Phân bậc các nhà khoa học

author 06:28 26/03/2014

(VietQ.vn) - Chức danh nghiên cứu khoa học gồm 4 hạng: nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu. Chức danh công nghệ cũng gồm 4 hạng: kỹ sư cao cấp, kỹ sư chính, kỹ sư, kỹ thuật viên.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến người dân về Quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ.

Theo đó, chức danh nghiên cứu khoa học gồm 4 hạng: nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu. Chức danh công nghệ cũng gồm 4 hạng: kỹ sư cao cấp, kỹ sư chính, kỹ sư, kỹ thuật viên.

Cụ thể, với chức danh nghiên cứu khoa học thì chức danh nghiên cứu khoa học hạng I (nghiên cứu viên cao cấp) là viên chức chuyên môn làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn có độ phức tạp cao của quốc gia, bộ, ngành và địa phương.

Phân bậc các nhà khoa học để khuyến khích cống hiến, đam mêm khoa  học

Phân bậc các nhà khoa học để khuyến khích cống hiến, đam mêm khoa  học

Chức danh nghiên cứu khoa học hạng I phải có trình độ tiến sĩ trở lên, phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu; có trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ cao cấp bậc 5 trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có trình độ tin học ứng dụng tương đương trình độ B trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý khoa học và công nghệ đối với chức danh nghiên cứu khoa học hạng I.

Về chuyên môn, phải nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia, ngành, địa phương. Nắm được các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ và xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong nước và trên thế giới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;

Nghiên cứu viên cao cấp phải có khả năng nghiên cứu sâu về chuyên ngành và nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực chuyên môn; đề xuất, tư vấn và giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược của trung ương và địa phương; khả năng tổng kết thực tiễn, xây dựng và trình bày các báo cáo nghiên cứu khoa học có tính chiến lược trong các hội nghị, hội thảo khoa học quan trọng;  khả năng tập hợp và tổ chức các cá nhân có năng lực để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, phức tạp, khả năng gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất;

Có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn; có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ được giao và hiểu biết rộng về các chuyên ngành có liên quan

Trong thời gian xét (thi) thăng hạng từ chức danh hạng II lên hạng I đạt một trong những yêu cầu sau: đã chủ trì ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia (hoặc chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ và tương đương trở lên) và tham gia ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ và tương đương trở lên được nghiệm thu; là (đồng) tác giả chính hoặc (đồng) chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo, và là tác giả của ít nhất 01 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế có mã số chuẩn quốc tế ISSN (hoặc ít nhất 06 bài báo khoa học công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước nằm trong Danh mục tạp chí chuyên ngành được tính điểm công trình khoa học quy đổi của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước);

Chức danh nghiên cứu khoa học hạng II là viên chức chuyên môn làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, có khả năng tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của quốc gia, bộ, ngành và địa phương. 

Về chuyên môn, nghiên cứu viên hạng II (nghiên cứu viên chính) phải có khả năng đề xuất và xác định hướng nghiên cứu về một vấn đề khoa học và công nghệ. Có tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng tiếp thu, nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Có khả năng tập hợp các cán bộ nghiên cứu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; khả năng tổng kết thực tiễn, xây dựng và trình bày các báo cáo nghiên cứu khoa học, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành cấp bộ, ngành; Có khả năng tổ chức các sinh hoạt học thuật trong nước và tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế...

Thông tư cũng quy định chi tiết với nghiên cứu viên hạng III (nghiên cứu viên) và nghiên cứu viên hạng IV (trợ lý nghiên cứu). 

Còn chức danh công nghệ hạng I (Kỹ sư cao cấp và tương đương) là viên chức chuyên môn kỹ thuật, chịu trách nhiệm thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia, Bộ và tương đương, những vấn đề kinh tế - kỹ thuật tổng hợp liên quan đến nhiều chuyên ngành kỹ thuật của ngành kinh tế kỹ thuật đảm nhiệm.

Chức danh công nghệ hạng II (Kỹ sư chính và tương đương) là viên chức chuyên môn kỹ thuật trong các tổ chức có chức năng thực hiện các hoạt động phát triển, ứng dụng và triển khai công nghệ, chịu trách nhiệm thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật thuộc một lĩnh vực công nghệ cụ thể hoặc những vấn đề kinh tế - kỹ thuật tổng hợp liên quan đến nhiều chuyên ngành kỹ thuật...

Mai Lan




Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang