Nữ sinh nguy kịch dù chỉ bị ong đốt một mũi

author 21:24 11/07/2016

(VietQ.vn) - Nhập viện bệnh viện Chợ Rẫy lúc 2h ngày 7/7, nạn nhân rất nguy kịch, suy hô hấp nặng, huyết áp thấp, không đáp ứng với phương pháp thở máy cao

Thông thường phải bị ong đốt trên 50 mũi sức khỏe người ta mới có vấn đề. Đàng này nạn nhân chỉ bị ong đốt đúng một mũi, tính mạng đã trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”.

Dù được bác sĩ chữa trị tích cực, nhưng khả năng cứu sống vẫn bỏ ngỏ, trong khi hoàn cảnh gia đình nạn nhân lại rất khó khăn.

Đó là trường hợp em Phan Thị Bích Loan, 18 tuổi, ngụ tại Tam Bình - Vĩnh Long, học sinh lớp 12, mới thi tốt nghiệp PTTH vừa qua.

Theo người nhà, lúc 6h ngày 5/7, Loan ra vườn hái trái cây thì bị ong bầu đốt một mũi vào mi mắt. Ngay sau đó nạn nhân bị nổi ngứa toàn thân, thở mệt, khó thở.

Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân bị tụt huyết áp, suy hô hấp. Sau khi xử trí bệnh nhân như sốc phản vệ, bệnh viện huyện chuyển lên bệnh viện tỉnh vào tối cùng ngày.

Ở bệnh viện tỉnh, dù được xử trí tích cực, nhưng  nạn nhân vẫn không cải thiện, nên được chuyển tiếp lên TPHCM trong tình trạng phù phổi cấp.

Nhập viện bệnh viện Chợ Rẫy lúc 2 giờ ngày 7/7, nạn nhân rất nguy kịch, suy hô hấp nặng, huyết áp thấp, mạch nhanh, không đáp ứng với phương pháp thở máy cao, nên được chuyển lên khoa hồi sức.

Ở đây, do phổi bệnh nhân bị tổn thương nặng, nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định áp dụng giải pháp chạy ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (phương pháp ECMO) để duy trì sự sống bệnh nhân.

Theo BS Trần Thanh Linh, phó khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy,  cho biết nếu không áp dụng ECMO, nạn nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ.

Sau hai ngày được chạy ECMO, đến ngày 10/7, tổn thương phổi của bệnh nhân cải thiện rõ.

Đến sáng 11/7/2016, sau khi được chạy ECMO thêm lần nữa, việc cứu chữa bệnh nhân xem như tương đối thành công.

Tuy nhiên, BS Linh cũng cho biết phải chờ thêm vài ngày nữa mới có thể khẳng định được mọi chuyện.

Lý giải vì sao chỉ bị ong đốt một mũi mà nạn nhân đã trở nặng, BS Linh thông tin bệnh nhân này có tiền căn viêm da dị ứng. Thông thường nếu bị ong đốt thì độ nặng của bệnh nhân phụ thuộc vào số mũi ong đốt.

“Bình thường, nếu bị ong đốt hơn 50 mũi, bệnh nhân bị tình trạng tán huyết. Nhưng tình trạng tổn thương phổi và suy hô hấp lại không phụ thuộc vào mức độ ong đốt, mà phụ thuộc vào cơ địa nạn nhân, đặc biệt nghiêm trọng ở nạn nhân có tình trạng dị ứng, hen suyễn. Ở người này, chỉ cần một mũi ong đốt là họ có thể rơi vào tình trạng nguy kịch”, BS Linh nói.

Việc sử dụng ECMO nhằm để phổi nạn nhân tự phục hồi. Trong 70 – 80 % trường hợp, phổi sẽ tự lành trong vòng một tuần. Sau đó, nạn nhân sẽ được bác sĩ cho cai ECMO, tự thở được và xem như được chữa trị thành công.

Chi phí chạy ECMO rất đắt tiền. Bình thường chỉ cần tháo bộ dụng cụ gắn máy vào bệnh nhân đã tốn mất gần 100 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, chi phí chữa trị bệnh nhân này bằng ECMO đã lên đến gần 146 triệu đồng, chưa kể chi phí thuốc men và những khoản khác.

Được biết gia đình bệnh nhân rất khó khăn, phải chạy vạy khắp nơi mới kiếm được đóng 102 triệu đồng. Éo le là thẻ bảo hiểm y tế của nạn nhân mới hết hạn vào tháng 5/2016 (vì là học sinh), nên nạn nhân không được hưởng sự hỗ trợ của bảo hiểm.

Châu Giang

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang