Nước ngầm bị ô nhiễm, Hà Nội cần tăng tốc triển khai các nhà máy nước mặt

author 06:49 04/11/2020

(VietQ.vn) - Hiện nay tổng công suất nguồn nước cấp cho thành phố Hà Nội là 1.520.000m3/ngày đêm, trong đó khoảng 50% các nguồn từ nhà máy nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm, cần tăng tốc triển khai các nhà máy nước mặt.

Làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội đến nay vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, ngoài lọc bằng bể lọc cát thì những chiếc máy lọc là nguồn sống của gia đình. Thế nhưng cứ khoảng hai tháng là lõi lọc lại bám cặn bẩn.

Còn nếu mua nước tại trạm cấp nước giếng khoan có chất lượng tốt nhất của xã Duyên Thái, người dân phải trả 7.000đ cho 1 bình 20 lít. Nếu mua 1 khối nước, người dân ở đây đang phải trả 350.000đ gấp khoảng 50 lần giá nước sạch tại nội thành.

Nước giếng khoan tại chung cư CT2 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông

 

Hiện còn khoảng hơn 2 triệu dân khu vực ngoại thành chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch đô thị. Cả phường Phú La, quận Hà Đông và phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm do nhà máy nước sạch Hà Đông và Pháp Vân cung cấp.

Theo ông Vũ Kiên Trung- Phó trưởng khoa Sức khỏe Môi trường Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, qua 4 lần kiểm tra gần nhất, nhà máy nước Hà Đông cơ sở 2 cung cấp cho khu vực phường Phú La có tới 2 lần không đạt chất lượng, riêng nhà máy nước Pháp Vân lên đến 3 lần, trong đó phát hiện các chỉ tiêu amoni, asen, pemaganat… đều vượt quy chuẩn cho phép.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội có 64 cơ sở cấp nước có công suất thiết kế trên 1000m3/ngày đêm, hầu hết đều là các cơ sở khai thác nước ngầm, trong đó, gần 40% cơ sở khai thác nước ngầm thường xuyên có các chỉ tiêu chất lượng bị phát hiện không đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

22 cơ sở vẫn còn chỉ tiêu chất lượng nước chưa đạt tiêu chuẩn đều là các cơ sở sử dụng nước ngầm. Các chỉ tiêu không đạt tập trung vào các chỉ tiêu thứ nhất là cảm quan như màu, độ đục, sắt, mangan, thứ hai là chỉ tiêu vệ sinh như pH ngắn hạn, nitric, amoni. Vẫn còn một vài cơ sở nhiễm kim loại nặng như asen.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Hà Nội mới được bổ sung thêm nguồn nước mặt một vài năm gần đây như nước mặt sông Đà từ đầu năm 2012, nước mặt sông Đuống từ đầu năm 2019, nhưng nước mặt mới chỉ thay thế 50% nguồn nước ngầm. Điều đó có nghĩa là khoảng 4 triệu dân Hà Nội vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm. Trong khi đó, một số công trình cấp nước theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 499 triển khai chậm so với tiến độ đề ra.

Hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Cấp nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng thẩm định. Bộ Xây dựng đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến về một số nội dung do thành phố Hà Nội đề xuất trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang