Nửa năm xử lý 2.530 vụ hàng giả, vi phạm bản quyền SHTT

author 20:51 27/08/2016

(VietQ.vn) - Xử lý hàng giả, đó không chỉ riêng cơ quan quản lý thị trường mà cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm.

Chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam bên lề hội thảo "Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT" diễn ra ngày  26/8, ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất về Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng: Cơ quan quản lý hàng hóa không phải chỉ ở văn phòng mà còn phải ra ngoài thị trường để tiếp xúc với doanh nghiệp và cả khách hàng để cùng điều phối, hợp tác để tìm ra giải pháp thực thi hiệu quả chống hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ.

Hàng giả tràn lan, nguyên nhân vô số

Là một chuyên gia đầu ngành, đã nhiều năm hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước về việc chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam khẳng định: “Bây giờ, tìm hàng thật khó hơn tìm hàng giả”.

 Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Lý giải điều này, ông Bảo cho rằng, nguyên nhân của việc xuất hiện nhiều hàng giả trên thị trường là do các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, tốc độ sản xuất hàng giả ngày càng nhanh hơn, khó phát hiện, đồng thời hàng giả đưa từ nước ngoài vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch biên giới. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa đồng bộ; nhận thức người dân về hàng giả còn hạn chế và một bộ phận ham rẻ.

Về phía cơ quan thực thi, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, đó là do: Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, trình độ chuyên môn còn hạn chế; đặc biệt là sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi chưa thường xuyên, bài bản.

Doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong công tác thực thi quyền SHTT. Doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền, hàng hóa và là người hiểu rõ nhất về sản phẩm. Doanh nghiệp phải chủ động phòng và chống hàng giả tích cực hơn ai hết để bảo vệ mình.

Doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ quan thực thi bằng việc tổ chức Hội thảo, phối hợp kiểm tra hàng hóa và tuyên truyền rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng để họ biết được đâu là thật, đâu là giả.

Giải pháp còn vĩ mô

Ông Andrew Holt cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được hết các tác hại của hàng giả với nền kinh tế và cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy cần chủ động nhiều hơn trong vấn đề cung cấp thông tin để các cơ quan thực thi hiệu quả công tác chống hàng giả hàng nhái.

 Hội thảo "Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT" diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/8.

Thống kê của Cục Quản lý thị trường, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xử lý 2530 vụ hàng giả, vi phạm bản quyền SHTT, xử phạt nộp ngân sách gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vụ vi phạm không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục gia tăng cả về số lượng và tính chất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội.

Đề cập về giải pháp, theo ông Lê Thế Bảo, biện pháp tốt và nhanh nhất để chống hàng giả là doanh nghiệp phải chủ động phối hợp các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Với người tiêu dùng phải tinh tường và biết đâu là giả, đâu là thật. Khi phát hiện hàng giả, cần phải báo cho các cơ quan chức năng để xử lý giải quyết. Nhiều vụ hàng giả được của cơ quan Quản lý thị trường xử lý là do tố giác của người tiêu dùng.

Hiện nay, Cục Quản lý thị trường đã có đường dây nóng về an toàn thực phẩm của lực lượng Quản lý thị trường thông qua số điện thoại 1900585826.

Quản trị doanh nghiệp hiệu quả thông qua định giá tài sản trí tuệ (VietQ.vn) - Chiều ngày 25/8, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức tọa đàm về định giá tài sản trí tuệ.

Đức Mậu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang