Nước bẩn, vệ sinh kém bé gái dễ nhiễm bệnh vùng kín

author 06:18 21/05/2012

Để tránh tình trạng các cháu gái bị nhiễm bệnh phụ khoa, các bác sỹ khuyến cáo các bà mẹ nên có cách chăm sóc đúng cách. Cần để ý đến cách ăn mặc hằng ngày của các cháu cũng như hạn chế tiếp xúc với nguồn nước, bụi bẩn.

Bệnh ở mọi lứa tuổi

Gặp chúng tôi ở phòng khám Sức khoẻ sinh sản - Trung tâm Y tế lao động (Hà Nội), chị Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: con gái chị năm nay 12 tuổi, đang học ở trường bán trú. Cách đây ít ngày, cháu "thì thầm" với mẹ về màu "quần chíp" có khác lạ. Kiểm tra, chị tá hoả khi thấy khí hư con gái ra quá nhiều. Qua thăm khám, các bác sĩ ở trung tâm cho biết, cháu bị viêm vùng kín.
 
Còn chị Hà (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: con gái chị 5 tuổi, đang học mẫu giáo lớn ở trường gần nhà. Mấy ngày trước, chị thấy cháu hay táy máy, đưa tay vào "chỗ đó", gãi liên tục. Khi chị dỗ dành để kiểm tra, vùng kín của cháu đã tấy đỏ, trầy xước. Khi tắm rửa cho cháu, bé không ngừng khóc vì đau, rát.
 
Mùa hè các bà mẹ nên quan tâm hơn đến sức khỏe của các bé gái
Mùa hè, các bà mẹ nên quan tâm hơn đến sức khỏe bé gái
 
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Trung tâm y tế lao động (Hà Nội), cho biết không chỉ người lớn mới là đối tượng viêm nhiễm phụ khoa, mà các em bé gái, nếu vệ sinh không cẩn thận và đúng cách cũng có thể mắc bệnh. Quan niệm như thế nào là sạch của các bậc phụ huynh cũng "vô cùng". Bởi thế, có nhiều người giật mình khi bé gái mới 4-5 tuổi đã bị bệnh phụ khoa, mặc dù ở nhà bé được chăm sóc vệ sinh rất kỹ.
 
 
Vệ sinh kém, nguồn nước, bụi bẩn hay quần áo tiếp xúc hàng ngày cũng "góp phần" khiến các em gái có nguy cơ viêm nhiễm vùng kín. Quần bé mặc quá chật hay ẩm sẽ là điều kiện "tuyệt vời" để các vi khuẩn xấu hoạt động. (BS Hồ Mai Hoa)
 
 
 
Cuối tháng 4 vừa qua, một bà mẹ trẻ dắt bé gái 5 tuổi đến khám ở trung tâm. Qua thăm khám, chị rất bất ngờ khi nghe bác sĩ kết luận cháu bị nấm. Người mẹ trẻ  phân bua: tôi vệ sinh cho cháu hàng ngày. Trong phòng tắm nhà tôi lúc nào cũng có sẵn khăn bông cho cháu lau khô vùng kín mỗi khi đi tiêu, tiểu nên yên tâm cháu sạch sẽ.
 
Bác sĩ Dung cho hay: khăn bông dù sạch, nhưng nếu dùng xong không được giặt, khử trùng, phơi khô, hơn nữa lại để trong môi trường nhà vệ sinh độ ẩm cao, thì cũng là một nguồn lây bệnh cho bé. Hoặc có người khi đi khám được biết con bị nấm do vệ sinh kém, liền "cải cách" bằng cách dùng các loại xà phòng có mức sát khuẩn cao rửa liên tục trong ngày cho con, khiến cháu bị đau, rát... Các hình thức này đều phản khoa học và vô tình rước bệnh thêm cho con.
Nguyên nhân “tế nhị”
 
Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội, cơ quan sinh dục ở bé gái trước tuổi dậy thì khác với phụ nữ tuổi sinh sản do hoạt động nội tiết của buồng trứng chưa nhiều. Vì vậy, thiếu các “rào chắn” sinh lý giúp ngăn cản nhiễm trùng. Do vậy trẻ dễ nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Ngoài ra, âm đạo có pH trung tính và thiếu các kháng thể bảo vệ là yếu tố thuận lợi cho vi trùng phát triển.
 
Các bác sĩ sản khoa chia sẻ: thủ dâm cũng là một lý do để các cháu gái "tự" rước bệnh vào thân mà không hề hay biết. BS.Dung cho biết, với bé gái, những biểu hiện thủ dâm như cho tay vào chỗ kín, trượt cầu thang... cũng có thể đem lại những cảm xúc mới lạ, lâu ngày thành "nghiện" và tuyệt nhiên không cháu nào "thổ lộ" với người lớn cảm giác này. Đến khi bố mẹ phát hiện ra thì vùng kín đã bị tấy đỏ, viêm nhiễm...
 
Những yếu tố trên kết hợp với vệ sinh kém như nguồn nước, bụi bẩn hay quần áo mà các em  tiếp xúc hàng ngày cũng "góp phần" khiến các em gái có nguy cơ viêm nhiễm vùng kín. Quần bé mặc quá chật hay ẩm sẽ là điều kiện "tuyệt vời" để các vi khuẩn xấu hoạt động. "Qua thăm khám, chúng tôi nhận thấy các bé gái sau một đợt ốm, đặc biệt là sốt siêu vi, sốt virus, sốt dịch, nguy cơ viêm nhiễm cao hơn so với các em bình thường do sức đề kháng cơ thể suy giảm", BS. Mai Hoa cho hay. 
 
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh phụ khoa ở bé gái là ra nhiều khí hư, huyết trắng, dịch mủ bất thường. Nếu với trẻ bình thường, khí hư sẽ có màu trắng mờ đục, hoặc trắng trong, thì với trẻ bị bệnh, khí hư có màu vàng (khác với màu vàng của nước tiểu), thậm chí là màu xanh. Ngoài ra, trẻ thường có biểu hiện ngứa, đau, rát, vùng kín đỏ tấy, thỉnh thoảng rùng mình.
 
Quỳnh Anh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang