Nữ Giám đốc lừa doanh nhân người Nhật Bản 1 triệu USD

author 07:12 15/09/2012

(VietQ.vn) - Khi chuyển số tiền hơn 1 triệu USD cho Đào Thanh Nhi để nhờ làm các thủ tục đầu tư doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Sugimoto Hiroyuki, một doanh nhân người Nhật không thể ngờ được vợ người bạn Nhật của ông lại có ngày tráo trở, đổi trắng thay đen khiến ông trắng tay.

Lá đơn tố cáo của vị doanh nhân người Nhật này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an Việt Nam trong việc chỉ đạo làm sáng tỏ vụ việc, góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư,  không để ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sau 4 năm, vụ  chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đầu tư này đã đến hồi kết với việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Thanh Nhi, người đang bị cơ quan điều tra cáo buộc đã  dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt  số tiền 867.807,02 USD  của ông Sugimoto. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội “đấu trí” với một loại tội phạm mới  xuất hiện – tội phạm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài với những tình tiết hết sức phức tạp.

Bài 1: Tin vợ bạn mất tiền

 Ngày 14/9, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Thanh Nhi (SN 1977) ở ngõ 49 đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, là giám đốc công ty TNHH cơ khí Kinhi, Phó tổng giám đốc công ty CP Progtechno  Việt Nam,  can tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Đào Thanh Nhi."

"Thả lưới...."

Cuối năm 2008, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội nhận được nhiều đơn thư của ông Sigimoto Hiroyuki (quốc tịch Nhật Bản), Chủ tịch HĐQT Công ty Sugitec Co.Ltd tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Progtechno Việt Nam tố cáo bà Đào Thanh Nhi đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoat tài sản của ông trị giá trên 1 triệu USD.

Theo nội dung đơn tố cáo, khoảng tháng 4/2006 tại Nhật Bản, qua sự giới thiệu của bạn bè, ông Sugimoto gặp ông Naoki Omura, Chủ tịch HĐQT Công ty Kato Seisasho ở thành phố Osaka (Nhật Bản) là người  đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam. Trong cuộc trao đổi, ông Sugimoto bày tỏ kế hoạch muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng vẫn còn e ngại do bản thân ông không phải xuất thân từ một nhà quản lý kinh tế, mặt khác không có người nào trong công ty Sugitec am hiểu về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Bà Đào Thanh Nhi chụp cùng Ban lãnh đạo Công ty CP Protechno.
Bà Đào Thanh Nhi chụp cùng Ban lãnh đạo Công ty CP Protechno.

Lúc đó, ông Omura tự giới thiệu có vợ là Đào Thanh Nhi, người Việt Nam, hiện là  giám đốc Công ty TNHH cơ khí Kinhi tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), có văn phòng đại diện tại A10  lô 4  Định Công, Hoàng Mai, TP Hà Nội và vợ chồng ông Omura sẽ giúp đỡ được ông Sugimoto trong việc đầu tư vào Việt Nam.   

Sau khi tự tìm hiểu nhiều khu công nghiệp, ông Sugimoto được ông Omura và bà Đào Thanh Nhi giới thiệu một lô đất có diện tích 15.000m2 tại khu B đường B2 khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Do ông Sugimoto chỉ có nhu cầu sử dụng 8000 m2 nên vợ chồng ông bà Omura - Đào Thanh Nhi tư vấn ông Sugimoto cùng chung mua mảnh đất này. Ông Sugimoto sẽ mua và sử dụng 8000 m2, 7000 m2 còn lại công ty Kinhi của bà Đào Thanh Nhi sử dụng.

Ngoài ra vợ chồng ông bà Omura  - Đào Thanh Nhi còn tư vấn cho ông Sugimoto nếu muốn xây dựng nhà máy tại Việt Nam thì phải liên danh với người Việt Nam để thành lập công ty trên đất Việt Nam.Vì vậy ông Sugimoto đồng ý và quyết định cùng bà Đào Thanh Nhi thành lập công ty CP Progtechno tại Việt Nam (tên công ty do ông Sugimoto đặt), xây dựng nhà xưởng tại lô đất 8000 m2 (khu B đường B2 khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để gia công các sản phẩm cơ khí chính xác dùng cho ô tô. Mọi thủ tục và nội dung thành lập công ty Progtechno Việt Nam do bà Đào Thanh Nhi đứng ra thực hiện.

Sau khi nhận được bản fax của bà Nhi yêu cầu sang Việt Nam để nhận giấy phép thành lập công ty Progtechno Việt Nam, ngày 26-3-2008, ông Sugimoto sang Việt Nam và được bà Đào Thanh Nhi đưa cho bản photo công chứng giấy chứng nhận đầu tư số 01103200053 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 12-3-2008 cấp  cho Công ty Progtechno Việt Nam. Vì vậy  ông Sugimoto yên tâm tiếp tục theo sự hướng dẫn của bà Đào Thanh Nhi để trực tiếp đi ký các hợp đồng xây dựng nhà xưởng , trạm cung cấp điện… và chuyển tiền, chuyển phương tiện, máy móc để hoạt động sản xuất tại địa điểm khu B đường B2 khu công nghiệp Phố Nối – Hưng Yên.

Tổng số tiền mà vợ chồng ông Sugimoto, công ty Sugitec tại Nhật đã chuyển vào Việt Nam thông qua tài khoản cá nhân Đào Thanh Nhi và  tài khoản công ty CP Progtechno Việt Nam là 1.105.128,40 USD gồm tiền mua đất, phí thành lập công ty, xây dựng nhà xưởng, trả lương công nhân…

Nhà máy được xây dựng trên diện tích 1.600m2/8.000m2 mà ông Sugimoto mua đi vào hoạt động từ tháng 3-2008 thì đến tháng 6-2008, bà Đào Thanh Nhi bất ngờ  yêu cầu nhà máy phải đóng cửa với lý do Công ty Progtechno Việt Nam đã thuê đất, nhà xưởng của công ty Kinhi do bà Nhi là giám đốc để sản xuất kinh doanh mà không chịu trả tiền.

Bà Nhi  xuất trình với cơ quan chức năng Việt Nam nhiều văn bản, chứng từ tài liệu trên đó có chữ ký của ông Sugimoto để chứng minh rằng số tiền mà ông Sugimoto đã chuyển vào tài khoản của cá nhân và của công ty Progtechno Việt Nam đã được bà Nhi hoàn lại bằng các phiếu chi và trừ vào khoản nợ cá nhân giữa ông Omura và Sugimoto. Bà Nhi khẳng định toàn bộ phần đất, nhà xưởng mà công ty Progtechno Việt Nam sử dụng là thuộc quyền sở hữu của công ty TNHH Kinhi cho công ty Progtechno thuê lại. Đến ngày 6-12-2008, bà Nhi sử dụng lực lượng bảo vệ không cho công nhân của Công ty Progtechno Việt Nam vào làm việc khiến 40 công nhân mất việc làm, thiệt hại vật chất do việc đóng cửa nhà máy gây ra khoảng 2.500 USD/ngày.

Kịch bản dựng sẵn

Ông Sugimoto thực sự bị hoảng loạn và không hiểu tại sao mình  bị mất trắng tiền đầu tư, dây chuyền máy móc trị giá triệu đô “đắp chiếu” có nguy cơ hư hỏng nặng nên ông đành làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng của Việt Nam để mong muốn làm sáng tỏ sự việc. Theo ông Sugimoto thì ông Omura và bà Đào Thanh Nhi đã lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật Việt Nam, sự bất đồng về ngôn ngữ của ông để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Bằng chứng là trước đó bà Nhi đã yêu cầu ông ký khống vào rất nhiều tờ giấy trắng khổ A4 theo chiều ngang và chiều dọc của khổ giấy, trong đó có những tờ đóng sẵn dấu của công ty Sugitec với lý do bà Nhi sẽ dùng vào việc soạn thảo các văn bản liên quan đến việc thành lập công ty, khai báo hải quan…

Ông Sugimoto cho rằng bà Nhi đã sử dụng những tờ giấy trắng mà ông đã ký khống nói trên để tạo lập những chứng từ giả mạo về nội dung như phiếu chi tiền mặt, các văn bản thanh quyết toán tài chính giải thể công ty… nhằm qua mặt các cơ quan chức năng để công khai chiếm đoạt tài sản của ông.

Đơn thư  tố cáo của ông Sugimoto được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có công thư đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam xem xét khách quan. Công an TP Hà Nội cũng nhận được ý kiến chỉ đạo của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra, kết luận vụ việc.

Xác định đây là một vụ việc phức tạp có liên quan đến người nước ngoài và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nên việc xác minh, thu thập tài liệu được các đội nghiệp vụ Phòng PC46 Công an Hà Nội tiến hành điều tra một cách thận trọng. Từ những tài liệu, thông tin do cả hai bên nguyên đơn và bị đơn cung cấp, cơ quan điều tra đã mất rất nhiều thời gian và công sức để xác minh, tìm ra sự thật.

Sau 4 năm đắp chiếu để điều tra, máy móc của công ty CP Progtechno đã hoen gỉ.
Sau 4 năm đắp chiếu để điều tra, máy móc của công ty CP Progtechno đã hoen gỉ.

Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, bản thân ông Sugimoto lúc đó mới “vỡ” ra nhiều điều về người bạn Nhật Omura và Đào Thanh Nhi, người phụ nữ mà ông đã đặt niềm tin vì  nghĩ rằng đó là vợ của bạn mình. Nhận ra sự cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư của vị doanh nhân này trong những ngày đầu mới quen biết, Đào Thanh Nhi đã có những toan tính, đưa ông Sugimoto vào một kịch bản hoàn hảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngay từ  tháng 5/2006 đến tháng 1/2007,  thông qua Omura, Đào Thanh Nhi đã tạo dựng lòng tin với vợ chồng ông Sugimoto bằng cách để Omura fax trực tiếp từ nhà máy Kato của Omura các bản thông báo chi tiết cho ông Sugimoto biết về các khoản tiền phải trả theo từng đợt cho 8.000 m2 đất tại khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, quy trình, hồ sơ thuê đất, các chi phí thuê tư vấn lập hồ sơ xin phép thành lập công ty Progtechno Việt Nam…

Tin tưởng vào vợ chồng  Omura  - Đào Thanh Nhi, từ tháng 11-2006 đến 18-1-2007, vợ chồng ông Sugimoto đã chuyển vào tài khoản cá nhân Đào Thanh Nhi 116.160 USD đúng theo nội dung yêu cầu từ các bản fax mà ông Sugimoto nhận được.

Thế nhưng ông Sugimoto hoàn toàn không biết rằng tại Việt Nam vào thời điểm này (từ tháng 10-2006 đến tháng 1-2007), Đào Thanh Nhi đã tiến hành làm các thủ tục thành lập một công ty mới tại Hưng Yên cũng có tên là công ty TNHH cơ khí Kinhi  để thuê lại quyền sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng trọn vẹn 15.000m2 đất tại đường B2 khu B khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng quyền sử dụng đất.

Giấy chứng nhận đầu tư do Ban quản lý các khu công nghiệp Hưng Yên cấp thành lập công ty TNHH cơ khí Kinhi có chức năng cho thuê đất và hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng giữa bà Đào Thanh Nhi với công ty quản lý khai thác khu công nghiệp phố Nối Hưng Yên có điều khoản: “bên thuê đất có quyền cho người khác thuê lại”.

Do vậy công ty Progtechno Việt Nam của ông Sugimoto nếu có được cấp phép thành lập thì  không thể thuê chung 15.000 m2 hoặc thuê riêng 8.000m2 đất mà  phải thuê lại đất của bà Đào Thanh Nhi theo luật Đầu tư.

Đây là những “bước đi” đầu tiên của Đào Thanh Nhi lợi dụng Luật Đầu tư có quy định giấy chứng nhận đầu tư chính là giấy phép thành lập công ty và tên công ty không được trùng nhau. Nhưng vào thời điểm đó, các cơ quan chức năng ở các tỉnh khác nhau không chú ý điều này nên vẫn thường cấp giấy chứng nhận đầu tư  cho các công ty trùng tên với các công ty đã được thành lập ở tỉnh khác . Vì vậy Đào Thanh Nhi sau này mới có điều kiện tự lập bộ hồ sơ có nội dung ông SUGIMOTO thuê lại đất của công ty TNHH cơ khí Kinhi (còn nữa).

Vũ Nguyễn (bài viết được thực hiện với sự cộng tác của các đồng nghiệp và cơ quan điều tra Công an Hà Nội)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang