PGS.TS Ngô Văn Giá: Tháng cô hồn không nên kiêng kỵ thái quá?

authorDương Phương Ngọc 15:38 16/08/2016

(VietQ.vn) - Có nhiều kiêng kỵ trong tháng cô hồn nhưng theo chuyên gia văn hóa Ngô Văn Giá: Đừng quá nặng nề và tin mù quáng để cản trở cuộc sống hàng ngày.

Tháng 7 âm lịch hàng năm còn được gọi là tháng “cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt ngày rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân” - ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.

Theo PGS. TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn – Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội):  Tháng 7 là tháng xá tội vong nhân và báo hiếu cha mẹ, những quan niệm về tháng “cô hồn” là tín ngưỡng dân gian đã có từ thời xa xưa. Thậm chí nó đã đi vào văn thơ, văn tế cô hồn của đại thi hào Nguyễn Du.

Chỉ số đáng lưu ý cho người mua nhà ở Hà Nội và TP. HCM(VietQ.vn) - Người mua nhà lưu ý: Các khu vực Từ Liêm, Hà Đông và Hoàng Mai tiếp tục thu hút các dự án nhà ở giá rẻ nhờ khả năng kết nối, cơ sở hạ tầng và quỹ đất.

“Đây không phải là mê tín dị đoan mà là tín ngưỡng, là niềm tin, tâm thức của con người được truyền qua nhiều thế hệ, do vậy rất khó xóa bỏ. Khi đi vào lối sống hiện đại, niềm tin tín ngưỡng này có sự thay đổi đôi chút, khi xã hội phát hiển, cuộc sống lành mạnh, con người ít phụ thuộc vào tín ngưỡng hơn, nhưng khi xã hội càng loạn lạc, càng bất an, bất trắc thì con người lại càng đặt nhiều niềm tin vào tín ngưỡng” – PGS. TS Ngô Văn Giá nói.

Trong tháng 7 có rất nhiều điều kiêng kỵ được người dân lan truyền trong tháng cô hồn như không được treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập, quấy phá, không động thổ, xây nhà vì sợ gặp xui xẻo, không tùy tiện đốt giấy, vàng mã, khôngphơi quần áo vào ban đêm vì các vong hồn cô đơn, vất vưởng không người thờ cúng sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy, không nhặt tiền rơi vì nếu không sẽ gặp tai họa…

Thậm chí, dân gian truyền tai nhau rằng: Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì những kiêng kỵ dựa trên yếu tố tâm linh, ma quỷ trên chưa hẳn đã hoàn toàn có cơ sở xác thực.

 Tháng cô hồn, nhiều người kiêng tự tiện đốt giấy, vàng mã. Ảnh minh họa: Internet.

Nhà phong thủy học Nguyễn Cung Hà (Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng văn hóa Á Đông) từng giải thích: Sở dĩ người dân kiêng tháng 7 (Âm lịch) không làm nhà, động thổ là bởi tháng 7 (âm lịch) là tháng Ngâu mưa nhiều nên những việc  như: động thổ làm nhà, đổ mái, đi du lịch, khai trương, cưới hỏi... khiến gia chủ rất vất vả.

Mưa nhiều cũng khiến tiến độ xây dựng và chất lượng công trình bị ảnh hưởng nên mọi người tránh động thổ xây nhà vào tháng 7 này. Lâu dần trở thành thói quen trong dân gian. Nhưng mỗi vùng có một điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau nên nhiều nơi có điều kiện họ vẫn làm.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Ngô Văn Giá nhấn mạnh: Quan niệm dân gian trong tháng “cô hồn” xét ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn mang nhiều ý nghĩa trong đó lớn nhất là ý nghĩa nhân văn, giúp con người biết kiêng kỵ, biết hướng tới điều thiện, điều ác.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia văn hóa này cũng nhắn nhủ: Chúng ta không nên quá lệ thuộc vào các tín ngưỡng dân gian trên, bởi nếu kiêng kỵ thái quá sẽ  gây nhiều cản trở, phiền toái trong đời sống thường ngày.

 PGS. TS Ngô Văn Giá, chuyên gia văn hóa. Ảnh: Internet.

“Đừng quá nặng nề, con người vẫn phải sống, phải làm việc, phải nhập cuộc, phải mưu sinh. Đừng tin mù quáng, kiêng kỵ quá mức gây cản trở cuộc sống thường ngày.

Một mặt, con người không nên báng bổ, bài xích, bất chấp, xem thường hay phủ nhận những nét tâm linh này. Mặt khác, mỗi người dân cần phải năng động, tích cực và hướng với thế giới tâm linh một cách hợp lý. Tôi thấy, trong các ngày lễ tết ở Việt Nam có một số phong tục, tập quán kiêng cữ cũng khá thú vị” – PGS.TS Giá nói.

Cũng theo ông Giá: Người dân ở đời sống đô thị ít kiêng kỵ nhưng đối với các vùng sâu, vùng sâu, vùng xa, càng ở miền núi, nông thôn, người dân càng quan niệm tâm linh nhiều hơn kèm theo đó gia tăng các hình thức kiêng kỵ khá đa dạng, phong phú.

Để những tín ngưỡng tâm linh trong tháng “cô hồn” trở thành một nét văn hóa đẹp, theo ông Giá: Vào rằm tháng 7, mỗi gia đình có thể làm một mâm cơm đơn giản để cúng các vong hồn, chúng sinh lang thang, cơ nhỡ, chết oan, chết thảm, vô danh, không ai chăm nom, thờ cúng…

Dưới góc nhìn của ông Giá thì đây là một nghĩa cử tốt vì con người biết hướng tới cái thiện, biết nghĩ cho người khác, làm điều hay và sống tích cực.

Thêm vào đó, trong tháng 7, phong tục Việt Nam còn có lễ vu lan hay còn gọi là mùa báo hiếu.

“Báo hiếu theo kinh nhà Phật là báo hiếu mẹ nhưng thời nay, hiểu rộng ra, đây là lễ báo hiệu cho cả cha lẫn mẹ, những bậc sinh thành. Đây là nét văn hóa tốt, rất nhân văn, là yếu tố văn hóa tích cực mà xã hội hiện nay nên trân trọng.

Với 2 nét tín ngưỡng là cúng cô hồn và báo hiếu cha mẹ, tôi nghĩ chúng ta cứ nên duy trì để thấy cái vô thường của cuộc sống thường nhật. Còn không nên kiêng kỵ những thứ quá phiền toái, cản trở cuộc sống của con người” – ông Giá kết luận. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang