Nữ sinh và thợ sửa vi tính bị điều tra tội chống Nhà nước

author 06:53 04/11/2012

(VietQ.vn) - Ngày 3/11, Công an tỉnh Long An phối hợp cùng Công an TPHCM, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM tổ chức họp báo công bố việc bắt, khởi tố hai đối tượng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì hành vi rải truyền đơn, tuyên truyền chống phá Nhà nước.

 Theo báo cáo của Công an Long An, hai đối tượng bị bắt là Đinh Nguyên Kha (sinh năm 1988, là thợ sửa vi tính, hộ khẩu thường trú tại phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An) và Nguyễn Phương Uyên (sinh năm 1992, là sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM, hộ khẩu thường trú tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).

Ngày 11/10/2012, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã kiểm tra nhà Đinh Nguyên Kha và phát hiện nhiều tài liệu chứng minh hành vi phát tán tài liệu chống phá Nhà nước của đối tượng này. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện các chứng cứ chứng minh Đinh Nguyên Kha cấu kết cùng Nguyễn Phương Uyên dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành (đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam chạy trốn ra nước ngoài) để tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam và đã chuẩn bị thuốc nổ để tiến hành hoạt động phá hoại một số nơi.
Nguyễn Phương Uyên và Nguyễn Đình Kha
Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha
 
Sau quá trình điều tra, ngày 19/10/2012, Công an Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam Đinh Nguyên Kha thời hạn 4 tháng; khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Phương Uyên thời hạn 4 tháng để làm rõ hành vi của Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên và một số đối tượng khác có liên quan tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam được quy định tại điều 88 bộ luật Hình sự.
 
Trong quá trình tạm giam điều tra, đối tượng Đinh Nguyên Kha đã thừa nhận quen biết Nguyễn Thiện Thành qua mạng xã hội facebook từ tháng 4/2012. Vào khoảng cuối tháng 9/2012, Nguyễn Thiện Thành bàn bạc với Kha việc thực hiện kế hoạch phát tán truyền đơn có nội dung kích động, xuyên tạc Đảng, Nhà nước.
 
Để thực hiện hoạt động này, Thành giới thiệu Uyên với Kha để cả 2 cùng thực hiện. Thành cũng chuyển tiền về cho Kha mua các dụng cụ in, dán truyền đơn… Uyên mua máy ảnh để chụp lại hiện trường phát tán truyền đơn.
 
Ngày 3/10/2012, Kha đến nhà trọ của Uyên (tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM) và chở Uyên ra khu vực cầu vượt An Sương (nơi 2 đối tượng này dự định phát tán truyền đơn) để quan sát hiện trường.
 
Sau đó, đối tượng Uyên đổi 1.600.000 đồng tiền mệnh giá 20.000 đồng, 10.000 đồng và 5.000 đồng đưa cho Kha để dán vào mặt sau truyền đơn, nhằm mục đích cho người đi đường nhặt tiền kèm theo truyền đơn.
 
Ngày 10/10/2012, Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đến khu vực cầu vượt An Sương treo hộp truyền đơn trên thành cầu vượt. Đến 7h15 phút, hộp truyền đơn và cờ vàng 3 sọc đỏ bung ra rơi xuống, hai đối tượng trên chụp ảnh, quay phim hiện trường. Ngày hôm sau, Nguyễn Phương Uyên viết bài miêu tả lại hoạt động rải truyền đơn này và gửi cho tên Thành qua hộp thư yahoo để tên Thành đăng tải trên các trang mạng phản động.
 
Ngoài hoạt động rải truyền đơn, Đinh Nguyên Kha còn khai nhận đã nghiên cứu, mua hóa chất pha chế thành công thuốc nổ. Kiến thức về nguyên lý hoạt động của các loại thuốc nổ do Đinh Nhật Uy (anh ruột Kha) chỉ dẫn. Tên Kha đã áp dụng nguyên lý này và tìm mua các loại hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) để pha trộn.
 
Đối tượng Đinh Nguyên Kha còn được Nguyễn Thiện Thành cung cấp tài liệu để nghiên cứu chế tạo vật gây nổ. Kha đã thử nghiệm gây nổ thành công 3 lần tại huyện Thủ Thừa, Long An.
 
Âm mưu của các đối tượng này là sử dụng chất nổ để phá hoạt tại một số nơi. Rất may là cơ quan điều tra đã phát hiện kịp thời, chặn đứng hoạt động phá hoại này ngay từ trong trứng nước.
 
Khi bắt tạm giam 2 đối tượng này, cơ quan điều tra đã thu giữ 2,54 kg hóa chất và dụng cụ chế tạo thuốc nổ; 1 cờ vàng 3 sọc đỏ dán vào mặt trong thùng cacton; 723 tờ truyền đơn, khẩu hiệu…
 
Ngoài hoạt động rải truyền đơn vào ngày 10/10/2012, đối tượng Đinh Nguyên Kha còn khai nhận đã thực hiện việc dán truyền đơn với các nội dung tuyên truyền chống Nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2012 theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thiện Thành. Nội dung truyền đơn do Nguyễn Thiện Thành truyền về cho Kha qua email.
 
Tối ngày 31/82/2012, Kha in các khẩu hiệu tuyên truyền chống phá Nhà nước ra giấy A4, cờ vàng 3 sọc đỏ do Kha tự làm bằng cách dán 3 sọc băng keo đỏ trên giấy A4 màu vàng. Trong ngày 1/9/2012, Kha dán khẩu hiệu và cờ vàng 3 sọc đỏ tại khu dân cư gần bệnh viện đa khoa Long An, cổng lăng Nguyễn Huỳnh Đức, khu đô thị Lợi Bình Nhơn… Sau đó, đối tượng Kha chụp ảnh hiện trường dán truyền đơn và gửi cho Nguyễn Thiện Thành để đối tượng này đăng tải trên các trang mạng phản động.
 
Đối tượng Nguyễn Phương Uyên cũng khai nhận đã quen Nguyễn Thiện Thành qua chương trình chat yahoo từ cuối tháng 4/2012. Khi được biết Thành sẽ thực hiện treo cờ vàng 3 sọc tại Long An trong dịp lễ 2/9/2012, Uyên đề nghị được thực hiện tại Bình Thuận.
 
Theo sự hướng dẫn của Thành, Uyên đã dùng bút chì sáp vẽ hình cờ vàng 3 sọc trên nền giấy A4, dùng máu pha loãng viết tay trên tờ vải trắng nội dung nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 20/8/2012, Uyên đem hình vẽ cờ vàng 3 sọc và tờ vải trên dán ở một số điểm trên quốc lộ 28 thuộc địa bàn xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Sau đó, Uyên dùng điện thoại di động chụp ảnh hiện trường dán truyền đơn và gửi cho thành đăng trên các trang mạng phản động.
 
Nguyễn Phương Uyên cũng khai nhận việc mình phối hợp cùng Đinh Nguyên Kha theo sự giới thiệu của Nguyễn Thiện Thành để rải truyền đơn tại khu vực cầu vượt An Sương (TPHCM) vào ngày 10/10/2012.
 
Trước những hành vi đó với chứng cứ rõ ràng, cơ quan công an tỉnh Long An đã kết luận Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã vi phạm pháp luật Việt Nam, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng này.
 
Đại diện ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM xác nhận, đã nhận được thông báo của cơ quan điều tra về việc bắt tạm giam sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Liên quan đến "bản kiến nghị" được cho là của các sinh viên nhà trường, bà này cho hay, tên sinh viên thì đúng nhưng mã số lại không khớp.
 
"Trường đã làm việc với các sinh viên có tên trong bản kiến nghị thì hầu đều khẳng định không tham gia ký tên vào danh sách và thậm chí không biết việc Phương Uyên bị bắt. Các em không hiểu tại sao lại có tên mình trong văn bản đó", đại diện nhà trường cho biết thêm.
 
Triều Dương (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang