Nước tro làm bánh - ẩn họa 'hóa chất' nguy cơ gây hại sức khỏe

author 16:09 10/07/2020

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, nước tro làm bánh tro có tính kiềm nên rất dễ gây bỏng nặng như axit đậm đặc nếu không may uống phải, thậm chí có nguy cơ tàn phá cơ thể.

Để làm bánh tro người ta thường dùng nước hòa tro than củi để ngâm gạo, nhưng nhiều người mua phải loại "nước tro" làm từ hóa chất kiềm gây tác hại khó lường cho sức khỏe.

Thực tế, nước tro "Tàu" thứ thiệt được làm từ than củi đã trôi vào dĩ vãng. Ngày nay ra chợ hay vào siêu thị mua nước tro "Tàu", đó là dung dịch hóa chất (lye water). Có thể đó là sodium hydroxid (xút), potassium hydroxide. Cũng có thể là sodium carbonate, hoặc potassium carbonate, hoặc là hỗn hợp cả hai chất này. Có loại còn pha thêm cả nước vôi (calcium hydroxide).

Một loại khác cũng khá phổ biến trên thị trường là Kansui, bán ở dạng nước hoặc bột. Đây cũng là một loại nước tro tàu, có bổ sung thêm phosphate. Nước tro "Tàu" để lâu, độ kiềm sẽ bị hạ do hấp thu khí carbonic bên ngoài. Thêm phosphate vào để làm ổn định độ kiềm. Tất cả các loại chất nêu trên đều có tính kiềm mạnh. Vấn đề là độ kiềm của nước tro "Tàu" cải thiện hương, vị và cấu trúc sản phẩm. 

Với bánh trung thu, độ kiềm của nước tro Tàu làm vỏ mềm mại hơn, chứ không dòn. Ngoài ra, nó cũng giúp phản ứng Maillard dễ xảy ra, làm vị bánh đậm hơn, mùi thơm hơn, màu bắt mắt hơn. Maillard là tên phản ứng hóa nâu vàng, giữa acid amin (của protein) và đường khử. Hai thứ này đều có sẵn trong nguyên liệu làm bánh.

Thông tin cụ thể hơn về loại nước tro Tàu này, phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết trên báo VnExpress, nước tro Tàu truyền thống chính là nước tro bếp, lấy tro của than củi hòa với nước. Tro than củi chủ yếu là các chất khoáng, calci, kali (potassium), phosphate... Do đó nước tro tàu có tính kiềm, bản chất là dung dịch kiềm yếu.

Nhiều loại bánh truyền thống của Việt Nam như bánh ú tro, bánh đúc, bánh tẻ... được làm với nước tro tàu này để tạo hương vị riêng. Cách làm là ngâm gạo với nước tro. Gạo là tinh bột, tính dai, khi ngâm vào nước tro sẽ bị thủy phân, mềm ra. Sau khi ngâm, gạn hết nước, sau đó rửa sạch gạo nhiều lần mới xay thành bột.

Qua thời gian, từ nước tro Tàu, người ta pha chế thành dung dịch kiềm, dùng các hóa chất có tính kiềm cao như nước vôi canxi hydroxit (Ca(OH)2), Natri Hydroxit (NaOH), hoặc Natri Cacbonat (Na2CO3). Độ kiềm trong loại nước này rất mạnh, có thể cải thiện được hương vị và cả cấu trúc bánh. Nước kiềm này được sử dụng trong bánh làm cho vị bánh đậm hơn, làm bột dễ nhào nặn, mềm mại hơn, dễ kéo sợi tạo hình hơn.

Lượng lớn tóp mỡ và mỡ bò đã bốc mùi hôi thối vẫn vận chuyển đi TP. HCM tiêu thụ(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai vừa bắt giữ hơn 8 tấn tóp mỡ và mỡ bò không rõ nguồn gốc.

Cũng theo Phó giáo sư Thịnh, nước tro Tàu chỉ ngâm cùng gạo sau đó đổ đi, không phải để nấu cùng với gạo nên không thể ăn và uống. Nếu dùng đúng cách, nước tro Tàu không gây hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu chẳng may uống nhầm sẽ gây hại cơ thể.

"Vì nước tro Tàu có tính kiềm nên rất dễ gây bỏng nặng như axit đậm đặc nếu không may uống phải, thậm chí có nguy cơ tàn phá cơ thể. Nhiều trường hợp uống nhầm bị bong tróc toàn bộ niêm mạc thực quản, xung huyết dạ dày, nguy cơ biến dạng thực quản, phải cấp cứu", Phó giáo sư nhấn mạnh.

Cùng với đó, khi vô tình đổ nước tro Tàu vào tay, chân, cho vào mắt đều nguy hại. Chúng ăn mòn trên các mô sống như thịt, da, giác mạc cực kỳ cao, nguy cơ gây sẹo, mù ngay sau khi tiếp xúc.

Vì vậy, khi sử dụng để làm bánh cần đọc kỹ hướng dẫn, cẩn thận khi thao tác rót mở trong nhà bếp, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi bị dung dịch dính vào da tay chân và cả mắt, cần xả trực tiếp với nước nhiều lần. Sau đó rửa qua những thứ trung hòa được kiềm như chanh và giấm.

Phó giáo sư Thịnh cũng cảnh báo thêm, nước tro Tàu được làm theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp, chúng ta đều phải cẩn thận trong quá trình chế biến. Nếu lỡ uống, thì phải đi bệnh viện ngay, dù triệu chứng tổn thương không thấy rõ.

Đặc biệt, nước tro Tàu còn có khả năng bắt lửa cực lớn nên khi bảo quản cần để nơi khô ráo, thoáng mát, có nhiệt độ thấp và không nên để gần bếp lửa. Nên đậy kín trong các lọ thủy tinh để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không đựng trong các lọ làm bằng đồng, magie, thiếc, nhôm, kẽm vì chúng có thể gây ra phản ứng hóa học. Nên mua nước tro tàu ở những nơi uy tín và có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang