"Petrolimex lâu nay vẫn quen làm mình làm mẩy"

author 11:01 21/08/2013

(VietQ.vn) - “Mặc dù lãi lớn nhưng vẫn kêu thua lỗ để đòi tăng giá bán xăng, đó là cách mà Petrolimex lâu nay vẫn quen ‘làm mình làm mẩy’ đối với cả Nhà nước lẫn người tiêu dùng", bà Phạm Chi Lan nhận định.

"Nhiều người nói rằng cơ chế bán xăng dầu của ta theo “cơ chế tin đồn”, nghĩa là mập mờ, thiếu minh bạch"

Kinh doanh xăng dầu theo “cơ  chế tin đồn”

Bà Phạm Chi Lan (nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) cho biết: “Trong những ngày gần đây, dư luận lại ‘nóng’  chuyện Petrolimex từ đầu năm đến nay lãi lớn, lãi lên đến nhiều tỷ  đồng song vẫn luôn kêu thua lỗ để để đòi tăng giá bán xăng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2013 mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì 6 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Petrolimex đạt 898 tỷ đồng.

Trong đó, lợi nhuận từ mặt hàng xăng dầu chiếm 43%. Mặc dù Petrolimex luôn phát đi thông tin kinh doanh xăng dầu khó khăn, nhưng theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này thì mức lãi không hề nhỏ. Đây là một điều rất lạ nhưng thực ra cũng… không lạ”.

Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Nhiều người nói rằng cơ chế bán xăng dầu của ta theo “cơ chế tin đồn”, nghĩa là mập mờ, thiếu minh bạch. Nếu để ý thì sẽ thấy rằng cứ mỗi khi doanh nghiệp kêu thua lỗ, chỉ một thời gian ngắn sau đó là xăng dầu lại rậm rịch tăng giá và xuất hiện tin đồn.

Khi các cơ quan chức năng còn chưa phản  ứng thì các đại lý bán lẻ đã có động thái găm hàng, chờ tăng giá bán. Phải nói rằng đây là động thái không phải mới, thực chất các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang diễn lại trò cũ của mình đó là ‘làm mình làm mẩy’ với Nhà nước và người tiêu dùng để gây sức ép và tăng giá bán xăng dầu trên thị trường”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Cũng có ý kiến cho rằng việc tin đồn xuất hiện do vấn đề bảo mật thông tin của ta kém,… tôi cho rằng không hẳn như vậy.

Phải khẳng định: về  bản chất, tin đồn là không có thực, nhất là  việc tăng giá bán xăng dầu chưa hề có thông tin công bố chính thức từ phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở đây nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo lắng là bởi những ‘tiền lệ’ đã xảy ra và lặp đi lặp lại quá nhiều từ những năm trước đó.

Khi giá xăng dầu thế giới khẽ nhích lên lập tức doanh nghiệp kinh doanh trong nước kêu thua lỗ và đòi tăng giá bán, rồi lại xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ xăng dầu. Và cũng mỗi lần doanh nghiệp ‘làm mình làm mẩy’ như vật thì các cơ quan quản lý của nhà nước lại xem xét, điều chỉnh, và lại đồng ý cho tăng giá bán. Chính vì ‘tiền lệ’ đó mà người tiêu dùng lo lắng.

Vấn đề có phải do rò rỉ thông tin về việc tăng giá và cần bảo mật thông tin hay không thì theo tôi là không. Ở đây, thông tin về việc điều chỉnh giá bán xăng dầu (nếu có) thì nên thực hiện công khai, minh bạch, nó không phải là vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng – an ninh hay những bí mật quốc gia khác nên không cần bảo mật”.

Lỗ hổng lớn trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Theo bà Phạm Chi Lan, trong những năm qua, giải pháp tăng giá bán xăng dầu trong thị trường nội địa mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước kêu thua lỗ được áp dụng “khá phổ biến” và “có phần ào ào”, thiếu “tính toán kĩ càng”.

“Việc tăng giá bán xăng dầu trong nước lâu nay tiến hành khá ào ào mà thiếu sự cân nhắc tính toán kĩ. Trước hết cần phải xem xét việc tăng giá bán xăng dầu có cần thiết hay không, ngoài giải pháp tăng giá vẫn còn những giải pháp khác có thể áp dụng sao lại không dùng. Doanh nghiệp kêu thua lỗ nhưng thua lỗ ở mức nào, đã đến mức phải tăng giá bán hay chưa, số liệu kinh doanh cụ  thể,… Tôi nghĩ trong vấn đề này, các cơ  quan chức năng nhà nước đã làm chưa tốt.

Trong mấy năm qua, không biết bao nhiêu lần các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước tìm mọi cách để gây sức ép lên nhà nước và người tiêu dùng, tôi nghĩ hơn ai hết, chính các cơ quan chức năng quản lý kinh doanh xăng dầu đã có "quá nhiều kinh nghiệm"’ trong vấn đề này, vậy mà không hiểu sao vẫn mắc phải những "tiền lệ" đã có”, bà Lan nói.

“Thường thì khi xuất hiện tin đồn sắp tăng giá xăng dầu, khi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bắt đầu có động thái gây sức ép để đòi tăng giá thì các cơ quan chức năng nhà nước quản lý lĩnh vực này cần sớm có phản ứng, ít nhất như một thông báo chính thức chẳng hạn để người tiêu dùng an tâm và để ổn định lại thị trường, nhưng lại tỏ ra quá chậm trễ trong việc này.

Ở đây, việc điều chỉnh giá bán xăng dầu các cơ quan quản lý như Bộ tài chính chẳng hạn, hoàn toàn có thể độc lập ra quyết định về việc tăng hay không tăng giá bán, đâu phải đợi đến việc trình lên Chính phủ và chờ Thủ tướng quyết định.

Lâu nay các cơ quan chức năng quản lý kinh doanh xăng dầu dường như mắc ‘căn bệnh ỉ lại’, bất kể vấn  đề gì cũng phải chờ Thủ tướng quyết  định. Theo tôi, đó là do đã không làm tròn vai trò trách nhiệm quản lý của mình”.

“Mặc dù lãi lớn nhưng vẫn kêu thua lỗ để đòi tăng giá bán xăng, đó là cách mà Petrolimex lâu nay vẫn quen ‘làm mình làm mẩy’ đối với cả Nhà nước lẫn người tiêu dùng. Vấn đề là trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn quá nhiều lỗ hổng nên doanh nghiệp mới có thể tự tung tự tác như thế”, bà Lan nhận định.

Trường Giang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang