Phải làm gì khi trẻ bị dị ứng thức ăn?

author 16:09 08/10/2015

(VietQ.vn) - Có đến 50% trường hợp dị ứng thực phẩm hay dị ứng thức ăn thuộc về trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Trứng, sữa, hoa quả bất kỳ một thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng cho trẻ, nguyên nhân rất khó nhận biết. Vậy nên xử trí như thế nào nếu trẻ nhỏ có biểu hiện dị ứng ?

Sự kiện: Chăm sóc trẻ

Kể từ lúc ra đời, bé bắt đầu tiếp xúc với sữa mẹ rồi đến 6 tháng tuổi thì ăn dặm với rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Có nhiều điều các bà mẹ phải lo đến, như chọn thực phẩm nào tốt, an toàn, chế độ ăn như thế nào là hợp lý. Thêm một điều quan trọng cần lưu ý là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ - dị ứng thức ăn

Thế nào là dị ứng thức ăn?

Dị ứng thức ăn là một phản ứng không bình thường với thức ăn, gây ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Trẻ em có hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu, tính thấm của niêm mạc đường tiêu hóa cao, nếu tiếp xúc với những thức ăn có tính dị nguyên cao thì dễ phát triển thành dị ứng. Thông thường, dị ứng thức ăn gây nên các biểu hiện ở da như ban đỏ, viêm da, mề đay, chàm, đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Một số trường hơp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao. Dị ứng thức ăn nếu không được xử lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó có thể khắc phục được.

Trẻ em dưới 1 tuổi đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm thường là những đối tượng dễ bị dị ứng nhất

Trẻ em dưới 1 tuổi đến khi bắt đầu ăn dặm thường là những đối tượng dễ bị dị ứng nhất

Trẻ em dưới 1 tuổi đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm thường là những đối tượng dễ bị dị ứng nhất vì ở độ tuổi này hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Hiện nay tỷ lệ dị ứng ngày càng gia tăng trên thế giới đặc biệt ở trẻ nhỏ. Dựa vào tiền sử bệnh dị ứng của bố mẹ, có thể xác định được nguy cơ dị ứng của trẻ ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Ví dụ: Nếu cả hai bố mẹ cùng mắc các bệnh dị ứng thì 50-80% con nguy cơ mắc phải.

Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân của nhiều ca dị ứng thức ăn rất khó phát hiện. Tuy nhiên, các bác sĩ đều thống nhất rằng: Sự thay đổi thực phẩm sớm ở trẻ nhỏ có thể gây ra dị ứng bởi cơ thể của trẻ không sẵn sàng đồng hóa mọi loại thức ăn. Sữa có thể là thức ăn chính cho trẻ cho đến bốn tháng tuổi. Một đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường ít bị dị ứng hơn trẻ nuôi bằng sữa bổ sung.

Nguồn thực phẩm sử dụng hiện nay ngày càng có nguồn gốc công nghiệp, và các thành phần của món ăn chế biến sẵn phức tạp hơn là một món ăn chuẩn bị tại nhà. Ví dụ, một món nghiền công nghiệp có chứa dầu thực vật, các chất bảo quản, các chất phụ gia v.v... (trong khi đó một món nghiền ở nhà chỉ có chứa khoai tây, muối, thịt...). Cơ thể của một đứa trẻ không sẵn sàng tiếp nhận một loại thức ăn "phức tạp" đến như vậy.

Một số thực phẩm dễ gây dị ứng

Tôm, cá, sữa bò, trứng, lạc, đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng. Nếu như ở người lớn, thường gặp là dị ứng với tôm, cá thì với trẻ em phần nhiều là dị ứng với sữa bò, trứng và đậu nành là những thực phẩm dễ gây dị ứng. Với những trẻ đang trong độ tuổi bú mẹ, nhiều bà mẹ do sợ thiếu sữa hoặc do đi làm xa nên pha thêm sữa bột cho bé bú dẫn đến bé bị dị ứng với thành phần của sữa. Các phản ứng dị ứng với các thực phẩm không chứa protein hoặc ít protein là hiếm khi xảy ra.

Tôm, cá, trứng, lạc... là những thực phẩm dễ gây dị ứng

Tôm, cá, trứng, lạc... là những thực phẩm dễ gây dị ứng

Triệu chứng, cách xử lý

Những thương tổn nhỏ trên da (mảng đỏ trên mặt hay trên người), ngứa ngáy kết hợp với ỉa chảy hoặc táo bón. Tất cả đều là dị ứng nhẹ nếu các triệu chứng xuất hiện hơn 24 giờ sau khi tiêu hóa bữa ăn. Trường hợp các triệu chứng trên da xuất hiện ngay sau bữa ăn là dị ứng nặng, cần nhanh chóng cho trẻ đi khám. Nặng hơn cả là hiện tượng tim ngừng đập.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dị ứng thức ăn, cần đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dị ứng thức ăn, cần đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt

Vì vậy nên chú ý đến những phản ứng nhẹ nhất đầu tiên xuất hiện ở trẻ, và nhanh chóng cho trẻ đi khám, bạn sẽ tránh được phần lớn các ca dị ứng nặng hơn. Ghi chép thành phần các bữa ăn của trẻ, điều đó sẽ giúp bác sĩ tìm ra tác nhân gây dị ứng. Loại bỏ chất gây dị ứng ra khỏi thực phẩm dành cho trẻ. Phần lớn các lần dị ứng sẽ mất dần khi trẻ lớn lên, nhưng với điều kiện là không tiếp tục cho trẻ ăn nguồn thực phẩm gây dị ứng, nếu không dị ứng có nguy cơ trầm trọng thêm.

Phương Trâm (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang