Chuyên gia bức xúc trước thông tin nước mắm chứa thạch tín

author 05:19 19/10/2016

(VietQ.vn) - Ngay sau khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam công bố hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng trong nước mắm đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.

Sự kiện: Chất lượng nước mắm

Kết quả công bố nhiều mẫu nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Kết quả công bố nhiều mẫu nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa 

Trước kết quả công bố của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu (Vinastas) dùng là 67% mẫu kiểm nghiệm nước mắm chứa hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ngành thực phẩm, thậm chí cả người tiêu dùng đã dấy lên những ý kiến trái chiều. 

PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho rằng, việc Vinastas công bố như vừa qua là không chuẩn mực. "Cái gì xác định là không an toàn thì mới công bố, chứ chưa xác định có an toàn hay không mà đã công bố là không hợp lý và thiếu chuẩn mực", ông Thịnh nói.

Cũng theo ý kiến của ông Thịnh, trong quy chuẩn của Bộ Y tế, hàm lượng thạch tín trong nước mắm không được vượt quá 1mg/l. Do đó việc lấy quy chuẩn của Bộ Y tế về thạch tín trong thực phẩm làm thước đo đánh giá thì là đúng, nhưng xác định hàm lượng để công bố thì lại sai và đang gây ra hoang mang cho người tiêu dùng.

Vinastas: 67,3% mẫu nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng(VietQ.vn) - Kết quả khảo sát nước mắm trên thị trường, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam cho biết, 67,3% mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng.

Với những mẫu được công bố là vượt quá quy chuẩn, nếu đúng như vậy tức là đã vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Nhà nước, thì phải được kiến nghị huỷ. Và thực tế, theo kết quả khảo sát, đối với những mẫu nước mắm có hàm lượng đạm cao thì lượng arsen vô cơ lại hầu như không có. Ở đây, thông tin cần phải được làm rõ, cần phải được phân tích một cách minh bạch, và những người công bố thông tin phải chịu trách nhiệm.

Đồng quan điểm với ông Thịnh, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho rằng, việc đưa ra thông tin như vậy là không có trách nhiệm và cần có nghiên cứu và đưa quy chuẩn cho đúng thực tế và công bằng.

 

 

Chia sẻ quan điểm về kết quả công bố của Vinastas, TS. Trần Thị Dung, nguyên là chuyên gia ngành công nghiệp chế biến và bảo quản thủy sản đặt câu hỏi: Quy chuẩn nước mắm Việt Nam không hề có chỉ tiêu thạch tín, tại sao lại chọn thạch tín làm 1 trong 5 chỉ tiêu khảo sát?

Theo bà Dung, Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT chỉ quy định hàm lượng của Arsen vô cơ trong khi đó khảo sát lại đưa Arsen hữu cơ - chất vốn rất phổ biến trong nước mắm và gần như vô hại để đánh giá là không đúng.

"Quy chuẩn này cũng quy định rõ: Arsen trong quy chuẩn tính theo Arsen vô cơ. Trong khi đó, Vinastas thử nghiệm đối với chỉ tiêu Arsen tổng (cả hữu cơ và vô cơ), nhưng lại thừa nhận “thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L)”.

“Khi đưa ra quy chuẩn, các anh phải đánh giá theo đúng quy chuẩn, chứ không thể đánh giá ngoài quy chuẩn. Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Cách tiếp cận không chuẩn thì làm ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất nước mắm của mình”, bà Dung bức xúc.

Liên quan tới vụ việc trên, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục đã nắm được thông tin và ghi nhận kết quả khảo sát của Vinastas và hiện tại, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế và các Bộ, ngành đang đi kiểm tra, lấy mẫu để kiểm nghiệm nhằm có kết quả, thông tin chính xác nhất.

Ông Giang cũng cho biết, kết quả cụ thể của việc kiểm tra sẽ còn phụ thuộc vào đơn vị kiểm nghiệm. Ở đây, phải xem là mức độ bao nhiêu thì mới có thể nói được. Khoa học phải chính xác chứ không thể nói câu chung chung được. 

Lan Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang