Ông Trần Hùng: Vấn nạn hàng giả đang phá hoại niềm tin của người dùng

authorThái Đạt 11:57 26/03/2018

(VietQ.vn) - "...Đến cả thuốc chữa bệnh cũng làm giả được thì tôi cho rằng đó là tận cùng của sự tán tận lương tâm" - Đó là nhận định của ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Sự kiện: Hàng giả

Vấn nạn đó, cũng được ông Trần Hùng nhắc đi nhắc lại tại một cuộc họp với các cơ quan liên ngành mới đây.

Lừa cả dân nghèo thì đúng là ‘tán tận lương tâm’

Theo ông Hùng, trong thời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng nhái và xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp. Rất nhiều sản phẩm đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe đời sống của hơn 60 triệu người dân Việt Nam, kể cả vật nuôi, cây trồng và gây bức xúc trong dư luận như: Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, mỹ phẩm giả, phân bón giả, vật tư nông nghiệp giả… trong đó chủ yếu tác động mạnh tới những người yếu thế, những người nghèo.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương 

Tại các vùng quê từ miền đồng bằng cho tới miền núi, vùng sâu vùng xa gần như toàn hàng giả, hàng nhái. Tại các đô thị, thành phố lớn vốn có lực lượng liên ngành phối hợp hùng mạnh, song tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn công khai tồn tại thì nói gì tới vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

“Vậy, ai bảo vệ những người yếu thế này?” - ông Hùng đặt câu hỏi.

Dẫn chứng vụ việc của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong), ông Hùng cho biết: “Trong số 19 mẫu/29 mẫu phân bón đi giám định, qua 2 lần trưng cầu giám định thì “chất chính” đều dưới 70%, thậm chí có chất chưa được 10%. Căn cứ theo Nghị định 185, “chất chính” dưới 70% là giả mạo, và vụ việc này cũng được Bộ KH&CN ký xác định chính xác là hàng giả, nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý”.

Giả từ hình thức, tem nhãn bao bì, giả cả nội dung, công dụng… và từng bị xử phạt hành chính về tội sản xuất hàng giả, nhưng vụ việc của Công ty Thuận Phong vẫn chưa được xử lý. Rất nhiều ý kiến của cử tri và dư luận cả nước quan tâm theo dõi vụ việc này, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa xử lý được. “Vậy thử hỏi, làm sao chúng ta chống được hàng giả!” - ông Hùng nói.

Còn vụ việc của VN Pharma với “Made in Canada”, cả hội đồng giám định thì phát hiện thuốc không được sử dụng cho người, như vậy là giả công dụng, thế mà lại bảo không phải hàng giả.

“Hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng… chủ yếu lừa người nghèo, trong khi người nghèo cũng là số đông chứ thực tế lừa người giàu khó lắm. Người nghèo, người yếu thế đang chịu nhiều thiệt thòi lại còn bị lừa gạt bởi hàng giả làm mất tiền của, thậm chí mất cả tính mạng. Đến cả thuốc chữa bệnh cũng làm giả được thì tôi cho chằng đó là tận cùng của sự tán tận lương tâm.

Một công ty sản xuất kinh doanh quảng cáo thực phẩm chức năng mà ở trong hẻm, ngóc, ngách…thì đã thấy có dấu hiệu làm ăn bất bình thường”, ông Hùng trăn trở.

Người làm công tác chống hàng giả nên tự coi lại mình

Đưa ra ví dụ về phân bón Công ty Thuận Phong, vụ việc thuốc giả VN Pharma,… và khẳng định, các vụ việc đã rõ ràng mà cho đến bây giờ vẫn chưa xét xử hỏi tội, ông Hùng chia sẻ: “Muốn chống được hàng giả thì trước hết phải chống người làm công tác đấu tranh chống hàng giả. Phải có người đủ tâm, đủ tầm, dũng cảm trách nhiệm và phải làm đúng.

Giải thích về điều này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng việc hàng giả, hàng nhái tràn lan một phần xuất hiện từ chính những người làm công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả. Và ở đâu đó, vẫn còn những thành phần tiếp tay, che giấu cho tội phạm.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra kho hàng tại Công ty Thuận Phong.

 Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra kho hàng tại Công ty Thuận Phong.

“Đây cũng sẽ là những vụ việc được Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) và toàn bộ lực lượng quản lý thị trường đặc biệt lưu tâm và dứt khoát đấu tranh, làm rõ” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tới đây, sau khi thống nhất các phương án phối hợp, các lực lượng chức năng liên quan, trong đó có quản lý thị trường sẽ kiến nghị với Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhất cho lực lượng thực thi công vụ.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hùng đã từng nói rất nhiều về tình trạng hiện nay hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, gây mất an toàn chính trị xã hội… Đáng lo nhất là hàng giả âm thầm phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ.

Ông Trần Hùng cũng nhấn mạnh, để tình trạng hàng giả trở thành vấn nạn như hiện nay thì các cơ quan chức năng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, đã có lúc buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp, hợp tác với quần chúng nhân dân… Những người chống hàng giả cũng phải tự nhìn lại mình đã thực sự chuyên tâm chưa?

Bộ Tư pháp: Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất phân bón giả(VietQ.vn) - Công ty CP SX&TM Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa… Đó là nội dung văn bản được Bộ Tư pháp gửi Văn phòng Chính phủ.

“Ở đâu đó vẫn còn có tình trạng cơ quan chức năng tiếp tay cho hàng giả mà báo chí đã phản ánh nên là cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi thật sự cảm thấy xấu hổ”, ông Hùng nói.

Việc buôn lậu hàng giả, hàng nhái diễn ra nhiều ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM), các tỉnh biên giới phía Đông Bắc, phía Tây Nam, miền Trung, các vùng tiếp giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia. Những đối tượng buôn lậu có thủ đoạn, hành vi rất gian xảo, tinh vi nên lực lượng Quản lý thị trường cũng gặp phải nhiều khó khăn.

"Chúng tôi kiên quyết đấu tranh với những sai phạm của các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng nhái, xử lý theo pháp luật. Tôi khẳng định "không có vùng cấm" trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trong thực thi nhiệm vụ này", Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho hay.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang