'Ông Chấn có thể đề nghị khởi tố 'nhân chứng đột xuất'

author 08:58 01/07/2015

Đó là ý kiến của Cựu thẩm phán- luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TpHCM) khi đọc bài báo phỏng vấn “nhân chứng đột nhiên xuất hiện nói ông Chấn không oan".

Nhiều chuyên gia phỏng đoán, việc "nhân chứng đột nhiên xuất hiện" là có động cơ mục đích nào đó, rất cần cơ quan điều tra làm rõ. Thông tin khác, mới đây, gia đình ông Chấn đã chấp nhận được bồi thường 7,2 tỉ đồng cho những ngày ngồi tù oan. Để có cái nhìn mang tính khoa học pháp lý, dưới đây cuộc trao đổi ngắn giữa phóng viên và luật sư Phạm Công Út.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau hơn 10 năm ngồi tù

Thưa luật sư, đọc bài báo về sự xuất hiện của người tố ông chấn "không oan", ông có bình luận gì?

Luật sư Phạm Công Út: Đọc những câu trả lời thì thấy người tố ông Chấn "không oan" chỉ toàn là nghe nói. Nếu chỉ nghe nói thì điều đó không hàm chứa yếu tố chứng cứ chứng minh một sự thật để đòi hỏi công lý.

Nếu nội dung đối thoại của bà với báo chí đúng với những gì bà có được, luật sư có nghĩa tòa sẽ bác đơn hay không?

Tôi nghĩ là Tòa không thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nói gì đến chuyện bác đơn của bà ấy. Vì tòa không thể chấp nhận những lời tố cáo hoang đường chỉ từ việc “nghe nói”.

Những điểm nào khiến luật sư nghi ngờ về tính chân thực thông tin do "nhân chứng đột xuất" này cung cấp?

Nhân chứng là người chứng kiến sự việc, mắt thấy, tai nghe. Nhưng khi mắt không thấy, tai không nghe mà chỉ cho rằng nghe nói lại. Nhưng nhân vật được cho rằng “nói lại” chỉ bỉu môi thì nhân chứng ấy không thể đứng trên góc độ chân thực của sự việc.

Nếu Tòa bác đơn của "nhân chứng đột xuất này", gia đình ông Chấn có quyền khởi kiện người này không? Trình tự sẽ như thế nào?

Không chỉ khởi kiện mà cá nhân ông Chấn có thể đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố “nhân chứng” này về hành vi vu khống.

Thực tế xét xử, trong thời gian ông làm thẩm phán, ông có gặp trường hợp tương tự không?

Có nhiều đấy, vì một người có thể dùng tiền để thuê nhiều người làm nhân chứng hòng cung cấp lời khai sai sự thật để có lợi cho một bên khi vụ án không có chứng cứ trực tiếp như những lời khai man của các nhân chứng được mua chuộc bằng tình cảm hoặc vật chất, hoặc vì động cơ khác. Nhưng theo tôi, làm thẩm phán thì cần phải có chiếc đầu tỉnh táo để thẩm tra tính xác thực của người làm chứng.

Ông có phán đoán gì về động cơ, mục đích, cũng như tác động của sự kiện này với "vụ án oan của ông Chấn"?

Tôi không có thẩm quyền để phán xét về động cơ, mục đích, cũng như tác động của sự kiện này với "vụ án oan của ông Chấn". Nhưng nếu cho phép tôi suy diễn thì tôi chỉ có thể nói rằng, những lời tố cáo ấy không phải hoàn toàn trong sáng và bất vụ lợi, mà là phát ngôn có chủ đích nhằm được nổi tiếng hoặc nhằm mục đích khác.

Xin cảm ơn luật sư!

Trước đó, trên báo Người lao động đăng cuộc phỏng vấn với "nhân chứng đột xuất này" như sau:

Phóng viên: Vì sao bà quyết định gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng về vụ án này?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Tôi muốn vụ việc được khách quan, xét xử đúng người, đúng tội.

- Căn cứ vào đâu để bà làm đơn kiến nghị?

+ Sau khi phiên toà diễn ra, tôi thấy có tình tiết Lý Nguyễn Chung cướp 2 chỉ vàng. Tôi thấy không đúng vì trước đó tôi có cầm cố 2 chỉ vàng cùng 1 dây chuyền của chị Nguyễn Thị Hoan với số tiền là 2 triệu đồng. Tôi cầm cố rồi thì lấy đâu vàng nữa mà cướp. Từ đây tôi thấy có chi tiết vô lý.

- Căn cứ vào đâu bà khẳng định Chung không giết người?

+ Tình tiết Chung không cướp 2 chỉ vàng cho thấy vô lý. Hơn nữa, tôi nghe bà Thân Thị Hải (ở Bắc Giang) có kể rằng có “chạy án” cho ông Chấn. Sau đó, tôi nghe có người nói là Lý Nguyễn Chung được thuê để nhận tội thay ông Chấn.

- Bà có bằng chứng về việc này không hay chỉ nghe kể?

+ Tôi không có bằng chứng, chỉ là nghe kể và xâu chuỗi lại thôi.

- Vậy tại sao bà cho rằng ông Chấn giết người?

+ Tôi là bạn thân của Hoan vì có buôn bán với nhau. Tôi nghe Hoan kể là có quan hệ tình cảm với ông Chấn. Nếu không phải Chung giết người thì tôi nghĩ ông Chấn giết Hoan để cướp tài sản.

- Bà có chứng kiến, có nghe kể, có bằng chứng gì để khẳng định ông Chấn giết người không?

+ Tôi không có. Tôi chỉ suy ra như thế!

- Bà có quen biết ông Chấn không? Có biết Chung không?

+ Tôi chưa về thôn Me bao giờ, không biết ông Chấn hay Chung là ai.

(Nguồn báo Người Lao động)

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang