Ông chủ Trincon Towers nói gì trước khi ôm tiền khách hàng trốn?

author 06:56 25/09/2013

Ông Edward Chi cho biết, ông không phải bỏ trốn, vì ông có “thẻ xanh” của Mỹ, ông muốn đi khỏi Việt Nam lúc nào, không ai ngăn ông được.

Tại cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên trước khi “mất tích”, ông Edward Chi bảo, ông không phải bỏ trốn, vì ông có “thẻ xanh” của Mỹ, ông muốn đi khỏi Việt Nam lúc nào, không ai ngăn ông được. Nhưng ông không muốn thế, vì ông vẫn còn quá nhiều việc cần phải làm ở đây.

Cuối năm 2012, khi căng thẳng giữa khách hàng mua căn hộ dự án Tricon Towers và chủ đầu tư, đại diện là ông Edward Chi đang lên đến đỉnh điểm, phóng viên đã được ông Chi đồng ý trả lời phỏng vấn.

Hóa ra, đây là lần gặp mặt phóng viên Việt Nam cuối cùng, trước khi ông Edward Chi ẩn tích, mà đến giờ, không ai, kể cả cơ quan công an điều tra cũng không biết ông Chi đang ở đâu.


 
Trụ sở của Công ty CP Đầu tư Minh Việt khi ấy tại tòa nhà C1, D6 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là một tòa nhà cao tầng khá bề thế, có thang máy, có tầng hầm để xe và rất nhiều chó nuôi. Mặc dù giá thuê lên đến cả trăm triệu mỗi tháng, nhưng theo ông Chi, Minh Việt đã tiết kiệm được khoảng 100 triệu tiền thuê mặt bằng trụ sở mỗi tháng, vì tất cả những công ty con, đơn vị thành viên đều chuyển hết về đây làm việc, thay cho việc phải thuê văn phòng làm việc ở nhiều nơi.
 
Tiếng là văn phòng làm việc của “Group” Công ty Minh Việt, nhưng tòa nhà rộng thênh thang, không có nhiều nhân viên. Có lẽ những nhân viên đã bị ông chủ cho nghỉ việc hết, hoặc tự nghỉ việc do doanh nghiệp cũng không có nhiều việc để làm.
 
Phòng làm việc, phòng khách của vị chủ tịch Công ty Minh Việt nằm giữa lưng chừng nhà, mà giờ tôi cũng không nhớ rõ nằm ở tầng 5 hay tầng 6. Trong đó, phòng khách của ông thông ngay ra thang máy, không cửa, không rèm. Trong phòng có một bể cá "phong thủy" không quá lớn, chỉ nuôi duy nhất một con cá, mà sau này tôi mới biết, giá của con cá này trên thị trường lên đến cả trăm triệu đồng.
 
Ngoài bể cá phong thủy, phòng khách của ông chủ dự án gần 200 triệu USD không hề cầu kỳ, cũng không có gì đáng giá. Bộ Salon bề thế trong phòng, ông bảo ông đặt mua ở bên Trung Quốc, giá chỉ có vài chục triệu từ vài năm trước, nhưng nếu mua ở Việt Nam, giá có thể gấp 4-5 lần.
 
Trong phòng của ông Chi có nhiều rượu, nhưng đó không phải rượu Tây của những thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền các đại gia hay dùng, mà đó là những bình rượu ngâm đủ loại. Ông bảo, ông ngâm rượu đấy, nhưng ông không uống, ông cũng không mê rượu. Ông chỉ ngâm để đấy để đãi khách. Thi thoảng có khách đến chơi thích thú, ông lại rót bướu họ một chai về làm quà.
 
Cuộc trò chuyện của phóng viên và vị doanh nhân Việt kiều nhiều tai tiếng xoay quanh chuyện đất cát, dự án và thị trường bất động sản. Trong cuộc trò chuyện, ông Chi nhiều lần than trời về việc làm kinh doanh bất động sản ở Việt Nam quá khó, vì nhiều thứ không rõ ràng, minh bạch...
 
Đến khi được hỏi về dự án Tricon Tower với những lùm xùm hiện tại, giọng ông trầm lại, bảo: “Làm BĐS ở Việt Nam nhọc lắm ông ạ. Không phải anh cứ có tiền là làm được, mà nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là quan hệ”.
 
Đây không phải lần đầu tiên tôi được nghe doanh nghiệp than khó như vậy, vì thế, tôi tin những gì vị doanh nhân này nói là đúng. Thế nhưng, việc ôm hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, dự án cũng đã quá hạn bàn giao nhà, nhưng mới làm xong móng, việc giải thích nguyên nhân của ông có phần lúng túng, dù tội vạ, ông đã đổ phần nhiều cho phía nhà thầu thi công và do sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản.

 

Hơn 100 khách hàng sẽ mất trắng tiền vì góp vốn mua nhà tại dự án Tricon Tower của Công ty Minh Việt.

 


Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định các biểu tượng của Minh Việt do Edward Chi gây dựng lên đã sụp đổ hoàn toàn. Những biểu tượng đó là dự án Tricon Tower (Hà Nội), dự án The Bayview Hạ Long và cả thương hiệu Coldwell Banker ông đã mất nhiều công sức để được đối tác nhượng quyền và kỳ vọng sẽ xây dựng thành một định chế bất động sản thế lực nhất tại Việt Nam nay cũng đã sụp đổ.

Hiện tung tích của ông các khách hàng, nhà báo và cả cơ quan hành pháp là cảnh sát điều tra cũng không nắm rõ. Ngay giới truyền thông Mỹ cũng không biết được hiện ông trú ngụ ở đâu. Sự sụp đô của Minh Việt đã khiến hơn 100 nhà đầu tư sẽ mất trắng tiền góp vốn. Trong đó, người mất ít nhất cũng trên 1 tỷ, nhiều nhất lên đến 3-4 tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều tòa báo có quan hệ thân thiết với Minh Việt cũng sẽ mất trắng những hợp đồng quảng cáo, truyền thông cả trăm triệu đồng mà ông Edward Chi từng hào phóng đặt bút ký để được "quyền miễn trừ" trước những cơ quan truyền thông này.
 
Tôi vẫn nhớ trong buổi trò chuyện với Edward Chi, buổi gặp mà đến bây giờ tôi mới ngộ ra rằng, mình là phóng viên Việt Nam cuối cùng được doanh nhân Việt kiều nổi tiếng vì nhiều tai tiếng tiếp đón.
 
Ông Chi bảo, ông là một Việt kiều, nhưng ông cũng là một công dân Mỹ, có “thẻ xanh” của Mỹ. Vì thế, nếu ông làm ăn chộp giật, ông muốn bỏ trốn, cũng không ai ngăn ông được. Thế nhưng, ông vẫn ở Việt Nam, muốn được giải quyết những vướng mắc liên quan đến những dự án đang gây hệ lụy cho biết bao nhiêu nhà đầu tư.
 
Những lời lẽ của Edward Chi khá chân thành, không hề có giọng điệu thách thức nên tôi vẫn tin những gì ông nói khi ấy là những lời từ tim gan.
 
Thế nhưng cuối cùng, Edward Chi vẫn phải bỏ của chạy lấy người, để lại những di sản đổ nát và nỗi đau của hàng trăm nhà đầu tư đã tin tưởng đóng hàng trăm nghìn đô la cho ông thực hiện dự án. Sự bỏ chạy của ông là sự bất lực hay sự toan tính đã có từ trước, đến giờ tôi cũng không biết nữa.

Ngọc Nguyễn

Landexpress

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang