Ông chủ taxi Mai Linh chỉ rõ những điểm cần học hỏi của Grab, Uber

authorĐỗ Thu Thoan 14:33 25/07/2017

(VietQ.vn) - Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh cho biết hãng sẽ không tham dự vào bất kỳ vụ kiện cáo nào với Grab, Uber.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Liên tục tố bị cạnh tranh không lành mạnh nhưng từ khi Uber, Grab xuất hiện, 2 "ông lớn" taxi truyền thống mới có những sự thay đổi rõ rệt về quy mô hoạt động kinh doanh, theo Zing.

Mới đây, trong buổi trao đổi với Zing, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Mai Linh - khẳng định hãng sẽ không tham dự vào bất kỳ vụ kiện cáo nào với Grab, Uber. Ngoài ra, ông cũng nghiêm túc chỉ rõ những điểm đáng học hỏi của hai ứng dụng công nghệ nói trên.

Theo kinh nghiệm kinh doanh của ông Huy, một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài và bền vững, ngoài mục tiêu kiếm tiền phải đáp ứng được 3 trách nhiệm lớn gồm trách nhiệm đối với xã hội, với nhà đầu tư và với người lao động, đặc biệt là đóng góp cho ngân sách.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Uber, Grab đến Việt Nam lại bị "ném đá" dẫn đến khủng hoảng là do văn hóa doanh nghiệp, quan điểm kinh doanh, mục tiêu kinh doanh... có vấn đề. 

ong-chu-mai-linh-hang-se-khong-tham-du-vao-bat-ky-vu-kien-nao-voi-grab-uber

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của hệ thống taxi Mai Linh . Ảnh: Thái Nguyễn/Zing

Theo ông Huy, lựa chọn hình thức kiện các hãng công nghệ chưa hẳn là 1 biện pháp có thể giải quyết được vấn đề từ gốc đến ngọn. Kiện hay không thì trước tiên phải nhìn về mình rồi xem đối thủ là người thế nào. Doanh nghiệp nào cũng có văn hóa riêng nhưng có thể học hỏi lẫn nhau. “Tôi không lấy kiện cáo làm chính mà thay đổi chính mình là chính. Mình không tốt làm sao lái xe gắn bó, dẫn đến khách hàng sẽ không ngó ngàng khi lái xe kém”, ông Huy nói với Zing.

Lãnh đạo này cho hay đơn vị đang hoàn thành ứng dụng đặt xe 5-7 chỗ để cho thuê và có công ty gồm đội ngũ lao động được đào tạo từ nước ngoài.

Trước đó, theo VOV, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho rằng, các hãng taxi truyền thống đang gặp khó khăn, một trong những nguyên nhân là do Uber, Grab hoạt động tràn lan, đặc biệt ở TP.HCM và Hà Nội.

Do sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác dành cho Uber, Grab đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống.

Cũng theo Zing, hiện tại, bộ máy cồng kềnh, hệ thống nhân công đang khiến các hãng taxi truyền thống đau đầu trong quá trình áp dụng công nghệ. 

Ông cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng công nghệ như Uber, Grab. Tuy nhiên, họ còn phải đáp ứng đủ trách nhiệm xã hội như bảo hiểm nhân tọ cho lái xe 5-10 năm, đền bù 200 triệu đến 1 tỷ đồng nếu xảy ra tai nạn, thay vì mua bảo hiểm bình thường với mức 10-15 triệu đồng. "Khi kết thúc hợp đồng làm việc 5-10 năm, tùy trường hợp, tài xế sẽ được nhận cùng mức bảo hiểm nhân thọ như trên", ông nói.

Nguyên nhân trên cũng khiến cho doanh nghiệp của ông phải cân nhắc trong việc đầu tư sức lực vào kiện cáo mà không nhìn lại chất lượng dịch vụ hãng. Đặc biệt, học tập các phần mềm công nghệ chính là xu thế mà bất kì hãng nào, dù truyền thống hay công nghệ cao đều phải đối mặt.

Hà Nội chính thức ‘trảm’ dịch vụ đi chung xe của Grab và Uber(VietQ.vn) - Sau khi dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab bị Bộ GTVT "tuýt còi", Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị không áp dụng hình thức này đối với những loại xe hợp đồng.

Trước đó, báo Lao động đưa tin, phát biểu trong cuộc đối thoại giữa taxi truyền thống, Uber, Grab và các cơ quan chức năng, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho rằng, nếu chính sách của cơ quan quản lý không thay đổi thì doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ phá sản và “không chết vì Uber, Grab mà chết vì chính sách do các cơ quan quản lý ban hành”.

Theo Hiệp hội taxi TPHCM, Uber, Grab tự cho mình là công ty công nghệ chỉ làm việc kết nối doanh nghiệp và đơn vị vận tải nhưng trên thực tế đang thực hiện chức năng của 1 doanh nghiệp vận tải khi tuyển dụng, đào tạo lái xe, trực tiếp thu tiền của khách hàng, tổ chức khuyến mãi…

Đại diện các hãng taxi cho rằng, đang có sự bất bình đẳng trong quản lý khi các DN vận tải bị “đeo 13 vòng kim cô” và bị quản rất chặt, trong khi Uber, Grab thì được thoải mái về điều kiện hoạt động, dễ dàng qua mặt cơ quan quản lý và coi thường các quy định hay yêu cầu của cơ quan chức năng.

Cũng theo theo VOV, mới đây, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, phản ánh việc chỉ riêng trong quý I/2017, công ty đã có hơn 4.200 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh “thiếu lành mạnh” của Uber và Grab.

Vinasun cho rằng, Uber và Grab núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử để né tránh các nghĩa vụ về thuế, không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào, khiến sự cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang