Nuôi trồng rong biển: Hướng đi phát triển thủy sản bền vững

authorĐỗ Thu Thoan 13:00 30/04/2017

(VietQ.vn) - Nuôi trồng và khai thác rong biển tại các tỉnh duyên hải miền Trung như đã trở thành một nghề kiếm sống của nhiều ngư dân. Song đầu ra không ổn định, lợi nhuận thấp khiến nhiều ngư dân không mấy mặn mà với nghề.

Các loại rong được nuôi trồng và khai thác tại đây gồm rong câu, rong sụn, rong mơ, trong đó rong mơ được khai thác từ tự nhiên. Song, vài năm gần đây, nguồn rong mơ cạn kiệt, giá lại giảm, khiến thu nhập người khai thác rong mơ sụt giảm, dẫn thông tin từ VOV cho biết.

Chia sẻ với VOV, ông Trần Văn Phát, ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết: Khai thác rong mơ rất vất vả, phải chịu lạnh từ sáng tới chiều, phải phơi nắng... Càng ngày càng khó khăn trong khai thác rong biển vì ghe thuyền ngày càng đông.

Cùng với nguồn rong tự nhiên, 1 số ngư dân cũng đã trồng các loại rong như: rong câu, rong nho, rong mứt... Mặc dù có nhiều lợi thế về mặt nước, khí hậu nhưng bà con cũng không mấy mặn mà với việc trồng rong.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, nguyên nhân chính là đầu ra không ổn định, lợi nhuận thấp.

nuoi-trong-rong-bien-huong-di-phat-trien-thuy-san-ben-vung

Nuôi trồng và khai thác rong biển như một nghề của nhiều ngư dân. Ảnh minh họa

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tin tức/TTX cho biết, Việt Nam hiện có hơn 800 loài rong biển với trữ lượng tự nhiên từ 80 - 100 tỷ tấn. Hiện diện tích nuôi trồng rong biển ở Việt Nam trên 10.000 ha, đạt sản lượng hơn 101.000 tấn tươi/năm và được tập trung ở các vùng ven biển, Bắc Bộ gần 6.600 ha, Bắc Trung Bộ hơn 2.000, Nam Trung Bộ 1.400 ha và đồng bằng sông Cửu Long 100 ha.

Rong biển được dùng làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp để chế biến các sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Sản phầm này là 1 trong loại hàng hóa có nhiều triển vọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường cùng với việc khai thác tận diệt đã làm suy giảm nguồn lợi rong biển tự nhiên.

Dẫn lời đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản, Tin tức/TTX cho hay, việc khai thác các loại rong biển ngoài tự nhiên cần phải đúng mùa vụ và kỹ thuật thì mới nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và bảo vệ nguồn lợi; đồng thời, cần xây dựng 1 số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.

Ông Lê Nhứt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Dương, đơn vị nghiệp chuyên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu rong biển chia sẻ, nuôi trồng rong biển cho hiệu quả kinh tế rất cao, rủi ro ít nhưng cần nguồn vốn đầu tư lớn. Để nghề này phát triển bền vững, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn ưu đãi, đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ nuôi trồng rong biển nhỏ lẻ, liên kết với nhau để sản xuất theo chuỗi giá trị.

VOV cũng cho biết, việc phát triển rong biển sẽ giải quyết nhiều vấn đề như: giảm được khí thải nhà kính, làm sạch môi trường, rong biển hấp thụ được các kim loại nặng. Tại các vùng nuôi, rong sẽ hấp thu được chất ô nhiễm, làm sạch môi trường, cung cấp  ô xy cho sinh vật.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sắp đến, cần phải đánh giá những vùng biển tiềm năng, phù hợp với các đối tượng, để từ đó nghiên cứu phát triển các loài bản địa thành sản phẩm hàng hóa, giá trị gia tăng cao.

Ông cho rằng, cần phải quan tâm đến công nghệ chế biến để làm các sản phẩm giá tăng. Song hành với đó là mở rộng các thị trường trong và ngoài nước, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam làm được từ rong, trồng ở Việt Nam có giá trị, chất lượng cao.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang