Nước uống Collagen Edally lưu hành trái phép: Không để lặp lại hệ quả “cà phê trộn lõi pin”

author 09:00 21/04/2018

(VietQ.vn) - Theo Luật sư Trần Đại Phong - Công ty Luật TNHH Khang Thái - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, sự việc nước uống Collagen Edally lưu hành trái phép cần phải xử phạt nghiêm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không để lặp lại hệ quả “cà phê trộn lõi pin” gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng cả thời gian dài mới bị phát giác.

Sự kiện: Vụ phế phẩm cà phê trộn pin ở Đắk Nông

Nước uống Collagen Edally lưu hành trái phép

Luật sư Trần Đại Phong cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng - TPCN) là loại thực phẩm thông thường nhằm cung cấp các vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, Khoản 1, Điều 2, Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Food Supplement, Dietary Supplement) là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây:

a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;

b) Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.”

Trong nước uống Collagen Edally có chứa thành phần chính là collagen và các vitamin đã được chế biến dưới dạng lỏng. Do vậy, theo quy định trên nước uống Collagen Edally là một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

 Sản phẩm nước uống Collagen Edally lưu hành trái phép

Trước khi lưu thông trên thị trường, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được công bố hợp quy và đăng ký hợp quy (đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật); hoặc phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật).

Như vậy, trong trường hợp nước uống Collagen Edally đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế. Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì phải được công bố phù hợp an toàn thực phẩm và đăng ký công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế trước khi lưu hành.

Việc lưu hành nước uống Collagen Edally khi chưa có công bố và đăng ký công bố là trái với quy định của pháp luật.

 Nước uống Collagen Edally ngang nhiên được bán đến người tiêu dùng khi chưa có công bố an toàn thực phẩm và đăng ký hợp quy

Cần xử phạt nghiêm với những hành vi kinh doanh trái phép TPCN

Trước những thông tin về việc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ sản xuất Hòa Bình lưu hành sản phẩm nước uống Collagen Edally trái phép trên thị trường, Luật sư Phong cho biết, cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quan điểm của Luật sư Phong, TPCN là một sản phẩm được người dùng tiêu thụ trực tiếp vào cơ thể, gây ảnh hưởng nhất định tới chức năng của cơ quan trong cơ thể nên tổ chức, cá nhân kinh doanh TPCN phải có trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ về công bố an toàn thực phẩm và đăng ký hợp quy để chứng minh sản phẩm an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại một cơ sở thu mua nông sản đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê. Sự việc đang được điều tra để làm rõ thêm nhưng đã khiến dư luận bàng hoàng vì hành vi coi thường sức khỏe người tiêu dùng của chủ cơ sở. Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng, cơ sở này đã xuất bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê tại thị trường tỉnh Bình Phước, còn con số thực tế là bao nhiêu vẫn đang cần được làm rõ.

Quay trở lại với vấn đề lưu hành TPCN trái phép của Công ty Hòa Bình, những hành vi lưu hành sản phẩm trái phép cần phải được xử phạt nghiêm minh. Thị trường TPCN ngày càng nở rộ, kèm theo đó là sự hỗn loạn giữa những sản phẩm có chất lượng và kém chất lượng. Cũng giống như vụ việc cà phê trộn lõi pin, khi bị phát giác, sản phẩm đã được phân phối ra thị trường.

Những lô sản phẩm trái phép đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có những hình thức xử phạt nghiêm minh với những hành vi lưu hành sản phẩm không phép để không để lặp lại hệ quả cà phê trộn lõi pin”, Luật sư Phong chia sẻ.

Về việc xử phạt các hành vi lưu hành TPCN trái phép, Luật sư Phong cho biết, Nghị định 173/2013/NĐ-CP quy định về việc lưu hành TPCN nhập khẩu trên thị trường mà không đủ điều kiện lưu hành sẽ bị xử phạt đối với từng trường hợp như sau.

Đối với trường hợp không có chứng nhận lưu hành tự do, Điều 25, Nghị định 173/2013/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc diện bắt buộc phải kiểm tra theo quy định;

b) Nhập khẩu thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ nhưng không có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định.”

Đối với trường hợp không công bố và đăng ký công bố sản phẩm, Điều 26. Vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm đã quy định như sau.

“1. Xử phạt đối với hành vi buôn bán thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc diện phải thực hiện công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mà không có giấy tiếp nhận công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có nhưng đã hết hiệu lực trước khi hàng hóa đó được sản xuất, nhập khẩu; bán buôn, bán lẻ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm theo một trong các mức sau đây:

a) Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 7.500.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 80.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị trên 200.000.000 đồng.”

An Nhiên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang