Ốc vít nhỏ nhưng công nghệ và vốn sản xuất không hề nhỏ!

author 07:07 13/09/2014

(VietQ.vn) – Đó là khẳng định của GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) xung quanh câu chuyện phát triển công nghệ hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam.

 Ốc vít nhỏ nhưng công nghệ và vốn không nhỏ

Theo Giáo sư Nguyễn Mại: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển Công nghiệp Hỗ trợ. Ảnh HG

Dưới góc độ là một chuyên gia, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành Công nghiệp Hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam hiện nay?

Từ đầu thế kỷ XXI, Chính phủ đã chủ trương phát triển CNHT, hợp tác với Nhật Bản để xây dựng hai khu CNHT ở hai thành phố cảng là Vũng Tàu và Hải Phòng, nhưng sau 14 năm nước ta vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước và ở từng vùng kinh tế.

Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm khá thấp, nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, điện tử, dày da, dệt may chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, phần lớn CNHT công nghệ cao do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện.

Việc chậm phát triển CNHT này gây cho chúng ta những tổn thất gì về kinh tế?

Theo số liệu điều tra của JETRO ( Nhật Bản) thì số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam giao động từ 15 đến 30%. Nếu có CNHT, giá trị gia tăng của ta phải là 50 – 60%.

Có thể thấy, thiếu CNHT làm ta thiệt hại to lớn so với các nước khác trong khu vực. Trong tương lại, phát triển CNHT có thể giúp chúng ta tăng từ 10 – 20% giá trị gia tăng.

Ông có thể cho biết, trước mắt, Việt Nam có tiềm năng gì để phát triển CNHT?

Những động thái gần đây của nhiều Tập đoàn đa quốc gia (TNCs) công nghệ cao hàng đầu thế giới như SAMSUNG, LG, INTEL, NOKIA (sau khi MICROSOFT mua lại) … là tăng vốn đầu tư mới và chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam. Việc này đã tạo ra cơ hội lớn để thu hút các doanh nghiệp FDI về công nghệ, dịch vụ cao và phát triển CNHT. Việt Nam trở thành sự lựa chọn hàng đầu của TNCs

Hiện nay, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD, với những dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai, tôi nghĩ Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tương ứng trong thời gian sắp tới. Samsung đang tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp linh kiện nội địa, đây là cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, dù Samsung có mở rộng quy mô đầu tư và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt nam đến đâu chăng nữa thì vẫn cần có những điều kiện làm tiền đề đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực tương ứng.  Nếu không thể phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước, chắc chắn sẽ phải phụ thuộc bên ngoài, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và hệ quả của nó là sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.

Cơ hội lớn như vậy, chúng ta đã nắm bắt như thế nào, thưa ông?

Đi cùng tham vọng của những tập đoàn đa quốc gia như Samsung với các siêu dự án tỷ đô, các doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay tìm mọi cách để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất, trở thành nhà cung cấp cho các đại gia này.

Tuy là "miếng mồi ngon", nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải ngậm ngùi từ chối và câu trả lời là: Chưa làm được .

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có những hạn chế chủ quan về công nghệ, vốn, năng lực sản xuất, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực… nên hầu như chưa tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện này.

Hiện nay ở Việt Nam, trên thực tế công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử còn tương đối lạc hậu. Ngay tại Samsung, ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì.

Còn câu chuyện Việt Nam không sản xuất được cái dây sạc pin và con ốc vít đang được các phương tiện truyền thông nhắc đến gần đây, ông nghĩ thế nào?

Với 8 tiêu chí cần thiết mà  đại diện Samsung tiết lộ, trong đó chỉ riêng 3 tiêu chí hàng đầu là: Công nghệ, giá cả, thời gian vận chuyển, tôi nghĩ cửa vào  của doanh nghiệp Việt vẫn khá hẹp.

Hiện nay, phần lớn các linh kiện chính trong điện thoại di động là do Samsung tự sản xuất. Ngay cả những nhà cung cấp cấp 1 của Samsung cũng chưa có đủ công nghệ để sản xuất các sản phẩm này.

Trong nội bộ Samsung, các phụ kiện chính của điện thoại di động là những bí quyết của riêng công ty nên rất khó có thể đáp ứng yêu cầu chuyển giao những công nghệ này. Không những thế, để sản xuất được những sản phẩm theo công nghệ nguồn của Samsung cũng cần rất nhiều vốn đầu tư.

Vì vậy, khi Samsung tìm kiếm, ngay lập tức chúng ta chưa làm được những linh kiện tưởng đơn giản như cái sạc pin, con ốc vít cũng là đúng. Vì dù là linh kiện nhỏ nhưng công nghệ và vốn bỏ bào nó không hề nhỏ. Mặt khác, từ trước đến nay chúng ta chưa có doanh nghiệp nào làm cho điện thoại di động hay laptop. Bây giờ mới bắt đầu kết nối với Samsung nên không đáp ứng được cũng là dễ hiểu.

Có thể nhận thấy, Samsung vừa là cơ hội, vừa là thách thức với chúng ta. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tiêu chí mua hàng của Samsung quá khắt khe, trong khi Samsung đã có rất nhiều nhà cung cấp cấp 1, các doanh nghiệp Việt Nam có được ưu tiên gì để vươn lên cạnh tranh với họ?

Samsung muốn ưu tiên hàng nội địa đầu tiên. Tôi tin Việt Nam có nhiều điểm ưu tú hơn các nhà cung cấp hiện tại của Samsung.

Đầu tiên là về giá, hiện nay các doanh nghiệp FDI mất nhiều chi phí và khoản đầu tư khác nên so với các doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm họ bán ra sẽ cạnh tranh hơn về giá. Vì vậy, giá thành phải chăng sẽ là một điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh với các nhà cung cấp.

Khi các sản phẩm từ những nhà cung cấp khác nhau có cùng giá, những yếu tố khác như điều kiện vận chuyển, thời gian giao hàng,... sẽ được xem xét, vì mua hàng từ trong nước sẽ khiến samsung tiết kiệm thời gian và cả chi phí.

Tuy nhiên, ngoài giá cả, khả năng cung cấp cũng là một vấn đề rất quan trọng. Ví dụ trong lúc cần kíp, Samsung có thể đưa ra những đơn đặt hàng gấp yêu cầu số lượng lớn, việc công ty đó có đáp ứng được tức thời không cũng sẽ là yếu tố để Samsung xem xét lựa chọn.

Ông có thể cho biết những chính sách cụ thể mà Chính phủ đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong thời gian qua?

Trong thời gian gần đây, có nhiều tín hiệu rất đáng mừng khi tôi nghe nói Chính phủ đã chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ. Đó là việc hỗ trợ về thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nguồn nhân lực công nghệ cao, đưa ra các chính sách ưu đãi như: thuê đất và vay vốn đầu tư…Tôi nghĩ rằng đây sẽ là đòn bẩy vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp phụ trợ.

Tuy nhiên, trong công cuộc phát triển doanh nghiệp phụ trợ, nếu chỉ có sự cố gắng của bản thân các doanh nghiệp mua hàng như Samsung, hay hỗ trợ của Chính phủ thì chưa đủ. Trước hết, bản thân doanh nghiệp phụ trợ phải tự lực thì chúng ta mới có thể giành được lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty khác về chất lượng, giá thành và thời hạn giao hàng.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DN Việt mới chỉ cung cấp được bao bì cho Sam Sung

Ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex: Hiện nay, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD, với những dự án có quy mô lớn đã và đang được triển khai. Tùy thuộc vào kết quả đạt được, tôi nghĩ, không khó để nói rằng Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tương ứng trong thời gian sắp tới. Chúng tôi luôn ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất linh kiện nội địa.

Nhưng hiện nay ở Việt Nam, trên thực tế công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử còn tương đối lạc hậu. Ngay tại Samsung, ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ cung cấp các loại mặt hàng như sản phẩm in ấn, bao bì cho chúng tôi. Do đó, thiết nghĩ vì tương lai của thế hệ học sinh, trẻ em Việt Nam– những nhân tố kiến tạo tương lai và phát triển kinh tế, chúng ta bắt buộc phải phát triển ngành công nghiệp sản xuất/ chế tạo có sức cạnh tranh. Để làm được điều này, thì phát triển công nghiệp phụ trợ là điều kiện tiên quyết.

 


Hương Giang


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang