Mở rộng nuôi trồng ốc móng tay trên cả nước

author 11:06 26/09/2017

(VietQ.vn) - Thời gian tới, móng tay dày (ốc móng tay) có thể nuôi trồng ở Khánh Hòa nói riêng và mở rộng ra các vùng nuôi có điều kiện thích hợp trong cả nước nói chung.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chủ trì thực hiện.

Kết quả này đã bổ sung thêm một loài thủy sản có thể nuôi trồng cho người dân Khánh Hòa nói riêng và mở rộng ra các vùng nuôi có điều kiện thích hợp trong cả nước nói chung.

Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, 2 mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao do thịt thơm ngon, giá bán hiện nay khoảng 450.000 đồng/kg. Loài này sử dụng thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển.

Với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, Đề tài được thực hiện từ tháng 7/2015 và kéo dài 2 năm, bao gồm các nội dung: Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo móng tay dày; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống móng tay dày cho ngư dân và thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm tại đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều.

Nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 50.000 con giống cỡ 2-3mm và 5.000 con giống cỡ 10-15mm; đưa vào nuôi thương phẩm đạt 20kg/mô hình, sau đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân để đi vào sản xuất.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân Phương Hải (thành phố Nha Trang) cũng vừa nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo cá khế vằn (còn gọi là cá bè vàng), qua đó sản xuất được hơn 400.000 con cá giống đạt kích cỡ 4-6cm/con, đã xuất bán cho nhiều hộ nuôi ở tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Kiên Giang…

Đây là loại cá thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao nhưng lâu nay việc nuôi thương phẩm chỉ dựa vào nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Việc nuôi thử nghiệm cho thấy loại cá biển này còn có khả năng sống trong vùng nước lợ. Cá sống theo bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, dễ quản lý môi trường nuôi, tiện cho việc chăm sóc hơn so với nhiều đối tượng nuôi khác.

Móng tay dày (ốc móng tay) có thể được nuôi trồng ở Khánh Hòa và các địa phương có điều kiện thích hợp. Ảnh: Dân trí 

Trong một diễn biến khác có liên quan, vào chiều 25/9, tại TPHCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. Tại hội nghị, 52 doanh nghiệp tham dự đã cùng ký cam kết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép...

Hội nghị đã ra mắt Ban điều hành IUU VASEP bao gồm 9 đại diện của các doanh nghiệp hải sản hội viên VASEP. Đồng thời, 52 doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã ký cam kết chỉ nhập khẩu, thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Các doanh nghiệp cũng cam kết kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm. Đặc biệt nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP khẳng định: "Việc tuân thủ các quy định IUU của các thị trường là rất cần thiết. Các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng ngư dân cũng như doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản cần nhìn nhận nghiêm túc và tổ chức lại hoạt động khai thác một cách bền vững và hiệu quả. Như vậy mới khẳng định uy tín sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam".

Được biết, IUU là luật chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Hội đồng châu Âu (EC), áp dụng từ ngày 1/1/2010. Theo đó, các lô hàng thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải có giấy chứng nhận thể hiện thông tin về tính hợp pháp của sản phẩm.

Các thông tin bao gồm thông tin về tàu khai thác, tên chủ tàu, phương tiện đánh bắt, vùng biển khai thác, loại sản phẩm và trọng lượng, giấy báo chuyển hàng trên biển...

Phong Lâm

Nuôi trồng rong biển: Hướng đi phát triển thủy sản bền vững(VietQ.vn) - Nuôi trồng và khai thác rong biển tại các tỉnh duyên hải miền Trung như đã trở thành một nghề kiếm sống của nhiều ngư dân. Song đầu ra không ổn định, lợi nhuận thấp khiến nhiều ngư dân không mấy mặn mà với nghề.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang