Người Việt ngày càng khó có con vì ‘thủ phạm’ này?

author 14:18 23/11/2017

(VietQ.vn) - Theo một số nghiên cứu của các nhà địa chất học, không chỉ các nước trên thế giới mà Việt Nam hiện đang ngày càng có nguy cơ vô sinh vì ô nhiễm không khí.

Báo Lao động đưa tin, nhóm nghiên cứu của Đài Loan và Hồng Kông do Tiến sĩ Xiang Qian Lao, Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, đứng đầu đã khảo sát 6.500 người đàn ông sống ở Đài Loan. Kết quả cho thấy chất lượng tinh trùng của họ kém đi khi sống ở vùng bị ô nhiễm.

Nghiên cứu cho thấy chỉ cần tăng thêm khoảng 5 microgram (0,005 miligram (mg) PM2.5s ("hạt siêu nhỏ" đại diện cho ô nhiễm) trên 1 m3 không khí, quý ông đã tăng 26% nguy cơ lọt vào nhóm có rất ít tinh trùng mang kích thước và hình dạng bình thường. Nhóm này – chiếm khoảng 10% - thường bị vô sinh, hiếm muộn.

Theo báo cáo vừa được công bố trên tạp chí BMJ Open, tác động gây vô sinh trở nên rõ ràng  khi chỉ số PM2.5s tăng lên trên 25 (25 microgram/1m3 không khí). Đo lường tại thủ đô London của Anh cho thấy chỉ số này vào khoảng 69.

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động toàn cầu. Ảnh: Giao thông

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động toàn cầu. Ảnh: Giao thông

Nghiên cứu chưa xác định tận gốc cơ chế ảnh hưởng của ô nhiễm lên tinh trùng nhưng các nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng một số kim loại nặng, hydrocarbon thơm đa vòng trong các hạt ô nhễm có gây hại lên tinh trùng. Các chất ô nhiễm cũng có thể làm hỏng DNA và thay đổi khả năng di động của tinh trùng.

Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu này sẽ lý giải phần nào việc con người ngày một khó có con hơn. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cũng thống kê được số lượng tinh trùng của quý ông các nước phương Tây giảm đến 60% trong vòng 40 năm qua. Tinh trùng không khỏe mạnh cũng liên quan đến tỉ lệ tử vong sơ sinh cao hơn cũng như tăng nguy cơ một số bệnh.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng cảnh báo Hà Nội về mức độ ô nhiễm không khí tại đây. Theo số liệu thống kê cập nhật trên website đo lường chất lượng không khí toàn thế giới aqicn.org (Air Pollution in the World - Real-time Air Quality Index), chỉ số PM2.5 đo lường được tại Hà Nội vào khoảng 34-188 tùy thời điểm trong ngày, tại TP HCM là 59-175. Các thông số này được đo lường bởi Đại sứ quán Mỹ.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí, trước đó, báo Nhân dân đưa tin, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ GreenID trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu chất lượng không khí thực hiện sau khi rà soát, phân tích các số liệu, tập trung vào chỉ số chất lượng không khí (AQI) và bụi PM2.5 tại TP Hà Nội. Kết quả, chỉ số AQI trung bình của Hà Nội năm 2016 là 121, ở ngưỡng không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Lượng bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội lên tới 50,5µg/m3, cao gấp đôi soi với quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới –WHO (10µg/m3).

Với lượng bụi PM2.5 ở mức 50,5 µg/m3, Hà Nội đang đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3) - một trong những khu vực ô nhiễm không khí nặng trên thế giới.

Ô nhiễm không khí có thể gây vô sinh và hàng loạt bệnh khác. Ảnh minh họa

 Ô nhiễm không khí có thể gây vô sinh và hàng loạt bệnh khác. Ảnh minh họa

Các nguồn gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam được xác định gồm: Các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, ô nhiễm xuyên biên giới.

Phân tích các thời điểm Hà Nội bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho thấy 7/8 thời điểm chịu tác động của hướng gió chủ đạo từ phía đông của Hà Nội, đặc biệt nguồn từ các khu công nghiệp lớn được xác định từ dữ liệu vệ tinh là nguồn đóng góp chủ yếu.

Bà Ngụy Thị Khanh cho rằng, quy chuẩn về nồng độ chất phát thải của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn so với quốc tế. Việt Nam chưa có Luật không khí sạch, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có nhưng tính thực thi chưa cao do nghị định hạn chế và chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc mỏng và chưa hoạt động hiệu quả, đầu tư tốn kém.

Vì vậy, bà Khanh đưa ra khuyến nghị cần ban hành luật không khí sạch, điều chỉnh, cập nhật các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, tăng mật độ hệ thống quan trắc. Hành động khẩn cấp là cắt giảm nguồn phát thải, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ năng lượng sạch, đảm bảo an ninh năng lượng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang