OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục giảm mạnh

author 07:05 11/04/2020

(VietQ.vn) - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác của họ đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm quy mô sản xuất nhằm hạn chế tình trạng giá dầu giảm sâu trên thế giới. Đây được coi là một trong những biện pháp cần thiết trong bối cảnh nhu cầu về dầu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cắt giảm 10-15 triệu thùng mỗi ngày

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới mọi mặt của nền kinh tế thế giới đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu mỏ. Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ dầu đã sụt giảm đáng kể do nhiều nhà máy, khu sản xuất, nhiều tuyến giao thông vận tải buộc phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã đi đến quyết định chung sẽ cắt giảm quy mô sản xuất để tránh tình trạng giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn.

Theo thông tin trên tờ CNBC News, các nhà đầu tư Phố Wall hiện đang chờ đợi những thông tin chi tiết về việc cắt giảm sản lượng từ OPEC và đối tác của họ sau cuộc họp trực tuyến giữa các quốc gia này vào ngày 9/4. Động thái này cũng khiến giá dầu của Mỹ giảm hơn 9% so với mức tăng hơn 12% trước đó.

Và trước khi cuộc họp diễn ra, các nhà đầu tư Phố Wall đã biết tới thông tin về việc cắt giảm 10 đến 15 triệu thùng mỗi ngày sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và tin rằng sẽ công bố một thỏa thuận chung về cắt giảm.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, ông Dan Brouillette trả lời CNBC: "Tôi nghĩ rằng OPEC và Nga có thể dễ dàng đạt tới thoả thuận 10 triệu/thùng, thậm chí cao hơn và chắc chắn cao hơn nếu bao gồm các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác như Canada và Brazil".

Theo ông Kilduff, OPEC và các đồng minh đang cố gắng cùng nhau cắt giảm sản lượng khá lớn để tăng giá dầu. Hội nghị trực tuyến lần này sẽ quyết định tương lai của thị trường dầu mỏ. "10 triệu thùng/ngày là mức cắt giảm tối thiểu cần thiết để ổn định tình hình dầu mỏ", ông Kilduff nhấn mạnh.

Nhu cầu về sử dụng dầu trên thế giới thời gian qua giảm mạnh do tác động từ dịch Covid-19. Ảnh minh họa 

Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran cũng cho biết thêm, OPEC sẽ hạn chế sản xuất 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6. Sau đó, giảm xuống mức 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến cuối năm 2020 và 6 triệu thùng/ngày vào năm 2021.

Ông Bjornar Tonhaugen, quản lý bộ phận phân tích dầu mỏ của Rystad Energy nói: “10 triệu thùng/ngày có thể giúp thị trường không lấp đầy kho trong thời gian ngắn, nhưng tình trạng dư nguồn cung dầu mỏ vẫn xảy ra”.

Các vị Bộ trưởng phụ trách về năng lượng của G-20 cũng sẽ triệu tập thêm cuộc họp bất thường vào những ngày tới. Chủ tịch G-20 cho biết, cuộc họp được tổ chức để thúc đẩy đối thoại và hợp tác toàn cầu để đảm bảo thị trường năng lượng ổn định và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh

Theo thống kê thực tế từ OPEC, giá West Texas (một loại dầu thô được sử dụng làm mức chuẩn trong giá dầu) đã giảm 9,29%, hiện ở mức 22,76 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất là 28,36 USD/thùng. Dầu thô Brent giảm 4,14% xuống mức31,48 USD/thùng, sau khi chạm mức 36,40 USD/thùng trước đó.

Tổng thư ký của OPEC, ông Mohammad Barkindo nói: "Dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế. Cung và cầu của dầu mỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng".

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra nhận định rằng, sự suy giảm nhu cầu của người dùng đã dẫn đến việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Mỹ khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2020.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá dù đạt được thỏa thuận cắt giảm dầu thì trên thực tế, giá dầu vẫn ở mức thấp hơn trong thời gian tiếp theo do sự phá hủy cung cầu của dịch Covid-19. “Nếu đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, điều này chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng trong thời gian ngắn, nhưng sự tăng giá đó không kéo dài lâu do quy mô của sự mất cân bằng nhu cầu của thị trường”, ông Tonhaugen đánh giá.

Bảo Linh (Theo CNBC News)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang