Ôi văn hóa ! Ôi ngữ nghĩa Việt Nam !

author 17:48 18/06/2013

Hôm qua, nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa trả lời chất vấn thì thật thất vọng, thật buồn, tiếng Việt ở đâu nhỉ dù Bộ trưởng thật say sưa, mà càng say sưa tâm huyết càng không hiểu.

Lời Tòa soạn: Sau các phiên chất vấn trực tiếp vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là một trong những người để lại "dấu ấn" nhiều nhất.
 
Chất lượng Việt Nam xin đăng lại những dòng nhận xét của báo Đại biểu Nhân dân, tờ báo được coi là chính thống, của Quốc hội.
 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.
 
Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy - Lời một bài hát ca ngợi Tổ quốc mà nhiều ĐBQH có biết - Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái... vẫn là câu tiếp theo của ca từ ấy.

Hạnh phúc là chúng ta đã thuộc và đã say sưa hát. Vì hát mà chúng ta yêu tiếng Việt, yêu con người Việt, yêu dân tộc này - Một dân tộc Chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình.

Nhưng, hôm qua, nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa trả lời chất vấn thì thật thất vọng, thật buồn, tiếng Việt ở đâu nhỉ dù Bộ trưởng thật say sưa, mà càng say sưa tâm huyết càng không hiểu. Thôi, đành vậy, xin cứ chuyển ngữ - Xin kính nhờ.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có thể cho biết một hoặc hai giải pháp chính để khắc phục quyết liệt tình trạng ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hay không?

Có thể nói du lịch Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ về lưu lượng khách nước ngoài đến nước ta hay một số sản phẩm du lịch đặc sắc đã đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên du lịch nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành. Việt Nam có 9 di tích là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận, Thái Lan chỉ có 3, Malaysia chỉ có 2, Singapore thì không có di sản nào. Tuy nhiên theo bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới thì ngành du lịch nước ta xếp thứ 80/139 quốc gia được xếp hạng, trong khi Malaysia xếp thứ 35, Thái Lan thứ 41 và Singapore thứ 10. Xin hỏi Bộ trưởng đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này? Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có thể cho biết một hoặc hai giải pháp chính để khắc phục giải quyết quyết liệt nguyên nhân này hay không?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Muốn có sản phẩm tốt thì vấn đề chất lượng “phần mềm” phải tốt

Thủ tướng đã có chiến lược về phát triển du lịch Việt Nam và đã có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Việt Nam. Tôi nhớ, quyết định của Thủ tướng là số 201. Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vai trò du lịch trong quá trình phát triển KT-XH. Trước hết, là việc thu ngoại tệ cho đất nước, góp phần tăng trưởng GDP, tạo động lực cho các ngành khác phát triển cùng với du lịch như thương mại, giao thông vận tải, xây dựng. Thứ hai, du lịch những năm qua phát triển tương đối tốt. Nếu như năm 1995 du lịch chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP 3,21% thì đến năm 2012 du lịch đã đóng góp vào GDP gần 6%. Giải quyết việc làm được 1,4 triệu và chiếm 3,58% trong tổng số lao động.
 
Du lịch Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chính sách đầu tư có hiệu quả của nhà nước. Đến giờ, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng khoảng 10 tỷ USD, chiếm gần 5% trong tổng GDP đầu tư vào nước ta. Đối với các nhà đầu tư trong nước thì đến giờ có gần 1.000 dự án và khoảng 300.000 tỷ đồng Việt Nam đầu tư vào du lịch. Cách đây không lâu, tuần trước, chúng tôi đã đi dự Festival biển Khánh Hòa và được bố trí ở khách sạn Habana cũng là của một nhà đầu tư trong nước. Đầu tư một khách sạn khoảng 1.200 phòng và tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Tại Lăng Cô - Huế, một nhà đầu tư Singapore đã đầu tư một khu du lịch khách sạn khoảng 1 tỷ USD và bây giờ đã triển khai được 250 triệu với diện tích khoảng gần 300ha. Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thì Nhà nước ta cũng có một chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào du lịch.

Quan điểm để phát triển du lịch theo chiến lược của Thủ tướng phê duyệt có 5 quan điểm cơ bản.

Một là du lịch Việt Nam phải nhanh chóng trở thành một nền kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng trưởng mạnh vào GDP. Thực ra chúng tôi chưa hài lòng với tăng trưởng GDP hiện nay, đáng lẽ ra du lịch Việt Nam còn có nhiều tiềm năng, có ý kiến nêu lên là so với các nước khác du lịch nước ta mới phát triển từ năm 1990 trở lại đây. Tôi nhớ hồi năm 1990 du lịch Việt Nam chỉ có khoảng 100.000 khách quốc tế và 1 triệu khách nội địa, đến bây giờ năm 2012, như Thủ tướng đánh giá là phải đầu tư vào nông nghiệp và du lịch, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. 5 tháng vừa qua, ngành du lịch tuy có giảm so với 5 tháng cuối năm 2012 nhưng doanh thu tăng 6%, đạt 90.000 tỷ đồng.

Qua theo dõi, chúng tôi thấy chất lượng của điểm đến phụ thuộc vào 3 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là năm sau phải tăng hơn năm trước. Yếu tố thứ hai là ngày lưu trú phải tăng hơn ngày lưu trú của năm trước. Yếu tố thứ ba là thời gian lưu trú cũng tăng hơn. Số lượng ấy cũng là báo động cho du lịch Việt Nam, nhưng nhìn vào tỷ số tăng trưởng thì ngày lưu trú kéo dài ra và chi tiêu của khách cũng cao hơn nhiều. Ở Nha Trang hiện nay 1 ngày có 5.000 khách du lịch quốc tế, nhiều khu du lịch quốc tế được hình thành trong thời gian sau này đã góp phần làm cho diện mạo du lịch của chúng ta tốt hơn. Tuy nhiên có tồn tại một số điểm. Một là, chất lượng dịch vụ của chúng ta, nên chăng sắp tới phải chuyển từ phát triển du lịch chiều rộng sang chiều sâu và đi sâu vào chất lượng dịch vụ. Đâu đó vẫn còn tình trạng chặt chém khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai, những hình ảnh đó tác động vào du khách khiến người ta phiền lòng. Vừa rồi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có chỉ đạo cuộc họp liên quan đến vấn đề này nêu ra 7 giải pháp mà lát nữa chúng tôi sẽ trình bày. Hai là, gắn phát triển du lịch với bảo tồn các di tích lịch sử. Ba là, tăng cường xã hội hóa mà đã xã hội hóa thì liên quan đến cơ chế chính sách làm cho nó thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Đấy là những quan điểm cơ bản.

Còn những giải pháp căn cơ thời gian sắp tới là gì?

Biện pháp thứ nhất là, phải xem chuỗi dịch vụ và sản phẩm của chúng ta hoàn thiện đến đâu và trong vấn đề này chúng ta đã sử dụng, đã tiếp nhận các dự án, ví dụ dự án EU về 13 bộ tiêu chuẩn nghề của du lịch. Bây giờ chúng tôi đã gửi đến các trường, đến các địa phương, du lịch là nghề, buồng, bàn, tiếp tân là nghề, quán bar là nghề, anh pha ly rượu như thế anh có biết thế nào? anh rót rượu ra làm sao ở vị trí nào? Hiện nay chúng tôi phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chuyển 5 trường trung cấp du lịch mà sau này Thủ tướng quyết định phải tập trung vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Vì muốn có sản phẩm tốt thì vấn đề chất lượng phần mềm phải tốt, sản phẩm là phần cứng, chất lượng là phần mềm. Nhưng đâu đó, bản thân chất lượng này cũng kết hợp cả hai yếu tố phần cứng và phần mềm.

Biện pháp thứ hai là hiện nay, chúng ta có 575 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao và 60 nghìn phòng trong tổng số 1.414 cơ sở lưu trú với 300 nghìn buồng. Trong khi đó khách sạn chất lượng cao ở Thái Lan, Malaysia, Singapore nhiều hơn chúng ta, đào tạo nghề họ cũng giỏi hơn và tuyên truyền quảng bá, xúc tiến quảng bá người ta giỏi hơn. Tôi nói chỉ đơn cử như Malaysia hay Singapore, Thái Lan, đội bay quốc gia các hãng hàng không các nước này có hàng trăm chiếc và điểm đến của họ đối với các nước là hàng trăm điểm đến. Trong khi đó, chúng ta trong những năm vừa qua có thể nói Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, Vietnam Airline đã trở thành một thương hiệu. Và hiện nay đội bay của chúng ta cũng có 80 chiếc máy bay tầm ngắn, tầm trung và tầm dài. Và đặc biệt mở được 30 điểm đến. Quan trọng là các điểm đến, mở và kết nối với các đường bay quốc tế. Vừa rồi chúng tôi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, làm sao mở được đường bay từ Moscow đến Nha Trang, không những là đến với thành phố Hồ Chí Minh và đến Hà Nội. Từ Viễn Đông đến Nha Trang bây giờ ngày nào cũng có chuyến máy bay. Nó liên quan đến nhiều thứ. 
 
ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh): Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch?

- Nhìn vào toàn cảnh nền kinh tế nước ta trong năm 2012, ngành du lịch cũng là một điểm sáng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian dài và nhất là trong thời gian gần đây vẫn có một số hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch quốc gia. Ở đâu đó có một số địa phương vẫn có những biểu hiện như hàng ngày vẫn có cảnh chèo kéo, đeo bám, chặt chém vào các đối tượng du lịch, kể cả người nước ngoài và người trong nước. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình trạng này và sẽ có giải pháp gì khắc phục để đưa ngành du lịch quốc gia phát triển bền vững và giữ được thương hiệu?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Vẫn còn tình trạng “chặt chém” là bởi mức độ xử phạt còn nhẹ. Sắp tới, chúng tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ có nghị định tăng mức xử phạt

Tình hình chặt chém nó có mấy nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là sự phối hợp liên ngành của chúng ta chưa tốt. Thứ hai, kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, chặt chém du khách. Thứ ba, các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạt còn nhẹ, kể cả văn hóa, kể cả thể thao, du lịch, kể cả quảng cáo, sắp tới đây chúng tôi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, với Chính phủ, sẽ có nghị định tăng mức xử phạt hơn. Cuối cùng là bài học kinh nghiệm quản lý điểm đến ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Bộ trưởng mô tả đường bay thì nó dài lắm, Bộ trưởng nói gọn thôi!

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Biện pháp thứ ba là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá. Biện pháp thứ tư là liên kết trong phát triển du lịch. Chúng tôi rất hoan nghênh các tỉnh duyên hải Nam trung bộ sau khi tổ chức thành công năm du lịch quốc gia ở Phú Yên, thì các đồng chí bí thư, chủ tịch ở đó tổ chức rất nhiều hội thảo liên quan đến vấn đề liên kết phát triển du lịch. Liên kết trong này có mấy ý. Liên kết trong quy hoạch, liên kết trong xúc tiến quảng bá, liên kết trong đào tạo bồi dưỡng ngành nghề. Cuối cùng là quản lý nhà nước về du lịch, chúng ta có Luật Du lịch, có Nghị định 98 về thực hiện một số điều quy định của Luật Du lịch và đặc biệt là có Nghị định 45 về xử phạt trong lĩnh vực du lịch.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Nói tới du lịch thì có câu hỏi của ĐBQH rất quan trọng, đó là, du lịch của nước ta phát triển chưa đúng với tiềm năng, nhất là so với một số nước có tiềm năng kém hơn nhiều của ta nhưng du lịch của họ lại phát triển hơn. Chúng ta có khắc phục được tình hình đó không? Năm 2020 có khắc phục được không? Đó là câu hỏi lớn!

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Tiềm năng du lịch Việt Nam thì lớn. Để tiềm năng trở thành hiện thực là cả một quá trình, kể cả về tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của mọi người đối với du lịch. Ví dụ tình trạng chặt chém thì vấn đề đặt ra là người dân ở đó thế nào? Công tác tuyên truyền, quảng bá ở đó ra sao? Thanh Hóa vừa rồi có chiến dịch bàn tay sắt, xử lý hàng loạt cán bộ ở đó, có đường dây nóng của công an, lực lượng quản lý thị trường, môi trường, nếu có vấn đề gì là gọi điện, nhân dân người ta thành lập Hiệp hội chống chặt chém. Đó là vấn đề nhận thức và hành động của chúng ta.

Bên cạnh đó là, xác định những sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong Quyết định 201 của Thủ tướng xác định 7 vùng du lịch trọng điểm, ở trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây, nổi lên mấy tiềm năng lớn cần phải phát huy: một là biển, hai là di tích, di sản và thứ ba là du lịch sinh thái.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Hôm nay, đề nghị Bộ trưởng trả lời dứt điểm, đến năm 2020 theo chiến lược phát triển 10 năm của ngành du lịch thì du lịch Việt Nam có ngang tầm được khu vực không?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Trong chiến lược du lịch thì năm 2015, du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GDP khoảng 60 - 70%.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta đang so sánh với các nước, tiền năng lớn là mình, họ tiềm năng nhỏ hơn mình. Vậy đến năm 2020, phát huy tiềm năng để làm du lịch thì ngành du lịch nước ta có ngang tầm với Thái Lan, Malaysia được không?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Hiện nay, Malaysia có 24 triệu lượt khách, Thái Lan có 4 triệu lượt khách, Singapore 14 triệu lượt khách và Indonesia 7,5 triệu lượt khách. Năm vừa qua, nước ta có 6,8 triệu lượt khách. Năm 2020 trong chiến lược phát triển ngành du lịch, phấn đấu đạt 10 - 10,5 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch khoảng 18-20 tỷ USD.  Chúng ta phấn đấu đến năm 2015 đạt 7 - 7,5 triệu lượt khách và doanh thu khoảng 9-10 tỷ USD, nhưng năm 2012 đã đạt 6,8 triệu lượt khách rồi. Như  tôi đã trình bày, tiềm năng rất lớn nhưng để biến tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi phải phấn đấu nhiều, nỗ lực nhiều, không phải chỉ với tư cách là tư lệnh của ngành mà trong đó phải có sự chung tay góp sức của người dân, của chính quyền các cấp và đặc biệt là các doanh nghiệp. Mình đề ra chỉ tiêu mà không thực hiện được cũng không nên. 
 
Theo Đại biểu Nhân dân
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang