Nữ sinh bị đánh hội đồng: Nhà trường đang đào tạo ra “rô bốt”?

author 10:31 17/03/2015

(VietQ.vn) - "Nhà trường không nên đào tạo ra những bộ não rô bốt thông minh nhưng không biết ứng xử. Chúng ta cần đạo tạo ra một con người có đầy đủ cảm xúc và những ý thức cơ bản".

Mới đây, một đoạn clip được đăng tải trên mạng cho thấy, một nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh) bị nhóm học sinh (phần đông là nữ) đánh đập dã man. Trong số 9 học sinh đánh bạn có nữ lớp trưởng.

Tìm hiểu thêm được biết, sự việc xảy ra trước giờ học buổi chiều ngày 13/1, tại trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Gần hai tháng sau nhà trường và gia đình mới biết chuyện. Lúc này clip đã lan tỏa trên mạng xã hội.Trong clip, nạn nhân khóc nức nở khi liên tiếp bị nhóm bạn nữ đánh tới tấp, cầm ghế nhựa đập vào đầu. Thậm chí, một nam sinh bê nguyên chồng ghế ném về phía nạn nhân. Người quay lại clip miêu tả “máu me tùm lum”.

Vụ đánh bạn dã man: Nhà trường đang đào tạo ra “rô bốt”?

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

Mặc dù đến nay đã có những hình phạt xứng đáng cho các học sinh này nhưng TS  Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, việc cốt lõi vẫn là người lớn cần “làm gương” cho con trẻ noi theo.

Theo TS Hồng, việc trẻ em đánh, cãi nhau không mới nhưng trường hợp này rất đáng lo ngại bởi nó xảy ra ngay trong trường lớp học; mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh ngày càng tăng.

“Thực ra điều này không có gì ngạc nhiên bởi trong dịp Tết vừa qua có hơn 6.000 vụ người lớn đánh nhau. Đó là tấm gương xấu”, bà Khuất Thị Thu Hồng nói.

Bà Hồng nhận xét, ngày nay, ngay cả người lớn cũng không thể giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình nên không thể đồi hỏi trẻ em có cách giải quyết mâu thuẫn của mình tốt hơn.

“Ta tự hỏi ta trước tại sao trẻ em giờ hay dùng bạo lực. Chính những người lớn đang mất lòng tin về cách xử lý, can thiệp công bằng, bằng pháp luật hay hòa giải. Lối giải quyết bạo lực của người lớn đã phản ánh vào trẻ em nên hãy tự trách mình trước”, TS Hồng chia sẻ.

Trong khi đó, bà Hồng cho rằng, ngành giáo dục nên xem xét và cân bằng những kiến thức khoa học với việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. 

Nói về tâm sinh lý trẻ em độ tuổi từ 10 – 17, TS Khuất Thu Hồng cho biết, đây là lứa tuổi dậy thì, thành niên – ý thức muốn làm người lớn nhưng kỹ năng chưa đầy đủ. Lứa tuổi này rất dễ bị ảnh hưởng, du nhập bởi những tiêu cực xung quanh và kết quả của việc du nhập thói bạo lực từ người lớn đã thấy rõ qua vụ việc này.

“Bộ Giáo dục cần cân nhắc đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Không nên đào tạo ra những bộ não rô bốt thông minh, giỏi giang nhưng không biết ứng xử. Chúng ta cần ghi nhớ, cần đạo tạo ra một con người có đầy đủ cảm xúc, giác quan và những ý thức cơ bản…”, bà Hồng nói.

Sự việc đáng tiếc xảy ra và đã có hình phạt thích đáng cho các học sinh. Theo đó, có 9 học sinh liên quan đến việc nữ sinh bị đánh và phát tán clip lên mạng, thuộc các lớp 7/5, 7/4, 7/13 và 7/14. 3 học sinh bị kỷ luật nặng nhất với mức buộc thôi học 1 tuần là lớp trưởng lớp 7/5, học sinh quay clip và nam sinh ném chồng ghế vào đầu nạn nhân. Một học sinh khác được cho là liên đới vụ việc bị khiển trách. 5 học sinh còn lại bị cảnh cáo trước toàn trường.

Về phía nhà trường, UBND TP Trà Vinh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng để làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên; hiệu phó Võ Thanh Vũ; Tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm và giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất.

Trà Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang