Ông chủ InvestConsult Group: Tôi là CEO bền vững

author 14:59 15/06/2012

(VietQ.vn) - Cầu đường, triết học và luật, những khúc nối có vẻ thiếu đồng điệu nhưng lại là những tổ hợp đồng điệu trong con người Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Bạt, người đam mê quan sát cuộc sống. Chẳng ai ngờ sự đam mê lạ lùng ấy một ngày kia biến ông trở thành một trong những doanh nhân thành đạt bậc nhất Việt Nam.

Từ một kỹ sư cầu đường, ông Nguyễn Trần Bạt từng kinh qua nhiều vị trí công tác ở Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) và Bộ Khoa học Công Nghệ và Môi trường (KHCN&MT) trước khi trở thành chủ công ty danh tiếng InvestConsult Group. Trả lời câu hỏi của PV Chất Lượng Việt Nam: "Cho đến giờ, công việc đáng giá nhất mà ông đã làm được là gì?", ông Bạt cho biết:

Lương thiện là phẩm chất quan trọng nhất để tôi chọn hay không chọn một cán bộ.
Lương thiện là phẩm chất quan trọng nhất để tôi chọn hay không chọn một cán bộ

Cũng giống như Jeff Beros – ông chủ của Amazon.com, người mở đường cho cả một ngành thương mại điện tử đang bùng nổ khắp thế giới, cái đáng giá nhất trong cuộc đời của tôi không phải là tạo ra một công ty mà tạo ra được một nghề mới ở Việt Nam, đó là nghề tư vấn đầu tư và phát triển các quan hệ thương mại. Tôi còn nhớ, khi Việt Nam bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, sự mở cửa với thế giới bên ngoài đã khiến cho hai cộng đồng người gặp nhau, người phương Tây không hiểu gì về Việt Nam và người Việt Nam chẳng hiểu gì về phương Tây. Khi hai cộng đồng ấy mở cửa nhìn nhau và đều “ngọng” trong việc diễn đạt các nguyện vọng của mình, họ cần một kẻ phiên dịch. Tôi lập công ty này với ý đồ trở thành kẻ phiên dịch sớm nhất cho sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, hai hệ thống chính trị và hai mức độ phát triển.

Ông đã gặp khó khăn gì khi đóng vai trò phiên dịch cho hai hệ thống đó?

Xã hội chúng ta là xã hội sùng bái công nghiệp, vì thế tất cả đối tượng phi công nghiệp đều bị ngờ vực và tôi bị ngờ vực là đương nhiên. Tôi có nghĩa vụ phải giải thích với xã hội, giải thích với các nhà lãnh đạo rằng cái mà chúng tôi làm là cái xã hội cần. Năm 1989, tôi có tổ chức một hội thảo tại TP.HCM về xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, tôi được gọi lên để chất vấn và chịu kỷ luật về việc truyền bá những khái niệm “nhạy cảm”… Xã hội chúng ta từng có những chuyện như thế.

Tiêu chuẩn đầu tiên của một nhân viên dưới quyền của ông là gì?

Tôi không khắt khe về chuyên môn, nhưng tôi cực kỳ khắt khe về sự lương thiện. Nếu một người nào đã trót không lương thiện thì cũng không qua mặt tôi được. Tôi không bao giờ tiếp nhận người không lương thiện, nếu cấp dưới của tôi có nhầm lẫn thì tôi cũng tìm cách loại bỏ. Nếu một người được việc nhưng không lương thiện thì người đó cũng sẽ không phát triển, không đi xa được. Thế nên đừng nóng vội, hãy kiên nhẫn giữ gìn phẩm hạnh của bản thân để chờ đợi cuộc sống tốt hơn. Chúng ta đừng làm xấu xí mình vì các thúc bách của đời sống, để đến khi cuộc sống tốt hơn chúng ta lại trở thành kẻ ngoài rìa. Tôi không tự mãn rằng tôi có khả năng biết mọi thứ, nhưng trong những thứ tôi biết được, thì đạo lý của sự đúng đắn là yếu tố khống chế toàn bộ hoạt động của tôi.

Điều đó nghe có vẻ vô lý?

Thực phẩm của thiên tài là tự do, mà điểm mấu chốt của tự do là quên đi sự lệ thuộc của mình vào lời khen, tiếng chê của người khác. Tôi khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích tự do đối với nhân viên của mình. Tự do đến làm việc cho tôi nếu anh cảm thấy tự tin; và tự do rời công ty của tôi nếu cảm thấy bất hạnh hay không hạnh phúc. Tôi không giữ họ khi họ có đủ tài năng có thể tìm kiếm những chân trời rộng mở hơn tôi. Tôi trân trọng điều ấy.

Vì thế mà ông đặt tên cho cuốn sách của mình là “Tự do”?

Tôi xem nghèo khổ là một trong những yếu tố làm mất tự do của đời sống con người. Rất đáng buồn là xã hội chúng ta có một thời kỳ rất dài thi vị hóa sự nghèo khổ và kỳ thị sự giàu có như một đối tượng vô đạo. Người ta chỉ tìm thấy sự xấu xa ở những người giàu có và chỉ nhìn thấy đạo đức ở những kẻ nghèo khổ. Những định kiến như thế kéo lùi chúng ta bao nhiêu năm. Cần phải bỏ quan niệm như thế, người giàu vẫn phải có đạo đức, phải làm thế nào để giàu có trong đức hạnh của mình, cái đấy là rất quan trọng. Có một số kẻ trước đây nghèo khó, giờ có tiền rồi thì cho con mua ô tô, xe máy @, SH…, nhìn những ví dụ như vậy tôi rất thương. Những con người nghèo khó về vật chất đang biến dần thành những người nghèo khó về tâm hồn, đến mức ngay cả khi không còn nghèo khó về vật chất nữa thì sự nghèo khó về tâm hồn vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc đời họ. Còn tôi ý thức sự nghèo khó về vật chất và phấn đấu để thoát khỏi nó, nhưng tôi tâm niệm phải giữ nguyên những giá trị khác.

Đó là những giá trị nào?

Đối với tôi, đạo đức, sự lương thiện hay phẩm hạnh không chỉ là nền tảng của một cuộc sống tốt đẹp mà còn là bản lề của sự thành công: dù bạn có là người bình thường, một nhân viên hay một doanh nhân, nếu không bắt đầu từ sự lương thiện thì con người sẽ chẳng làm được gì. Phải biết yêu thương con người. Chẳng hạn tôi bắt đầu kinh doanh là vì yêu con tôi. Các quy luật tinh thần sẽ mách bảo bạn cần phải làm gì, rồi các bạn sẽ tự tìm thấy sự thành đạt thích hợp cho mình.

Ông quan niệm thế nào là một CEO giỏi?

Một CEO, một vị tướng – linh hồn trong sự phát triển của một tập đoàn là người phải biết rõ mình đang làm gì, mình có mục tiêu gì, mình thực hiện mục tiêu đó bằng gì, vào lúc nào, trên quy mô nào và bao giờ chấm dứt. Tôi luôn nghĩ rằng tôi không phải là một ông chủ. Tôi là tư lệnh của một dự án kinh tế. Tôi luôn trả lương cho cán bộ của mình rất cao vì cho rằng mình phải chia phần chiến lợi phẩm mình kiếm được cho các “binh sĩ”. Với quan niệm như thế, tôi là một CEO bền vững.

Người ta bảo ông là người có tài “điều binh” đặc biệt?

Tôi không thuộc những người sử dụng lao động một cách tầm thường, cho nên nếu hỏi kinh nghiệm (sử dụng và đào tạo lao động) của tôi thì tôi sẽ nói kinh nghiệm của tôi không phổ biến trong xã hội. Tôi không làm gì cả. Nếu linh cảm mách bảo tôi rằng người này có giá, tôi sẽ nhận vào làm ngay. Tôi còn có cái khác nữa là những người tôi cần đào tạo không bao giờ tôi chiều ngay từ đầu cả. Có những kẻ tôi giấu kín và 5 năm sau, tôi bỗng đưa từ một nhân viên thông thường thành giám đốc công ty.

Vì thế mà ông đã trở nên rất giàu có, ông quan niệm thế nào về điều này?

Tôi cho rằng sự giàu có là một tất yếu mà con người phải phấn đấu. Mỗi con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, ngu dốt và tầm thường. Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song hai hoặc ba việc.

Thanh Uyên thực hiện

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang