Nữ sinh trường y và đam mê thiết kế đồ lót xuất ngoại

author 15:34 15/08/2016

Con thuyền khởi nghiệp của Nguyễn Thị Nhường, sinh viên năm cuối trường Đại học Y Dược TP.HCM, đang bắt đầu chạm tới chặng đường ‘thuận buồm xuôi gió’.

Đam mê bị gia đình ngăn cản

Sống tại một miền quê ở Hà Tĩnh, bố mẹ Nhường luôn muốn hướng con theo một công việc ổn định như ngành y hay nghề giáo. Vì vậy, ngay khi thấy cô con gái hay thích vẽ những bộ quần áo, những cô người mẫu… cha mẹ Nhường đã tỏ thái độ cứng rắn.

“Hồi nhỏ mình thích may vá và thiết kế quần áo lắm. Nhớ năm cấp 2, báo Hoa học trò có mục thi thiết kế thời trang, mình tham gia rất nhiệt tình. Nhưng bố mẹ thấy mình vẽ nhiều thì không vui, thậm chí còn cấm không cho vẽ. Có đêm mình trốn trong phòng vẽ, xong giấu hết giấy xuống gầm giường, vậy mà ngày hôm sau lại thấy cả sấp giấy đó đặt trên bàn học. Mình cũng sợ bố mẹ mắng nên chỉ dám vẽ ở trên lớp, vẽ trong vở rồi xé đi”, Nhường kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu.

Tới khi lên cấp 3, gia đình đặt kỳ vọng rất nhiều vào Nhường, hi vọng cô có thể trở thành sinh viên của trường đại học Y ở Huế. Nhường chia sẻ: “Mình rất muốn thi ngành thiết kế thời trang nhưng đối với bố mẹ thì đó là một nghề vô cùng viển vông, không thể kiếm được ra tiền. Năm đầu tiên thi rớt đại học Y Huế, bố nói cho ôn thi lại đến khi đỗ thì thôi”.

Nhường chia tay gia đình vào ôn thi “lớp 13” với chị gái trong Vũng Tàu. Cô gái nhỏ nhắn muốn làm vui lòng bố mẹ nên lựa chọn một ngành không quá “khó nhằn” trong Đại học Y Dược TP.HCM, và may mắn Nhường đã thi đỗ.

Nhường theo học ngành y để làm vui lòng bố mẹ 

“Dù không thích chút nào nhưng vì bố mẹ nên mình chọn ngành y tế công đồng. Mình cảm thấy học ngành đó khá mở, có thể giao tiếp rộng rãi bên ngoài. Nhưng mình đi học không giống các bạn. Họ học rất hăng say, chăm chỉ, còn mình thì lại bỏ nhiều thời gian cho các khóa học kinh doanh, đi làm thêm rất nhiều công việc để tích lũy kinh nghiệm sống”, Nhường tâm sự.

Đến năm thứ 2 đại học, Nhường nhận ra rằng mình có thể bắt đầu kinh doanh mặt hàng gì đó mà cô tự làm ra được để đảm bảo chất lượng. Không phải là bán theo trào lưu, mà mặt hàng đó phải ghi dấu bằng chất lượng tốt và khách hàng thật sự cần dùng.

Nhường bắt đầu với những chiếc thiệp 3D, rồi những món đồ handmade do cô tự sáng tạo ra. Và rồi một lần tình cờ nhìn thấy cô người mẫu mặc loại áo lót làm bằng ren nhẹ nhàng mà siêu gợi cảm trên Instagram, một ý tưởng lớn đã lóe lên trong đầu Nhường.

Cô chủ trẻ nhạy bén

Đam mê thiết kế thời trang vạch ra con đường khởi nghiệp cho Nhường 

“Chiếc áo lót đó quá ấn tượng, mình lập tức đi tìm mua vải ren nhưng thất vọng, đành lấy một chiếc áo bằng ren của mình phá ra, lấy vải khâu tay thử. Chất liệu không tốt nhưng kiểu dáng khá vừa ý. Mình khâu tặng chị gái hai chiếc áo lót theo mẫu và chị ấy ưng ý lắm. Mình chia sẻ ảnh chiếc áo đầu tay lên Facebook thì được các bạn nữ trong ký túc xá phản hồi rất tốt và họ đặt hàng. Mình làm đơn hàng các bạn đặt trong sự bất ngờ”, Nhường kể lại những ngày đầu trên con đường khởi nghiệp.

Nhận đơn đặt hàng đầu tiên từ bạn bè, cô gái sinh năm 1993 này quyết định đầu tư một chiếc máy may cá nhân khá cà tang chỉ với giá vài trăm ngàn. Cô lùng sục trong các khu chợ ở quận 5 (TP.HCM) để tìm cho được chất lượng ren mềm mại, phù hợp để may nội y. Nhưng đáng tiếc là máy may được vài ngày thì hỏng, vải ren tìm hoài cũng không ra loại vừa ý.

Không nản lòng, Nhường bỏ ra vài triệu mua vải ren. Chạy từ quận 5 đến các chợ ở quận Tân Bình vẫn không được loại ưng ý, nhưng cứ mua thử. "Ngặt nỗi người ta chỉ bán sỉ, mình mua theo kí về không may được là... bỏ. Những chiếc áo đầu tiên mình bán cho bạn bè chỉ vài chục ngàn, coi như tính tiền vải chứ không tính tiền công”, Nhường cho biết.

Sau khi tìm được nguồn vải ưng ý thì Nhường lại đối mặt với thử thách làm thế nào để sản xuất hàng loạt các sản phẩm đẹp, chất lượng tốt đồng đều. “Mất khoảng 2 tháng để tìm ra được loại chỉ phù hợp với vải ren, rồi kích cỡ, kiểu dáng nào phù hợp với vòng 1 của đa phần phụ nữ… Có những lúc may rồi mình phải bỏ đi hàng loạt vì không đạt chất lượng. Vì mình đam mê và đủ quyết tâm nên cũng đưa công việc được vào guồng”, cô sinh viên trường Y bộc bạch.

Những sản phẩm nội y do Nhường thiết kế và tự tay thực hiện 

Phong cách đồ nội y mà Nhường hướng đến là làm từ chất liệu ren mềm mại, thoải mái, hạn chế mút, miếng đệm hay gọng cứng. Tích cực giới thiệu trên Facebook, các diễn đàn may vá, diễn đàn cho chị em… nên đơn đặt hàng Nhường nhận được rất khả quan.

Hiện tại Nhường đã là cô chủ trẻ của một xưởng may và một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở quận 10 (TP.HCM). Nhường cho biết toàn bộ số vốn bỏ ra mua sắm máy móc, thuê mặt bằng và thuê 5 nhân công đều là tiền cô tích lũy từ việc kinh doanh của mình.

“Hiện tại đơn đặt hàng đồ lót mỗi tháng có thể lên đến con số hàng nghìn. Trừ tất cả chi phí thì số tiền MÌNH thu về cũng được vài chục triệu đồng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là Nhường muốn xây dựng thương hiệu L.O.C của mình để đưa sản phẩm ra nước ngoài. Phụ nữ phương Tây rất thích những mẫu nội y mảnh mai thoải mái như vậy”, Nhường chia sẻ.

Ngoài những đơn hàng lẻ bán cho khách nước ngoài thông qua mạng xã hội thì mới đây, xưởng của Nhường đã nhận được hợp đồng cung cấp sản phẩm nội y cho một website bán hàng trực tuyến ở Malaysia, với đơn đặt hàng mỗi tuần có thể lên tới 200 sản phẩm. Dự định tiếp theo của Nhường là mở một cửa hàng tại Vũng Tàu để bán được sản phẩm cho khách du lịch quốc tế.

Nói về điều tâm đắc nhất trên những chặng đường khởi nghiệp đầu tiên, Nhường chia sẻ: “Quan trọng nhất là mình được làm công việc mình yêu thích. Gia đình mình vẫn hỏi có học tiếp 2 năm để lấy bằng bác sĩ không, nhưng có lẽ lần này mình sẽ dũng cảm lắc đầu”.

"Người rừng" ở Campuchia đoàn tụ gia đình Việt NamTak, cô gái thường được gọi là “người rừng”, đã đoàn tụ với cha ruột ở Việt Nam hôm 13-8 sau hơn 10 năm sống trong một gia đình Campuchia.

 Theo Thanh niên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang