Siêu thị tại Tây Hồ bán trái cây nhập khẩu không rõ nguồn gốc?

author 09:24 18/11/2020

(VietQ.vn) - Siêu thị có địa chỉ tại Tây Hồ - Hà Nội bán hàng hóa, trái cây xuất xứ nước ngoài.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định ra đời nhằm góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng xách tay giả, hàng kém chất lượng.

Theo quy định, mức phạt sai phạm tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng. Chưa kể, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan… (hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.

Qua tìm hiểu và ghi nhận thực tế tại cửa hàng có địa chỉ tại Tây Hồ - Hà Nội, PV Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) nhận thấy tại đây bán nhiều hàng hóa có xuất xứ nước ngoài. Cụ thể, tại cơ sở trên, ngoài trái cây còn bày bán nhiều sản phẩm xuất xứ nước ngoài khác như: nước hoa, mỹ phẩm, đồ ăn, thực phẩm chức năng và các loại sữa hộp cho người già, trẻ nhỏ. Thậm chí, nhân viên cửa hàng còn tư vấn miễn là hàng xách tay nếu khách muốn mua sản phẩm gì từ nước ngoài đều có thể “order”.

 Ảnh minh họa.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với việc bán hàng xách tay từ nước ngoài không có tem phụ tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.

"Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh mua bán hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có tem phụ bằng tiếng Việt mà giá trị sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, cá nhân tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 trệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng", luật sư Cường thông tin.

Cũng theo luật sư Cường, đối với việc bán hàng không có nhãn mác (cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thành phần... chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn mác hàng hóa được hiểu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Thông qua nhãn mác hàng hóa, người tiêu dùng có thể nhận biết, làm căn cứ để lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm, đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Theo quy định nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải được thể hiện trên sản phẩm hàng hóa.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn mác hàng hóa mà không có đối với hàng hóa có giá trị đến 5 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Hàng hóa không có nhãn mác có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 60 triệu đồng.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Điều 15 Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu như sau:

Đặc biệt, phạt tiền gấp 02 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng) đối với:

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…

Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

Vì thế, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan… (hàng nhập lậu) có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.

Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang