Ông Đoàn Ngọc Hải từ chức: Đại biểu Quốc hội nói gì?

authorHuyền Bùi 08:00 28/01/2018

(VietQ.vn) - Cách đây không lâu, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch quận 1, TP. HCM bất ngờ xin từ chức, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự tiếc nuối khi ông Hải quyết “cởi áo về vườn”.

Trước thông tin ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP.HCM) tổ chức buổi mời thầu xây dựng lại chung cư cũ cho người dân ở Chung cư Cửu Long (Số 128 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao), ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, rất đáng tiếc nếu ông Hải từ quan.

Chia sẻ với Báo Đất Việt, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ông Đoàn Ngọc Hải đang xông xáo cho nhiệm vụ của mình trong lúc chờ giải quyết đơn từ chức trước hết đã cho thấy tinh thần trách nhiệm của ông đối với công việc.

Sau đó, đại diện của chính quyền thành phố cũng đã tới lắng nghe nguyện vọng của ông Hải, mời ông trở lại làm việc. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của cấp trên đối với năng lực thực sự của vị Phó Chủ tịch quận.

"Mời ông Hải trở lại làm việc là một cử chỉ tốt, thể hiện tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố. Tôi đánh giá rất cao điều này" - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

ong-doan-ngoc-hai-tu-chuc-dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi

 Ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: Duy Trần/Vnexpress

Ông Nhưỡng cho rằng, bản thân ông Hải là một người có trách nhiệm và năng lực, lãnh đạo cấp trên cũng nhận thấy điều đó, cùng với quan điểm cá nhân của mình, ông cho rằng, nếu ông Hải kiên quyết từ quan, đó quả là điều đáng tiếc.

"Qua những hành động ông Hải đã làm cho thấy ông là một người có ích, có trách nhiệm. Ông Hải nên tiếp tục làm việc để tiếp tục cống hiến vì còn tuổi trẻ.

Việc ông Hải vẫn kiên quyết từ chối tiếp tục làm việc thì cần tìm hiểu nguyên nhân thực sự phía sau đó. Nếu vì lý do cá nhân mà ông Hải xin từ chức, tôi không bình luận. Nhưng nếu có lý do khách quan thì Thành phố cũng cần đánh giá nguyên nhân xem là vì sao. Ngay từ ban đầu, ông Hải không làm, khác với việc ông ấy đã làm nhưng không thực hiện được lời hứa" - ông Nhưỡng bình luận.

Trong khi đó, quan điểm chung của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) là một cán bộ công chức Nhà nước khi đang chờ đợi giải quyết đơn từ chức thì vẫn phải thực hiện tròn nhiệm vụ của mình. Đó là điều bình thường.

Cũng cần phải hiểu rằng, đối với công tác quản lý Nhà nước, mọi việc được biểu hiện ra thực hiện trên hè phố hay ở chung cư cũ cũng đều phải có trình tự chỉ đạo từ trên xuống dưới. Việc Phó Chủ tịch quận ra đường dẹp vỉa hè cũng phải trải qua một quy trình từ trên xuống dưới, được sự phân công của cấp trên.

"Cấp trên chỉ đạo, cấp dưới thừa hành. Đó là quy tắc. Không có 'anh hùng cô đơn', 'ngôi sao cô đơn' nào trong công tác quản lý cả" - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.

ong-doan-ngoc-hai-tu-chuc-dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi

 Ông Đoàn Ngọc Hải chủ trì cuộc bỏ phiếu chọn nhà thầu sửa chung cư cũ ở phường Đa Kao. Ảnh: PL TPHCM

Theo bà Khánh, ở cương vị là Phó Chủ tịch UBND Quận, ngoài việc làm việc theo sự phân công, thì trong công tác thực hiện, đôi khi cũng cần sự mềm mại, khéo léo, cùng thực hiện dân vận, tuyên truyền pháp luật.

Nếu trong công việc gặp khó khăn, thì cần phải có sự phản ánh lên cấp trên để tìm phương án tháo gỡ. Trong trường hợp cấp trên có chỉ đạo mới mà vượt quá năng lực của cấp Phó thì người đó có quyền từ chức hoặc đề xuất phương án khác.

Vấn đề ở đây là sự lựa chọn của người làm cấp Phó.

Cần phải hiểu rằng, trong công tác quản lý tất yếu sẽ gặp các vấn đề phức tạp mà cá nhân chắc chắn không thể làm tốt, cần sự tham vấn, chung sức từ đồng nghiệp, phối hợp cả trên, dưới, cả trong, ngoài thì mới làm được. Do đó, không có chuyện đòi hỏi giải quyết một vấn đề trong xã hội mà như ý mình mong muốn.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, nếu còn tâm huyết với công việc và trách nhiệm vì công việc chưa xuôi thì ông Hải có thể tiếp tục đảm đương nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị cùng với nhiều sự tham vấn hơn.

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại hóa(VietQ.vn) - TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển ngành công nghiệp vi mạch theo hướng thương mại dịch vụ, phát triển sản phẩm ứng dụng phù hợp cho đô thị thông minh.

Vnexpress đưa tin trước đó, ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ gửi đơn xin từ chức đến Thành ủy, UBND TP HCM cùng lãnh đạo quận 1.

Trong đơn, ông Hải cho biết được phân công làm Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị từ tháng 3/2016. Khi nhận nhiệm vụ, ông nhận thấy vấn đề trật tự vỉa hè, lòng lề đường là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết dứt điểm. Bởi tình trạng này đã tồn tại hàng chục năm không giải quyết được, trong khi quận 1 là bộ mặt của thành phố.

Trong quá trình triển khai lập lại trật tự vỉa hè từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2017, quận 1 đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa khắp cả nước, được Thủ tướng đánh giá cao và giao các địa phương thực hiện.

"Quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã đụng chạm đến lợi ích to lớn hàng nghìn tỷ của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó", ông Hải viết trong đơn.

"Là Đảng viên, tôi đã kiên định vượt qua mọi khó khăn, sự chống phá công khai và ngấm ngầm; sự đe dọa đến sinh mạng bản thân, gia đình từ các đối tượng bị mất nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm tài sản công", ông Hải viết.

Theo ông Hải, để lập lại kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực này cần có sự vào cuộc, đồng lòng của tất cả các cấp, hệ thống chính trị nhưng ông chưa nhận được những điều kiện này để thực hiện.

"Nhìn nhận lại, tôi không thực hiện được lời hứa với nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng về việc lập lại trật tự vỉa hè nên xin từ chức Phó chủ tịch UBND quận 1, xin thôi Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, thôi làm Đại biểu HĐND quận 1", ông Hải viết.

Sau đó, Thành ủy TP.HCM đã gặp gỡ ông Đoàn Ngọc Hải để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời động viên ông Hải rút đơn, tiếp tục công tác nhưng ông Hải vẫn kiên quyết xin từ chức.

Minh Trần (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang