Nữ nhà khoa học trẻ nói về trở ngại của nghiên cứu khoa học

author 06:18 11/09/2015

(VietQ.vn) - Trong số 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu được gặp Thủ tướng Chính phủ hôm nay (11/9) chỉ có 10 nhà khoa học nữ nhưng thành tích của họ lại vô cùng đáng nể. TS Phạm Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1981) là một trong những nữ nhà khoa học như vậy.

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

Nhân sự kiện Thủ tướng Gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu, phóng viên đã có phỏng vấn với TS Phạm Thị Tuyết Nhung hiện đang là nghiên cứu viên của Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Theo chị, chế độ đãi ngộ của Nhà nước hiện nay đối với các nhà khoa học trẻ đã phù hợp chưa? Cần có giải pháp gì để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ?

Theo tôi chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối các nhà khoa học nói chung, kể cả các nhà khoa học đầu ngành chứ không riêng gì các nhà khoa học trẻ vẫn chưa tạo ra điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học để họ có thể dành toàn bộ tâm sức, thời gian vào việc nghiên cứu khoa học.

Nhiều giảng viên phải làm các công việc phụ để có thêm thu nhập cho công việc nghiên cứu và cuộc sống. Một số người phải làm thêm các công việc bên ngoài như dạy phụ đạo, tổ chức các lớp học thêm, nhận một số hợp đồng ngắn hạn từ các công ty. Nếu cứ tiếp tục như vậy họ không thể phát huy được hết năng lực nghiên cứu của mình.

Với đối với việc nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ, nếu chưa có điều kiện tăng lương, cấp kinh phí nghiên cứu cho họ thì nên tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu đang thực hiện các đề tài khoa học. Đồng thời giúp họ cân bằng thời gian giữa giảng dạy và nghiên cứu.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung nói về cản trở của nghiên cứu khoa học

TS Phạm Thị Tuyết Nhung nói về cản trở của nghiên cứu khoa học. Ảnh sưu tầm từ internet

Có rất nhiều bạn trẻ sau khi được đi du học thì không muốn trở về vì ở nước ngoài có điều kiện hơn để phát triển sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy chị có thấy mình thiệt thòi khi trở về nước với đồng lương ít ỏi hay ko?

Theo tôi việc quyết định sau khi học xong ở nước ngoài có về nước hay không là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Nhiều người họ thấy rằng ở nước ngoài có điều kiện phát triển tốt hơn, sau này có thể giúp đỡ đất nước thông qua con đường khác. Có những người quyết định về để trực tiếp đóng góp cho đất nước, một khi đã quyết định trở về thì họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để giảng dạy, nghiên cứu với điều kiện chưa được tốt trong nước.

Đất nước rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học trẻ cho sự phát triển. Gần đây Chính phủ đã có sự quan tâm và đầu tư để thu hút, mời gọi các nhà khoa học trẻ trong nước và được đào tạo ở nước ngoài, cả những nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài về nước cống hiến. 

Dấu hiệu có thể nhận thấy đó là sự ra đời của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, các chương trình nằm trong "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Việt Nam", giải thưởng Tạ Quang Bửu. Một số chính sách về việc sử dụng và trọng dụng các nhà khoa học trẻ tài năng cũng được Chính phủ ban hành gần đây để thu hút người tài về cống hiến cho đất nước.

Là một nhà khoa học nữ, còn rất trẻ, chị đã phải vượt qua những trở ngại nào để theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình? Chị thấy không khí nghiên cứu của những nhà khoa học trẻ ở Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam như thế nào? Theo chị, sự cống hiến của nhà khoa học trẻ cần được khích lệ bởi những yếu tố nào?

Trở ngại của tôi cũng như của rất nhiều nhà khoa học hiện nay là chưa có được môi trường làm việc và điều kiện sống tốt nhất để nghiên cứu khoa học. Một trở ngại khác nữa là sự công nhận của xã hội đối với công việc nghiên cứu và giảng dạy của các nhà khoa học không được như trước đây. Đây cũng là một trong những lý do khó thu hút những bạn trẻ theo con đường nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Cá nhân tôi cảm thấy may mắn hơn một số bạn khác vì đã có người thầy hướng dẫn tốt, thầy không chỉ chỉ đạo về mặt khoa học mà còn truyền cho tôi niềm đam mê khoa học. Hơn nữa chúng tôi làm việc theo nhóm, nên không phải đơn độc đối mặt với những trở ngại.

Thựa ra tôi mới chuyển về VAST công tác từ đầu năm 2015 đến nay, tôi nhận thấy rằng không khí nghiên cứu ở VAST rất sôi nổi. Nhiều viện, trung tâm, ví dụ như Trung tâm Vệ tinh quốc gia nơi tôi làm việc tỉ lệ các nhà khoa học trẻ chiếm số đông. Điều này tạo ra môi trường làm việc năng động, có sự cạnh tranh tích cực để cùng nhau phát triển.

Chị có thể chia sẻ về hành trình học tập, nghiên cứu để đạt được thành tích như hôm nay?

Tôi học khoa Vật lý Trường Đại học KHTN - ĐHQG Hà Nội. Khi tôi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi may mắn gặp được người thầy tốt đã khuyến khích và động viên tôi theo đuổi con đường nghiên cứu.

Từ đó đến nay chúng tôi (gồm các bạn trẻ và thầy hướng dẫn) luôn cố gắng để xây dựng và duy trì một nhóm nghiên cứu hướng tới mục tiêu đạt được trình độ quốc tế trong lĩnh vực vật lý tia vũ trụ, vật lý thiên văn.

Thực ra, ở Việt Nam với những điều kiện hiện nay việc duy trì, phát triển được nhóm nghiên cứu bền vững thì rất khó khăn từ việc xin kinh phí đề tài, cho đến việc giữ được các thành viên trong nhóm nghiên cứu và phát triển rộng hơn nữa. Nhưng việc nghiên cứu theo nhóm có rất nhiều lợi ích, ở nước ngoài việc làm việc theo nhóm là yếu tố cơ bản, mỗi người đều phát huy được sở trường của mình và được sự hỗ trợ từ các thành viên khác. Nếu như có một người đi học, làm việc ngắn hạn ở nước ngoài thì khi người đó về nước những thành viên khác cũng được lĩnh hội kiến thức mới do những người đi truyền đạt lại.

Những thành tích tôi đang được ghi danh thực ra là kết quả nghiên cứu của cả nhóm. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ những hợp tác quốc tế từ thời điểm nhóm được thành lập.

Minh Hà (lược ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang