ phải trả giá như thế nào?”. Và phải hiểu đúng như thế nào về thành công? Thi Anh Đào là một cô tiểu thư có cuộc sống không trọn vẹn.

Cô khởi nghiệp năm 24 tuổi. Năm năm sau, cô trở thành người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia vinh danh là một trong 40 gương mặt nữ tiêu biểu trong ngành truyền thông quảng cáo châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 30 người có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ do tạp chí Forbes bình chọn. Mọi người hầu như chỉ nhìn thấy hào quang của một phụ nữ thành công, hiếm ai biết rằng có những buổi chiều muộn tan sở, cô tìm trong danh bạ có đến cả ngàn số điện thoại mà không thể tìm thấy người cùng đi ăn tối.

Vì trước đó, cô làm việc đến 20 giờ mỗi ngày, không biết đến chuyện đi chơi với bạn bè. Đó là bài học cho những người khởi nghiệp sớm. Hay tôi chọn chị Nguyễn Phi Vân, người đã làm việc ở 63 quốc gia để viết về chủ đề “Công dân toàn cầu”. Vì chính cuộc đời sự nghiệp của tác giả cùng bí quyết để từ một bồi bàn, phục vụ trở thành một giám đốc phát triển toàn cầu của một tập đoàn và là một công dân toàn cầu với “một trái tim Việt Nam chân thành và tử tế”. Chính sự tử tế, chứ không phải thông minh “đi tắt đón đầu” hay khát vọng thành công bằng mọi giá, mới tạo ra giá trị thật sự.

* Có lẽ phải có một cơ duyên nào đó khiến cho một người đã có vị trí cao trong lĩnh vực truyền thông như chị, nhất là sau khi giải quyết khủng hoảng truyền thông cho một thương hiệu bánh kẹo lớn, lại quyết định rẽ trái sang một ngành mới?

- Tôi quyết định đi một con đường mới vì “ngộ” ra nhiều điều trong cuộc sống. Hai điều quan trọng nhất tôi nhận ra, đó là chấp nhận người khác và chấp nhận chính mình. Chúng ta phải chấp nhận người khác với cả ưu và khuyết điểm, thương họ ngay cả khi họ nghĩ hay làm điều không đúng với mình.

Chúng ta cũng phải biết quý trọng những gì mình đang có, chấp nhận những sai lầm trong quá khứ và những khuyết điểm của bản thân. Lúc trước, tôi được công nhận là tốt và giỏi nên hơi tự phụ. Về sau, tôi nhận thức được mình có rất nhiều khuyết điểm như nóng tính, kiêu ngạo, thiếu kiên nhẫn… nên chọn lối sống khiêm nhường. Từ những nhận thức đó, tôi thấy mình như bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi học thiền, đọc sách và làm những việc mà mình thấy vui.

* Nhưng có quá mạo hiểm khi chọn kinh doanh sách giữa thời điểm mà ai cũng nói về văn hóa đọc đang xuống dốc và sách giấy đang có nguy cơ chết?

- Vì tôi thấy những “hạt mầm” đang nảy nở trong ngành sách ngay thời điểm người ta bi quan về văn hóa đọc. Tôi thấy anh Nguyễn Quang Thạch đi bộ xuyên Việt để làm cuộc cách mạng “Sách hóa nông thôn”. Xung quanh tôi có rất nhiều người hào hứng với các chương trình cổ vũ cho văn hóa đọc. Chính tôi cũng quay lại với sách giấy khi ngành sách chạm đáy của hình sin trong một chu kỳ kinh tế vào năm 2014…

Rõ ràng, ngành sách đang được tiếp một nguồn năng lượng mới. Và giữa thời buổi mọi thứ đang thay đổi quá nhanh, không ít người gặp khủng hoảng về giá trị sống, nhiều người muốn sống chậm để cảm nhận cuộc sống lắng đọng hơn. Nếu mình làm ra những cuốn sách sâu sắc có lẽ sẽ có người đọc, tôi nghĩ vậy.

Bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Công ty Anbooks 

Thực ra tôi không có tham vọng tạo ra một thương hiệu, một công ty. Tôi chỉ đơn giản là muốn được làm sách và nhờ vào sách để mình lớn lên, để được học hỏi mỗi ngày. Trước khi khởi nghiệp, tôi đã vào làm việc ở một công ty sách lớn tại TP. HCM. Nhưng sự khác biệt về quan niệm kinh doanh là một sự khác biệt khó dung hòa. Tôi muốn sách và tác giả phải thể hiện được triết lý và định hướng của nhà xuất bản. Vì vậy, tôi quyết định khởi nghiệp làm sách theo cách của mình.

* Nhưng chắc là con đường khởi nghiệp không dễ dàng gì…

- Phải nói là trầy vi tróc vảy thì đúng hơn, như lời người sếp cũ của tôi từng nói: “Không ăn thua gì đâu Thảo!”. Cuốn sách đầu tiên chúng tôi làm là Quảy gánh băng đồng ra thế giới của tác giả Nguyễn Phi Vân. Sách được báo chí ủng hộ, người trong ngành khen ngợi nhưng… bán không tốt như kỳ vọng. Thế là tôi quyết định cùng tác giả thực hiện những buổi nói chuyện và giới thiệu sách đến với sinh viên ở các trường đại học. Những buổi nói chuyện mang tên “Bật nút công dân toàn cầu” về sau bị đổi tên thành “Bật khóc công dân toàn cầu” vì chương trình đã làm không ít sinh viên ở Đồng bằng sông Cửu Long rơi nước mắt.

Vì có rất nhiều sinh viên nhận ra con đường đang đi không đúng với đam mê, sở thích của mình, nhưng lúc này đã quá muộn để thay đổi. Có em đang là sinh viên năm thứ tư ngành Y – dược nói rằng em chưa bao giờ muốn làm bác sĩ hay dược sĩ. Có em đang học ngành kỹ thuật sửa chữa ôtô nhưng lại khao khát muốn làm gì đó để giúp những người nông dân trồng trái thơm bị mất mùa…

Sau chuyến đi đến 30 trường ở các tỉnh miền Tây, lượng người theo dõi trên trang mạng xã hội của tác giả Nguyễn Phi Vân tăng lên nhanh chóng. Đến nay, Quảy gánh băng đồng ra thế giới đã bán được 23.000 cuốn và sắp sửa tái bản lần thứ sáu, nâng con số phát hành lên 28.000 bản.

* Làm sách “kén” tác giả, “kén” cả người đọc nhưng chị vẫn bán được sách, đó hẳn là một thành công rồi?

- Mỗi người có một quan niệm khác nhau về thành công. Chẳng hạn như với Thi Anh Đào, tác giả của cuốn Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi!, thì thành công không phải là trở thành một phụ nữ quyền lực trong ngành truyền thông kỹ thuật số, mà đó là sự trưởng thành và khám phá thêm về chính mình sau mỗi chặng đường kinh doanh. Với tôi, thành công không phải là xuất bản và bán được sách với số lượng lớn.

Có chăng đó là việc tôi có thể làm nhằm góp chút sức nhỏ của mình để nhiều người cùng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Vì càng nhiều người thay đổi tích cực thì xã hội càng đổi thay, càng tốt đẹp, giống như một hạt mầm được gieo xuống một mảnh đất cằn khô rồi lớn dần lên, thành một cái cây và phủ bóng mát cho chính mảnh đất đó. Còn thành công thật sự của tôi trong bảy năm qua chính là đưa con trai út trở lại cuộc sống của một đứa trẻ bình thường…

* Có vẻ như đó là một câu chuyện không vui, nếu không ngại, chị có thể chia sẻ nhiều hơn?

- Con trai út của tôi có những biểu hiện bất thường từ khi con được vài tháng. Mọi người xung quanh e dè nói với tôi rằng con tôi có thể bị tự kỷ. Nhưng linh cảm của một người mẹ cho tôi biết con mình không bị căn bệnh đó. Tôi nghĩ rằng con mình bị tăng động giảm chú ý mà nguyên nhân là do tôi bị stress nghiêm trọng trong giai đoạn mang thai. Để có thể chữa bệnh cho con theo cách của riêng mình, không bị ai can thiệp, tôi đã quyết định đưa cả ba đứa con rời khỏi nhà khi con lớn đang học lớp một và con út chỉ mới tám tháng. Sống cùng con, tôi phát hiện ra rằng muốn điều chỉnh hành vi của con thì tôi phải điều chỉnh mình trước. Vì khi tôi nóng giận, con tôi sẽ cáu gắt. Khi tôi thờ ơ, con tôi sẽ gây rối. Chỉ khi tôi vui vẻ, con tôi mới bình thường trở lại.

Đến nay, sau bảy năm mẹ con, ông bà cùng quan sát và điều hòa lẫn nhau, con trai tôi đã có thể hòa nhập với các bạn như một người bình thường, đó là điều tuyệt vời nhất mà một người mẹ có thể làm được. Còn thành công thứ hai, có lẽ là tôi đã học và ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành mình kinh doanh. Trước đó, tôi không biết cách viết một mẩu tin thế nào, thậm chí tôi không biết cách kết nối wifi cho chiếc máy tính xách tay.

* Chị đã tìm thấy và ứng dụng công nghệ 4.0 vào làm sách thế nào?

- Tình cờ tôi biết đến công nghệ truy xuất nguồn gốc do một bạn trẻ giới thiệu tại một buổi hội thảo ngành thực phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện nhờ một mã ma trận hay mã vạch hai chiều (QR code), được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. Tôi liền tiếp cận với bạn trẻ ấy và đề nghị đưa công nghệ này vào lĩnh vực xuất bản. Tại thời điểm đó, việc truy xuất nguồn gốc chỉ thực hiện một cách đơn giản bằng cách quét mã QR code để đăng nhập vào một website của công ty, nơi sản xuất.

Để tạo nên một “đám mây thông tin” cho Anbooks, tác giả và người đọc như hiện nay, tôi và nhiều bạn làm về công nghệ thông tin đã mất nhiều thời gian để cùng làm nội dung hoàn toàn mới cho ngành xuất bản. Đến nay, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR code trên cuốn sách, người đọc sẽ nắm thông tin đa dạng về nhà xuất bản, tác giả, đánh giá của bạn đọc, đánh giá của báo chí và các đơn vị chuyên môn, một số trích đoạn hay,… Như vậy, người đọc dễ dàng lựa chọn cuốn sách phù hợp với mình giữa “một rừng” sách trên thị trường.

Hơn nữa, bạn đọc cũng có thể kết nối, tương tác với tác giả, nhà xuất bản, đồng thời tương tác với những bạn đọc khác trong cộng đồng. Bạn đọc cũng có thể sử dụng tính năng phản hồi để đổi – trả sách trực tiếp với nhà sản xuất (nếu cần) mà không phải chờ đợi thông qua kênh phân phối, đồng thời cũng có thể đăng ký nhận các thông tin từ cổng chăm sóc độc giả của Anbooks: thông tin sách mới, tọa đàm, livestream của tác giả về chủ đề trong sách, hoặc nhận quà tặng từ các đối tác của Anbooks…

* Có thể thấy công nghệ quét mã QR code cũng là cách chống sách giả hữu hiệu?

- Đúng vậy. Sách giả thì không thể có mã này. Hơn nữa, QR code cũng định vị để chăm sóc độc giả và triển khai bản đồ phân phối cho độc giả của Anbooks. Sách của Anbooks chỉ bán ở khoảng 200 điểm trên toàn quốc, các điểm này đều thể hiện rõ khi quét mã QR code. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra những điểm bán sách không hợp lệ. Ứng dụng này cũng cho phép nhà sản xuất biết được điểm bán nào hoạt động hiệu quả, từ đó có chính sách chăm sóc kênh phân phối và độc giả hiệu quả hơn.

Cách làm của chúng tôi sẽ cho nhiều bạn đọc thấy rằng bản chất của công nghệ 4.0 đơn giản là sự kết nối thông minh trên nền tảng Bigdata (dữ liệu lớn). Chỉ cần một cú click trên điện thoại là độc giả có thể trò chuyện với tác giả, ban biên tập sách và với các độc giả khác. Tôi cũng đã triển khai ứng dụng công cụ trò chuyện trên Facebook Messenger code để độc giả có thể tương tác trực tiếp với tác giả trên mạng xã hội, từ những ngày đầu tiên Facebook công bố ứng dụng này (4/2016).

Tôi thấy đa số người Việt chưa tận dụng hết tiềm năng của mình trong công việc. Để kích hoạt được tiềm năng mỗi người thì cần phải kích hoạt nhận thức dựa trên sự thay đổi trong tư duy giáo dục. Người giỏi trong nước không thiếu, sao phải trông chờ sự xuất hiện của Jack Ma, Mark Zuckerberg hay Bill Gates? Đúng là chúng ta có thể học hỏi nhiều thứ hay từ nước ngoài, nhưng tôi vẫn ưu tiên cho những tài năng người Việt. Tôi luôn chống lại tư duy nhược tiểu, tự ti về nguồn gốc Việt Nam. Chính vì vậy, tôi chọn con đường làm sách Việt để tôn vinh người Việt và sách Việt.

* Nhưng mô hình làm sách như chị tốn công hơn bình thường, vì người chưa từng viết sách thường mất nhiều thời gian cho việc viết lách, người biên tập như chị thường phải can thiệp nhiều vào cấu trúc của cuốn sách…

- Đổi lại, tôi có những cuốn sách hay từ các tác giả có chuyên môn sâu trong lĩnh vực họ hoạt động, để mỗi câu chữ viết ra giản dị, gần gũi mà vẫn đủ sức thuyết phục. Chẳng hạn như cuốn sách Dạy con trong “hoang mang” của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam.

Mỗi bài viết trong sách đều bắt đầu bằng một câu chuyện thực tế mà tác giả trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại từ những trường hợp anh tư vấn. Từ những vấn đề lớn như hướng nghiệp, giới tính, bạo hành đến những câu chuyện gần gũi hơn trong cuộc sống như khen con thế nào cho đúng, dạy con thế nào khi cha mẹ ly hôn hay chỉ đơn giản là có nên để con khóc thỏa thích hay không.

Tất cả các vấn đề đều được tác giả đem ra phân tích dưới góc độ văn hóa, lịch sử và khoa học, với những số liệu minh chứng rõ ràng, để từ đó giúp cha mẹ soi chiếu hành động của mình và tự hiểu ra vấn đề. Người đọc sẽ không chỉ đọc một cuốn sách hay về dạy con trong thời buổi đầy “hoang mang” mà còn có thể tham khảo gần 100 nghiên cứu khoa học có đề cập đến trong sách bằng cách quét mã QR code.

Có thể nói, để có một cuốn sách giá trị cho độc giả, tôi và các bạn trong nhà Anbooks đầu tư rất nhiều về thời gian lẫn công sức. Vì vậy mà tôi bị “mắng” rất nhiều về cách làm sách “không giống ai”. Những người thương quý tôi tỏ ra lo lắng khi tôi chọn con đường khó trăm bề. Mỗi lần bị “mắng” tôi chỉ biết cười thật tươi để đáp trả. Nhưng trong tôi luôn có niềm tin rằng khi chúng ta làm việc phù hợp với năng lực và lẽ sống và làm với tất cả tình yêu thương cùng sự tập trung, thì chắc chắn sẽ có kết quả. Nếu chúng ta làm mà chưa đạt kết quả thì có lẽ đã có sai sót ở đâu đó cần điều chỉnh. Còn nếu nhiều lần thất bại thì tôi nghĩ rằng mình làm chưa đủ đó thôi.

* Có vẻ như chị là một người không dễ đầu hàng…

- Đó là bản tính của tôi. Từ nhỏ, tôi đã luôn khao khát muốn sống cuộc sống do mình lựa chọn mặc dù bên ngoài, tôi vẫn là một cô gái ngoan ngoãn để làm vui lòng cha mẹ. Tôi lựa chọn cuộc sống đơn thân nuôi con cũng vì muốn là chính mình, không phải sống theo kỳ vọng của ai. Trong mắt bạn bè, tôi là một người khởi nghiệp lì và liều.

Đến nay, tôi nhận ra điều mà mọi người trong xã hội này cần nhất là sự bình an. Dù chúng ta thành công đến đâu, giàu có thế nào nhưng trong tâm không “an” thì xem như chưa tìm được giá trị cốt lõi của đời người. Vì vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục chăm chút cho từng con chữ trong những cuốn sách mà Anbooks xuất bản, với ước mong giúp mọi người cân bằng trong cuộc sống thay đổi chóng mặt của đời sống hội nhập, giao thoa giữa cũ và mới, giữa những hệ giá trị đối lập và mâu thuẫn nhau, từ đó góp phần mang đến cuộc sống an nhiên cho mọi người.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.

Theo DNSG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang