Ông trùm hé lộ luật giang hồ đẫm máu

author 07:15 03/01/2014

Sau khi tách khỏi sự quản lý của Mai Sa Cảng, mối quan hệ của Bắc Kỳ Con với băng nhóm này ngày càng trở nên gay gắt vì miếng cơm manh áo.

Lúc bấy giờ, những băng nhóm khét tiếng như Hòa Răm Bô ở quận 5, Minh pê đê, Dũng Dỗ người Hải Phòng, Bóng Chày... cũng được bà Mai Sa Cảng thuê về với quyết tâm hạ gục Bắc Kỳ Con. Sau lần thoát chết trong gang tấc và suýt phải vào tù, Hướng mới chiêm nghiệm lại giá trị của cuộc sống. Sau một cuộc gặp gỡ định mệnh, cuộc đời Hướng chuyển sang một bước đi khác.

 
Anh Phạm Văn Hướng tại xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của mình.

“Luật” thanh trừng với đòn cân não
Phạm Văn Hướng cho biết, cuộc chiến tranh quyền đoạt vị của giới giang hồ nảy lửa giữa các băng nhóm nhiều khi không đáng sợ bằng những “sóng ngầm” đang diễn ra ngay chính trong băng đảng và ngay chính giữa các anh em từng kề vai sát cánh với mình.
Đó là vào một buổi chiều tháng 8/2002. Trong lúc chuẩn bị xuất quân “đi làm”, Hướng nhận được tin từ “người cố vấn” rằng trong ngày hôm nay phải dừng lại mọi hoạt động. Anh bảo: “Tôi tình cờ biết được một người phụ nữ xem bài Tây rất giỏi, đã không ít lần nhờ bà ấy mà tránh được nhiều sự cố, nên giao công việc cố vấn. Vì thế, sau khi nghe bà ấy truyền tin nói mọi việc hôm nay đều nghỉ thì tôi lập tức cho mọi người nghỉ ngơi”.
Hơn 10h tối, Đức - người đồng hương, cũng là người thân cận với Hướng gọi điện bảo tìm được mối làm ăn hơn 100 triệu đồng nhưng anh cương quyết không làm. Nhưng thì Đức quyết tâm làm, hắn còn quả quyết đã tính rất kỹ, sẽ không xảy ra chuyện gì. Hướng nhớ lại: “Dù tin tưởng Đức nhưng có một chút linh cảm không tốt khiến tôi lòng như lửa đốt. Tầm 1h đêm, Đức gọi điện về, giọng hốt hoảng bảo rằng bị bắt hết. Ban đầu, tôi còn tưởng bị công an bắt sau mới biết chính là bà Mai Sa Cảng cho quân bắt”.
Toàn bộ đàn em bị nhốt tại một khách sạn lớn ở Sài Gòn. Vì toàn bộ anh em bị bắt hết nên Hướng phải đích thân đến đó theo địa chỉ được báo. Trước khi đi, Hướng với tay lấy bộ vest đen, buộc tóc cao lên và không quên giấu con dao nhỏ trong chiếc tất trái. 
Vòng vèo qua ngõ ngách, anh đến được căn nhà của bà Mai Sa Cảng. Đó là ngôi nhà 4 tầng khang trang. Hương bấm điện thoại gọi cho ông Bình - chồng bà Mai Sa Cảng. Sau vài hồi chuông đổ, một người đàn ông xanh xao, dáng ẻo lả, đôi tay dài ngó từ trên tầng hai của ngôi nhà xuống gọi anh lên bằng lối phía cửa ngách. Lần qua cầu thang tối, anh lên được căn phòng số 2. Trong căn phòng, ngồi đối diện anh là vợ chồng Mai - Bình, xung quanh là những băng đảng khác được thuê. Tất cả đều biết nhau hết, nhưng cả bọn không ai manh động, chờ lệnh của chủ. Sau một lúc im lặng, Minh pê đê lên tiếng: “Xin lỗi chú, anh biết chú là ai nhưng anh phải làm vì anh đã nhận”. Vừa dứt lời, Minh pê đê túm tóc Bắc Kỳ Con ngược về phía trước, đầu đập xuống bàn.
Sau đó hắn nói tiếp: “Anh chị Mai Bình đã bỏ rất nhiều tiền và thời gian để xây dựng được đội ngũ này. Ở trong nghề thì chú đã biết, mỗi một quân trị giá bao nhiêu, chú sở hữu bao nhiêu quân thì chú đã rõ. Vì thế, chú có 2 lựa chọn, hoặc là trả bằng tiền để chuộc quân hoặc là bỏ nghề”. Ngẫm thấy tình thế đang bất lợi với mình, Hướng xin bà Mai Sa Cảng đến 10h sáng ngày hôm sau sẽ có câu trả lời.
Trên đường trở về, anh gọi cho ông Hà - người bạn già thân cận thường chia sẻ với anh nhiều chuyện trong cuộc sống. Sau đó, được một số người tư vấn, vạch đường chỉ lối, Hướng trở lại nhà của vợ chồng Mai Bình. Bằng một thái độ khác hẳn ban đầu, anh nói: “Em sẽ khai với cảnh sát tất cả mọi thứ, những thứ tài sản còn lại của anh chị”. Bình thường ông Bình cực kỳ trầm tính,  nhưng nghe Hướng nói vậy ông ta bị sốc, thở hắt mạnh, miệng lắp bắp không thành tiếng. Ông Bình ngồi phịch xuống một lúc, cả hai ngồi nửa tiếng và không ai nói năng gì. Trước lúc ra về, Hướng bảo: “Trước 4h chiều nếu không có tin gì mới thì em sẽ khởi kiện còn anh sau này thế nào thì anh tự biết”. Hướng về được 1 tiếng thì  Đức gọi điện bảo được thả rồi. Từ sau vụ đó, đại ca Bắc Kỳ Con lại càng nổi tiếng.
Lang bạt xứ người, “ngộ” đường về nẻo thiện
Sau lần hạ gục băng nhóm của bà Mai Sa Cảng, Bắc Kỳ Con quyết định bỏ nghề. Vào thời điểm năm 2002, hàng bãi của Nhật lên ngôi. Nhờ vào sự quen biết, anh tìm mua được đồ bãi của Nhật và mang về Việt Nam bán được giá và giàu lên nhanh chóng. Anh bảo: “Đồng tiền có sức hút ghê gớm lắm. Khi đầu mối cung cấp hết sạch hàng mà bên ta vẫn chuộng và mua rất nhiều thì tôi mới bắt đầu nảy ra kế kiếm tiền. Tôi cho nhập hàng Trung Quốc về lắp ráp, sửa chữa lại một chút, hàng vẫn đắt như tôm tươi”.
Trong suốt khoảng thời gian từ bỏ xã hội đen, anh đã làm nhiều nghề. Hướng kể: “Tôi thay đổi công việc chóng vánh, cái gì thích thì tôi làm. Tôi bắt đầu từ hai bàn tay trắng, sướng khổ gì cũng đã trải qua nên mỗi khi phá sản tôi lại làm từ đầu”. Hướng từng mở một quán cà phê tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ, Sài Gòn đã là một điểm ăn chơi sầm uất, các quán cà phê mọc lên như nấm. Hướng thấy được tiềm năng phát triển của những quán cà phê này nên đã thuê lại mặt bằng, vẫn giữ nguyên đội ngũ quản lý nhưng tạo được sự liên kết giữa các cửa hàng quy tụ về một mối. Bởi vậy, các cửa hàng làm ăn rất hiệu quả.
Tháng 10/2004, Hướng gặp lại người bạn cũ từ Bắc đi nhận hàng chuyển từ cảng biển của Nhật về Sài Gòn. Mọi hàng hóa từ cảng Nhật Bản khi về đến cảng Việt Nam, phía bên kia hết trách nhiệm, tất nhiên phí dịch vụ thì không hề ít. Khi nghe người bạn kể về công việc của mình, anh Hướng rất muốn sang đó để xem họ làm việc.
Trên boong tàu, hai người được bố trí vào làm phụ bếp cho một bếp trưởng người Nhật. Trong lúc nghỉ ở cảng Thái Lan, anh Hướng và bạn xuống cảng để xem, nào ngờ những thủy thủ còn lại không biết lúc tàu nhổ neo đã không kịp gọi. Sau 15 ngày lưu lạc tại cảng Thái Lan, Hướng may mắn gặp được một người Việt Nam làm nghề bốc dỡ hàng và được người này giúp đỡ tận tình. Suốt mấy ngày đó, Hướng được nghe kể về những gia đình bị lũ cuốn chết hết, chẳng còn người thân nên cứ ở trên tàu không về quê nữa. Xúc động về những câu chuyện tình người, Hướng nảy sinh ý nghĩ làm sao để làm việc có ích hơn.
Về Sài Gòn, Hướng thuê một biệt thự 4 tầng thực hiện việc cai nghiện cho 20 “anh em” của mình. Bên trong có đầy đủ tiện nghi như một “trang trại cai nghiện sang trọng”. Tất cả các cửa đều được thay khóa chắc chắn, hàng ngày có người đưa cơm phục vụ. Hướng bảo: “Tôi cắt tóc ngắn, tôi quyết tâm rời xa đất Sài Gòn từ đó, chấm dứt cuộc sống lang bạt. Tôi xây dựng biệt thự cai nghiện cho anh em là để trả nợ đời, trả lại tất cả cho đất Sài Gòn”.
Sau đó, Hướng về Thái Bình làm lại cuộc đời và sau một thời gian dài cuộc sống của anh đã thay đổi. Giờ đây, khi đã trở thành doanh nhân trẻ của tỉnh Thái Bình với thu nhập 4 tỷ đồng/năm, Hướng không còn bận lòng với quá khứ. Ông Phạm Văn Tấn, bố của Hướng ngậm ngùi chia sẻ: “31 tuổi đầu với nhiều sóng gió cuộc đời, nó trưởng thành lên rất nhiều. Nhớ lại hồi nó mới về Bắc, tôi còn sợ nó phá phách. Giờ thấy nó công việc ổn định, lấy vợ và có 2 đứa con kháu khỉnh, tôi cũng mừng”.

Theo DSPL

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang