Nứt chằng chịt hầm Hải Vân: Lớp sơn lão hóa, quá tiêu chuẩn thời hạn sử dụng

author 11:04 26/10/2017

(VietQ.vn) - Hình ảnh các vết nứt lan rộng ở hầm Hải Vân là do qua 13 năm sử dụng, lớp sơn epoxy đã lão hóa khiến cho cảm quan vết nứt phát triển. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thời hạn sử dụng lớp sơn này chỉ là 5 năm.

Trước thông tin nhiều vết nứt chằng chịt xuất hiện trong hầm Hải Vân 1 (nối hai địa phương là TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế), mới đây, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu, cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra công trường hầm Hải Vân 2, vết nứt sơn vỏ hầm Hải Vân 1.

Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Hoàng Hà (Vụ trưởng Vụ KHCN – Bộ GTVT) cho biết, các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 đã có từ trước khi bàn giao hầm Hải Vân 1 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả từ tháng 1/2016. Tổng số vết nứt được ghi nhận là 321 vết; 8 vết nứt có trạng thái bất lợi đã được Bộ GTVT cho phép sửa chữa. Các vết nứt còn lại được quan trắc, theo dõi.

PGS.TS Hoàng Hà đánh giá, các vết nứt hiện nay không phát triển so với thời điểm tháng 1/2016. Điều này thể hiện thông qua: Các thông số về độ rộng, chiều dài của vết nứt không biến động. Vết nứt được gắn các tấm thạch cao nhỏ, nếu các tấm thạch cao bị nứt vỡ, chứng tỏ vết nứt phát triển; tuy nhiên, hiện các tấm thạch cao không bị nứt, vỡ.

Hàng loạt vết nứt xuất hiện trong hầm Hải Vân từ năm 2014 làm bong tróc lớp sơn epoxy bên ngoài. Ảnh Zing.vn

Lý giải về hình ảnh các vết nứt lan rộng mà các cơ quan báo chí ghi lại, PGS.TS Hoàng Hà cho hay, lớp vỏ hầm hiện được phủ lớp sơn epoxy từ năm 2005. Qua 13 năm sử dụng, lớp sơn này đã lão hóa, trong khi thời hạn sử dụng lớp sơn này theo tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ là 5 năm.

“Các vết nứt không phát triển nhưng hiện tượng bong tróc sơn khiến cho cảm quan vết nứt phát triển, dẫn đến lo ngại về an toàn của hầm. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định vết nứt đang được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hiện tượng phát triển, không xảy ra nguy cơ mất an toàn” - lời ông Hoàng Hà.

Vụ trưởng giải thích thêm, các vết nứt chỉ tồn tại ở lớp vỏ hầm và lớp vỏ hầm này không có tác dụng chịu lực. Bộ phận chịu lực là kết cấu neo và bê tông phun phía trong.

Theo Công ty CP đầu tư Đèo Cả (đơn vị vận hành hầm Hải Vân và là chủ đầu tư mở rộng hầm Hải Vân), thực tế việc kiểm tra hiện trường các vết nứt hiện nay cho thấy, các vết nứt hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm và cho an toàn giao thông. Công ty này cũng lý giải do trước kia hầm Hải vân được sơn epoxy cho đoạn phía chân hầm (tuổi thọ của sơn khoảng 5 năm), đến nay lớp sơn này bị lão hóa sau 12 năm sử dụng, cùng với xuất hiện các vết nứt của vỏ hầm dẫn tới việc tạo ra các vệt sơn bị bong (rộng khoảng 1-3cm) mà nhiều người qua đường đang lầm tưởng đó là các vết nứt của vỏ hầm.

Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) - thành viên đoàn công tác Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho rằng, những vết nứt của hầm đang nằm trong sự kiểm soát. Đơn vị quản lý cần tiếp tục theo dõi vết nứt lan rộng hay không. Nếu ổn định thì có thể thay thế lớp sơn epoxy bằng lớp gạch men để bảo vệ vỏ hầm trong giai đoạn sau.

 Lê Cao (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang