Trẻ có thể nguy kịch vì người lớn cho uống oresol theo cách này

author 18:03 25/03/2018

(VietQ.vn) - Oresol là lựa chọn hàng đầu khi mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn hoặc sốt. Tuy vậy, nếu pha sai tỷ lệ có thể làm cho trẻ bị ngộ độc muối.

Theo báo Pháp Luật Việt Nam, oresol (ORS) được sử dụng khá phổ biến, nhất là với các bệnh nhi, khi trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn, cha mẹ thường hay sử dụng loại thuốc này để bù nước và điện giải. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều nghĩ rằng ORS rất dễ sử dụng, bởi đơn giản chỉ với những thao tác mua về, xé gói bột, pha nước và uống là xong. Chính từ những sự nghĩ đơn giản đó đã vô tình khiến nhiều trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bởi theo các chuyên gia ORS pha đặc một chút cũng hại, pha loãng một chút cũng nguy.

Pha oresol theo cách này coi chừng bị ngộ độc muối

Pha sai tỷ lệ oresol dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa 

Thực tế, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận một bệnh nhi ngộ độc muối do người nhà cho uống ORS quá đậm đặc, không đúng quy định khiến trẻ bị phù não cấp tính nặng. Trước đó, bệnh nhi bị tiêu chảy và nôn ở nhà, mẹ bé đã cho con uống hết hơn 3 gói ORS bằng cách pha từng ít một ra chén và cho con uống liên tục vì thấy con vẫn khát. Không chỉ riêng đối với bệnh nhi, trên thực tế, nhiều người lớn vẫn duy trì thói quen sai lầm này.

Khi pha quá đặc, người lớn uống thấy mặn có thể nhổ ra ngay nhưng với trẻ nhỏ vẫn uống bình thường. Vì mặn nên càng uống trẻ càng khát, càng khát lại càng đòi uống và được cho uống dung dịch ORS nhiều hơn, khiến trẻ rất dễ bị ngộ độc muối. Do lượng muối đi vào máu nhiều hơn bình thường, áp lực thẩm thấu của máu cao lên, nước từ trong tế bào đi ra ngoài nhiều hơn, vì thế màng tế bào sẽ bị teo lại dẫn đến hiện tượng da nhăn, môi khô, mắt trũng, niêm mạc lưỡi khô, nước tiểu ít, đặc biệt là sốt cao không rõ nguyên nhân, rối loạn nhịp thở, kèm theo các biểu hiện thần kinh nổi bật như rối loạn tri giác (kiểu ngủ gà xen kẽ với từng cơn kích thích vật vã, co giật, tăng phản xạ gân xương...). Nguy hiểm nhất là gây phù não cấp dẫn đến hôn mê.

Xót xa bé gái 7 tuổi làn da như 'bỏng nặng' vì uống thuốc không rõ nguồn gốc(VietQ.vn) - Sau khi uống thuốc không rõ loại tại phòng khám tư nhân, bé gái 7 tuổi đã bị dị ứng thuốc phát ban toàn thân, làn da giống như bị bỏng nặng.

Khi dùng dung dịch ORS để bù nước và muối cho trẻ tiêu chảy, sốt, nếu thấy các dấu hiệu như vừa nêu (khát dữ dội, môi khô, mắt trũng, ngủ gà hoặc sốt, co giật….) cần ngừng không cho trẻ uống thêm dung dịch ORS và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu vì trẻ có thể bị ngộ độc muối do uống dung dịch ORS pha đặc quá. Người nhà của trẻ hoặc cô nuôi dạy trẻ không nên cho trẻ uống tiếp dung dịch ORS khi trẻ khát, đòi uống bởi tính mạng của trẻ có thể bị đe dọa nếu tiếp tục cho uống ORS pha đặc quá.

Vì vậy, cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha của gói thuốc về lượng nước phù hợp. Để pha đúng tỷ lệ cần phải có dụng cụ đo (cốc thủy tinh 200ml có chia vạch hoặc cốc thuỷ tinh 500ml, có chia vạch, tốt nhất là cốc 1.000ml, có chia vạch).

Nếu pha quá loãng giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, không có tác dụng bù nước và nuối. Nếu pha đậm đặc với ít nước sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Cần lưu ý là không được chia gói ORS ra làm nhiều phần, làm như vậy sẽ làm sai lệch tỷ lệ các chất có trong gói thuốc ORS và khi uống ORS sẽ không có tác dụng chữa bệnh (bù nước và chất điện giải).

Cần dùng nước đun sôi để nguội để pha, sau khi khuấy tan hết hoàn toàn thuốc ORS trong nước rồi mới cho trẻ uống. Tuyệt đối không được pha thuốc với sữa, nước trái cây, không cho thêm đường hoặc các loại thuốc khác.

Không pha ORS với nước khoáng, bởi vì trong các loại nước khoáng đã có sẵn các thành phần muối làm sai lệch nồng độ của thuốc sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng khả năng ngộ độc muối, không nên dùng các thực phẩm chức năng bù nước điện giải thay thế ORS.

Minh Châu (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang