Ông Lê Như Tiến :"Làm biến dạng cầu Long Biên là có lỗi với di sản"

author 08:50 03/03/2014

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ), cho rằng mọi hành vi làm biến dạng, hủy hoại cầu Long Biên đều là có lỗi với di sản.

Các bạn trẻ chọn cầu Long Biên chụp ảnh cưới.

Tại cuộc họp Chính phủ ngày 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo tồn nguyên trạng, không dỡ cầu Long Biên. Trao đổi vớiTiền Phong về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng mọi hành vi làm biến dạng, hủy hoại cây cầu này đều là có lỗi với di sản.

Bảo tồn phải đặt lên hàng đầu

Là ĐBQH và Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ theo dõi, giám sát lĩnh vực văn hóa, cây cầu Long Biên đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, làm biến dạng, ông có suy nghĩ gì?

Tôi thấy đề xuất làm biến dạng cầu Long Biên, chỉ nhằm mục đích là phục vụ cho giao thông là không nên. Cây cầu Long Biên đã có tuổi trên một trăm năm, phải ứng xử với cầu bằng con mắt của người bảo tồn đối với di sản văn hóa hơn là một công trình hạ tầng giao thông. Còn nếu kết hợp được bảo tồn và giao thông thì càng tốt, nhưng không lấy mục đích cải tạo, xây dựng lại để làm biến dạng, làm mất tính lịch sử, mất giá trị của di sản thì hoàn toàn không nên. Ứng xử với cầu Long Biên chính là ứng xử với một di sản văn hóa, đã đi sâu vào tiềm thức người dân Việt Nam từ hàng trăm năm nay.

Ông nói phải ứng xử với cầu Long Biên như ứng xử với một di sản văn hóa và phải bảo tồn nó nguyên trạng ban đầu, cụ thể nên làm gì?

                                        Ông Lê Như Tiến.

Tôi biết trước kia ngành văn hóa đã đưa ra một phương án bảo tồn khá phù hợp. Tức là hãy bảo tồn cây cầu như nó được xây dựng, nhưng gắn với tổ chức sử dụng cây cầu thành một nơi thưởng thức văn hóa của nhân dân: Tổ chức hoạt động ca múa nhạc, trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, làm cầu đi bộ có một số dịch vụ văn hóa phù hợp để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hay có thể tổ chức hình thức sinh hoạt văn hóa vào cuối tuần ở đây. Khách du lịch sẽ đến đây như đến với một di tích lịch sử, một di sản văn hóa kiến trúc. Nói tóm lại, cần ứng xử với cầu Long Biên như một di sản văn hóa. Mấy năm trước, tôi thấy người ta đã tổ chức trên cầu một cuộc trình diễn nghệ thuật, triển lãm rất ấn tượng, thu hút rất đông người đến đây.

Cần phải có nhạc trưởng

Hiện nay quan điểm (của các bộ ngành và UBNDTP Hà Nội) đối với cầu Long Biên chưa thống nhất, có quan điểm phải bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên, nhưng cũng có ý kiến khác. Quan điểm của ông?

Vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa ở nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Tốt nhất, nếu như chưa có sự đồng thuận thì các ngành giao thông, xây dựng, văn hóa và UBNDTP Hà Nội phải ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc tìm ra giải pháp. Trọng tài của việc này không phải là Hà Nội hay bộ ngành nào mà chính là Chính phủ. Nếu đã có ý kiến khác nhau của liên ngành, liên bộ thì Chính phủ phải là trọng tài, là nhạc trưởng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải là người phân xử, đưa ra quyết định cuối cùng. Và thực tế Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo.

Thực chất vấn đề ở đây là ứng xử với cầu Long Biên như một di sản văn hóa như ông nói thì có lợi hơn?

Tôi chỉ muốn nói rằng hồn cốt của cầu Long Biên đã đi sâu vào thơ ca, vào tâm thức của người Việt Nam và người dân Thủ đô. Bây giờ chưa muộn để ngồi lại phân tích một cách có lý, có tình; cần tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các nhà văn hóa, lịch sử, kể cả ý kiến nhân dân để tìm ra lời giải. Quan điểm là bảo tồn để phát triển.

Cầu Long Biên là cây cầu thép rất đặc biệt đã có hơn 100 năm tuổi, theo ông có nên cấp bằng di sản cho cầu Long Biên?

Cầu Long Biên do người Pháp xây dựng. Nhưng chúng ta đừng nặng nề về xuất xứ của cây cầu là do ai xây dựng nên, bởi đó là di sản văn hóa chung của nhân loại chứ không chỉ riêng Việt Nam. Nhà hát Lớn, Bảo tàng lịch sử, Ngân hàng Nhà nước cũng do người Pháp xây dựng, chúng ta vẫn coi đó là những sản phẩm tiêu biểu của kiến trúc nhân loại. Với những công trình đó chúng ta phải ứng xử như với di sản văn hóa để mà bảo tồn.

Cảm ơn ông!

Theo TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang