Giải thưởng Chất lượng giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng ra thế giới

author 06:09 31/03/2017

(VietQ.vn) - Chuyên gia khẳng định tầm quan trọng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vừa và nhỏ trong nâng cao cạnh tranh thông qua năng suất, chất lượng hàng hóa.

Sự kiện: Chào mừng GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này trước thềm Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương 2016.

 Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP. Hà Nội. Ảnh Huy Hùng

Trong chặng đường 20 năm Giải thưởng Chất lượng quốc gia, có rất nhiều DN tại Hà Nội được nhận giải thưởng. Xin ông cho biết sự thay đổi lớn nhất của DN sau khi đạt giải là gì?

Ông Mạc Quốc Anh: Trong những năm qua đã có rất nhiều DN trên địa bàn Hà Nội tham gia và đạt giải thưởng danh giá này. Cho đến nay, các DN là các mặt hàng chủ lực của Hà Nội đều tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Trong đó có những doanh nghiệp uy tín với doanh thu vượt mức họ đã đề ra như Tập đoàn Sunhouse, tập đoàn Tân Á Đại Thành với doanh số vượt 30%. Các sản phẩm sau khi được nhận giải thưởng đã được phổ rộng trên 63 tỉnh thành, được sự tin tưởng của người tiêu dùng trên khắp cả nước và dần dần xâm nhập vào thị trường nước ngoài như Myanmar hay các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Có thể khẳng định, Giải thưởng Chất lượng quốc gia giống như một con thuyền mang bản lĩnh, sự tự tin của DN ra thị trường, ra với thế giới. Cùng với đó  giúp các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với thị trường nước ngoài.

Ngoài vấn đề chất lượng, năng suất cũng là thách thức đối với DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Vậy DN Việt Nam đang có vị trí như thế nào về năng suất chất lượng trong thị trường khu vực và thế giới?

Ông Mạc Quốc Anh: Năm 1995 Việt Nam tham gia ASEAN và 2006 tham gia WTO với việc ký hàng loạt hiệp định thương mại chứng tỏ sản phẩm Việt Nam đạt được tiêu chuẩn quốc gia và thế giới. Về năng suất, DN không chỉ đáp ứng nhu cầu của 90 triệu dân trên khắp cả nước mà còn phải đáp ứng số lượng, sản lượng, năng suất mà thị trường quốc tế yêu cầu. Trong thời gian qua, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sản xuất các mặt hàng như giầy da, may mặc, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ, hàng tiêu dùng đảm bảo chất lượng và năng suất bằng cách đưa khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất. Họ đảm bảo nguyên liệu đầu vào để 100% hàng hóa có chất lượng giống nhau.

Mặc dù chúng ta cũng còn khoảng cách khá xa về vấn đề năng suất lao động so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân chín của tình trạng năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thể lực người lao động kém, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp v.v...

Để cải thiện vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta cần giải được bài toán khó vốn đang là đề tài nổi cộm hiện nay mà vì thế mới phải có những việc lớn như tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân và FDI, tăng cường hòa nhập với nền kinh tế thế giới.

Sẽ có 77 doanh nghiệp được trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia(VietQ.vn) - Sẽ có 77 doanh nghiệp được trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và 3 doanh nghiệp được Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2016.

Hiện nay các DN vừa và nhỏ Hà Nội đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng như thế nào? Xin ông cho biết các mô hình tiêu biểu?

Ông Mạc Quốc Anh: Hiện nay các DN Hà Nội về các ngành chủ lực như cơ khí, may mặc, ngành hàng thời trang áp dụng chỉ số ISO. Với các chỉ số ISO như vậy, họ đảm bảo đầy đủ các yếu tố từ mặt quản trị nguồn nhân lực đến các tiêu chí của sản phẩm như chất lượng do quốc tế quy định cũng như các cơ quan quản lý và chức năng của Việt Nam quy định. Để có thể thâm nhập vào thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, quy định về chất lượng do cơ quan quản lý đưa ra.

Bởi vì với một sản phẩm, nếu doanh nghiệp muốn đưa ra tiêu thụ thì phải có đầy đủ giấy chứng nhận của các cơ quan quản lý nhà nước hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn do quốc tế đưa ra.

Mô hình tiêu biểu là tập đoàn Tân Á Đại Thành. Họ đã áp dụng cách công cụ cải tién năng suất như 5S, giám sát quản lý công tác nhân sự KPI hơn 10 năm nay. Từ những công cụ quản lý và tiêu chuẩn do nhà nước đưa ra, họ đã có một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm với chất lượng cao.

Ông có thể cho biết những thành công mà DN thủ đô đạt được trong năm qua, và những khó khăn mà DN đang phải đối diện?

Ông Mạc Quốc Anh: Điểm thành công nhất trong năm vừa với các DN vừa và nhỏ là đã cấu trúc lại về mặt nhân sự, cơ cấu lại các nguồn vốn tìm kiếm các giải pháp về vốn; ngoài nguồn vốn từ ngân hàng nhiều đơn vị còn thông qua phát hành trái phiếu và huy động các nguồn vốn nước ngoài, đầu tư thiết bị trang thiết bị máy móc…

Thành công nữa là DN đã chủ động trong công tác thị trường, tìm kiếm khai thác nguồn nguyên liệu mới bên Hàn Quốc, Châu Phi…

Bên cạnh những thành công cũng còn nhiều khó khăn, đó là tại các thị trường lớn, doanh nghiệp Việt gặp khó khăn về mặt pháp lý, hàng rào thuế quan do các nước có bảo hộ cao so với Việt nam. Và đặc biệt DN cũng chịu thiệt thòi khi chưa được tham dự chuổi cung ứng, giá trị toàn cầu. Thêm vào đó, thị trường nội địa hiện nay có sức mua yếu, hàng tồn kho còn nhiều, lương cũng tăng…đó là khó khăn lớn nhất hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Uyên (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang