OCOP Quảng Ninh: Hướng đi đúng đắn nâng cao năng suất chất lượng

author 13:20 07/05/2016

(VietQ.vn) - Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã từng bước trở thành thương hiệu riêng của tỉnh.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chương trình OCOP nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện thực hoá mục tiêu trên, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban điều hành (BĐH) OCOP Quảng Ninh, phối hợp cùng các đơn vị triển khai các dự án phát triển sản xuất; tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp bao bì, ban hành khung pháp lý, xây dựng các trung tâm, điểm bán hàng OCOP tại một số địa phương… Nhằm tìm một chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường, cũng như bảo hộ cho toàn bộ sản phẩm OCOP, tỉnh đã đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ OCOP và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng bảo hộ trong phạm vi quốc gia.

Quy trình chế biến ruốc hầu của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh được tổ chức khép kín, đảm bảo VSATTP.

Song song với đó, BĐH OCOP tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng. Trên cơ sở Bộ tiêu chí, tỉnh đã tổ chức Hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Qua hội thi, 99 sản phẩm trong tổng số 121 sản phẩm dự thi được xếp hạng, trong đó 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao trở lên. Đây là bước tiến của Quảng Ninh trong thực hiện Chương trình OCOP, nhằm chuẩn hoá các sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Theo báo Quảng Ninh, với hướng đi đúng đắn, cách làm hiệu qủa, cùng sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, Chương trình OCOP đã khẳng định thương hiệu riêng có của Quảng Ninh. Trong đó, thay đổi nhận thức cho người dân hướng tới sản xuất hàng hoá; phát huy các thế mạnh, thúc đẩy sản xuất, nhất là tại các vùng nông thôn, từng bước khẳng định chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Đến nay, Chương trình đã thu hút trên 208 sản phẩm đăng ký tham gia với 55 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác được thành lập. Thành công của Chương trình còn được khẳng định qua các kỳ hội chợ. Đơn cử như Hội chợ OCOP hè 2016 được tổ chức cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, thu hút trên 60.000 lượt khách tới tham quan mua sắm với doanh thu bán hàng đạt trên 4 tỷ đồng.

Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện về nhãn mác, bao bì, kiểu dáng, việc đảm bảo chất lượng, nhất là sản xuất theo chuỗi nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP cũng được các đơn vị chú trọng. Báo Quảng Ninh dẫn lời ông Khúc Đình Phương, Phó Giám đốc Nhà máy Bia Thăng Long (TP Uông Bí), Chương trình OCOP đã thực sự tạo động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, khai thác thế mạnh địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Chương trình đã thực sự tác động mạnh mẽ tới người dân trong việc sản xuất an toàn. Bởi đây là yếu tố tiên quyết trong việc khẳng định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường. Hiện đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đồng thời có 3 sản phẩm là rượu mơ Yên Tử, rượu Song Lộc, rượu ba kích được xếp hạng 4 sao. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp ngâm ủ nguyên liệu, đồng thời đầu tư thiết bị chưng cất rượu nhằm hướng tới quy trình sản xuất khép kín.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm OCOP cũng là việc quan trọng cần được quan tâm hơn nữa. Thực tế, bên cạnh những sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, thì vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất chưa ý thức vấn đề ATTP đối với các sản phẩm, nhãn mác, bao bì sơ sài, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu chưa rõ ràng…

Riêng tại Hội chợ OCOP Xuân 2016, theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản thì trong số 83 sản phẩm thực phẩm tham dự Hội chợ mới chỉ có trên 60% đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn và ký cam kết, số còn lại chưa hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết đảm bảo ATTP.

Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm phải công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp ATTP nhưng các đơn vị chưa thực hiện. Còn tại Hội chợ OCOP hè 2016, theo ghi nhận của phóng viên, không ít các sản phẩm được bày bán tại đây đều không có nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ hoặc nếu có cũng rất sơ sài như ba kích tươi và khô tại gian hàng TX Quảng Yên, bột tam thất tại gian hàng của huyện Đầm Hà, khau nhục tại gian hàng huyện Hải Hà, nước chiết quế tại gian hàng huyện Bình Liêu…

Để Chương trình OCOP nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng có thể vươn xa thì rất cần có những thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay, thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cao Quỳnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang