PGS.TS Trần Chủng: Nhiều công trường toàn lao động 'đội nón, đi dép lê'

author 15:37 14/05/2015

"Nhiều nhà thầu chính cho thầu phụ vào thi công mà không kiểm soát nghiêm túc chất lượng thợ. Hồ sơ khai là thợ xây dựng bậc 6-7 song ra công trường toàn người "đội nón, đi dép lê", thực chất là lao động nông nhàn", PGS.TS Trần Chủng, nhận xét.

Trao đổi với PV sau hàng loạt sự cố mất an toàn lao động trên các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần xem xét vai trò của chỉ huy, lãnh đạo công trường. Những người này chưa làm đúng trách nhiệm của mình.

Theo PGS.TS Trần Chủng, tất cả công việc thi công đều phải có phương án đảm bảo an toàn lao động, thiết bị phải được kiểm định, thợ có trình độ phù hợp. Trường hợp cần cẩu sập hay thành cừ sắt rơi trên công trường thi công tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đều do công nhân thao tác sai và làm ẩu. Thực trạng đó cho thấy, khâu giám sát năng lực con người chưa thực hiện tốt.

Công trường thi công đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh. 

Ngoài ra, tình trạng nhà thầu sử dụng lao động phổ thông không qua đào tạo trong các công việc kỹ thuật phức tạp cũng rất đáng lo ngại vì không chỉ liên quan tới chất lượng công trình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn lao động. "Xây dựng là ngành yêu cầu lao động phải có tay nghề, song hiện nay nhiều nhà thầu chính cho thầu phụ vào làm việc mà không kiểm soát nghiêm túc chất lượng người thợ. Hồ sơ thầu thường viết rất đẹp, sử dụng thiết bị hiện đại, song thực tế ra công trường là thiết bị cũ. Hồ sơ khai là thợ xây dựng bậc 6-7, song ra công trường toàn người "đội nón, đi dép lê", thực chất là lao động nông nhàn", ông Chủng nói.

Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Chủng, với đặc thù thi công trong nội đô, không thể cấm người dân tham gia giao thông nên nhà thầu phải quan tâm đến bối cảnh giao thông đô thị khi lập phương án tổ chức thi công. Ví dụ, các công việc cẩu lắp, vận chuyển… cần thực hiện tại thời điểm mật độ giao thông thấp nhất. Biện pháp thi công công trình giao thông trong đô thị khác với việc thi công công trình ngoài đô thị, trên quốc lộ và chi phí phải lớn hơn.

"Mọi người dân đều ủng hộ việc xây dựng các công trình để phát triển đô thị, nhưng cũng không vì thế mà sẵn sàng chịu đựng rủi ro. Việc người dân bất an do công trình không đảm bảo an toàn là đòi hỏi bức thiết mà các đơn vị tham gia xây dựng phải tự xem xét lại chính mình", ông Trần Chủng nói.

Ông Nguyễn Văn Nhậm, Bộ môn cầu - hầm (Đại học Giao thông) cũng đánh giá, sự việc cần cẩu gẫy khi thi công đặt ra trách nhiệm của người giám sát an toàn và đơn vị thi công. Đơn vị thi công phải kiểm soát cần cẩu trước khi hoạt động, khi làm việc phải có người giám sát, nhất là khi cẩu các vật nặng. Ngoài ra, phải tính đến tập kết cần cẩu thế nào để không vươn ra đường, không ảnh hưởng cộng đồng, thậm chí phải thi công về đêm, giờ thấp điểm để đảm bảo an toàn.

"Nhiều người không tuân thủ quy định xây dựng mà làm việc như một thói quen, đưa tác phong thi công từ công trường vắng vẻ vào thành phố. Sự cố xảy ra tại các công trường vắng có thể không gây ảnh hưởng nhưng rơi một thanh sắt giữa đường phố đông đúc lại là một câu chuyện rất khác", ông Nhậm chia sẻ.

Dưới góc nhìn cơ quan quản lý an toàn lao động, ông Nguyễn Anh Thơ, Cục phó An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Cục sẽ sớm phối hợp với thanh tra lao động cùng các ngành xây dựng, giao thông, lập đoàn kiểm tra tình hình an toàn lao động tại các công trường có sử dụng cần cẩu cũng như các công trường xây dựng tại Hà Nội.

Ông Thơ thông tin, Bộ Lao động đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi sử dụng các loại cần cẩu. Nhưng trong quá trình thi công, nhiều đơn vị vẫn vi phạm như để tay cẩu hoạt động vượt phạm vi an toàn, vượt khung thời gian, vật nâng vượt trọng tải. Người điều khiển cần cẩu không được đào tạo kỹ về vận hành, quy trình sử dụng dẫn đến sập, rơi, tuột nguyên vật liệu ra ngoài, đầu cần cẩu đổ sập gây hoang mang cho người dân.

“Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt, yêu cầu dừng thi công để khắc phục, đối với những vụ tai nạn nghiêm trọng đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm, truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, mức độ xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu răn đe các chủ thầu xây dựng để họ nghiêm túc hơn trong việc sử dụng thiết bị nâng, cẩu. Cục sẽ tham mưu cho Bộ Lao động siết chặt hơn các quy định, quy chuẩn về an toàn của thiết bị nâng, cẩu trong những công trường xây dựng”, ông Thơ nói.

Theo VnExpress


 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang