Phân biệt tỏi đen 'thần dược': Đâu là thật giả?

author 06:26 14/06/2015

(VietQ.vn) - Để phân biệt các loại tỏi đen Lý Sơn, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, người bán chỉ có thể trả lời bằng những cụm từ “gần như nhau, tương đương, ngang nhau...”. Điều này khiến người mua tỏ ra hoài nghi: liệu mình đã tiêu tiền đúng chỗ?

“Thần dược” tỏi đen được bán với giá cao ngất ngưởng, có thể ngang với chỉ vàng. Nhưng để phân biệt các loại tỏi đen Lý Sơn, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, người bán chỉ có thể trả lời bằng những cụm từ “gần như nhau, tương đương, ngang nhau...”. Điều này khiến người mua tỏ ra hoài nghi: liệu mình đã tiêu tiền đúng chỗ?

Kẻ bán “mập mờ” phân biệt...

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, giá của “thần dược” tỏi đen khá đắt đỏ và vẫn chưa được đổ buôn tại chợ, siêu thị hoặc các cửa hàng thuốc. Thay vào đó được bán online và phân phối theo các cửa hàng, đại lý, bán buôn bán lẻ của các công ty sản xuất.

Chị Hà - nhân viên tư vấn của Công ty tỏi đen Việt Nhật cho biết qua điện thoại: “Hiện tại bên Công ty có 2 sản phẩm tỏi đen nhiều nhánh, là tỏi có nguồn gốc từ Bắc Giang, được lên men theo công nghệ Nhật Bản. Ngoài ra, còn có tỏi được lên men theo công nghệ Hàn Quốc, xuất xứ từ Thái Bình. Tỏi Bắc Giang hơi nhỏ hơn một chút. Tất cả sản phẩm tỏi đen có màu sắc gần như nhau. Để tìm ra điều khác biệt nhất giữa các loại này, tôi nghĩ cũng hơi khó. Tại vì màu sắc, mùi vị gần như nhau. Vị thì đều chua chua ngọt ngọt cả. Bên này không có sản phẩm tỏi Lý Sơn vì rất hiếm. Người ta chỉ lấy thương hiệu để bán hàng thôi”.

Tỏi đen được quảng cáo có những công dụng tốt cho sức khỏe nhưng xuất xứ ở đâu cả người bán và người mua đều 'mù tịt'

Tỏi đen được quảng cáo có những công dụng tốt cho sức khỏe nhưng xuất xứ ở đâu cả người bán và người mua đều 'mù tịt'

Nhấc máy gọi điện tới hotline trên website của công ty sản xuất và buôn bán tỏi đen, nhân viên cung cấp địa chỉ số nhà và tên ngõ. Nhưng theo phóng viên quan sát, “trụ sở” của các nhà phân phối chủ yếu là tầng một của nhà dân cho thuê, hoặc là một gian phòng thuê trong một tòa nhà. Không biển hiệu, muốn tìm được địa chỉ phải hỏi bảo vệ tòa nhà hoặc những người dân sinh sống lân cận.

Tiếp khách hàng, nhân viên bán hàng bày la liệt các loại mẫu mã sản phẩm trên bàn, không có sản phẩm dùng thử. Qua giới thiệu, điều dễ phân biệt các loại tỏi nhất chỉ đơn giản là tỏi đen cô đơn là sản phẩm tỏi lên men từ tỏi tươi một nhánh, củ thường tròn đều và to bằng đầu ngón tay cái, vỏ ngoài nhẵn nhụi; tỏi đen nhiều nhánh có kích thước to hơn, mắt thường dễ nhìn thấy những rãnh nhánh in hằn phía ngoài vỏ. 

Giải đáp về sự khác nhau, nhân viên công ty thực phẩm chức năng ngập ngừng: “Trong nước có tỏi cô đơn Lý Sơn nhưng thực ra tỏi cô đơn Lý Sơn rất hiếm do sản lượng của Lý Sơn rất ít. Dòng Lý Sơn mình chỉ có nhiều nhánh thôi. Còn cô đơn thì có nguồn là bên Lào tương tự Lý Sơn, bên mình đang bán là 1.800.000/kg. Tỏi của Lào với tỏi của Lý Sơn gần gần như nhau, không khác mấy, củ cũng thon dài, chất lượng thì như nhau. Còn đã là tỏi cô đơn thì đã là dòng ngon rồi, không cái nào hơn cũng không cái nào kém.”

Tương tự, anh Chiều, nhân viên bán hàng của Trung tâm nghiên cứu thực phẩm FNC trả lời: “ Bên tôi chỉ sản xuất tỏi đen Lý Sơn theo công nghệ lên men Nhật Bản. Trong một gói có khoảng từ 60-70 củ. Vị tỏi đen này như các tỏi khác thôi, chua ngọt giống trái cây chín, kiểu như rượu vang, rất dễ ăn”.

Người mua “ngậm ngùi” chi tiền túi

Bản thân những người bán hàng, tư vấn viên không phân biệt được sự khác nhau giữa chủng loại đã trở thành một “màn sương mù” khiến cho người tiêu dùng mất phương hướng trong việc lựa chọn sản phẩm. Mặc dù không thể phủ nhận công hiệu của tỏi đen trong điều trị bệnh lý, song sự chênh lệch giá cả quá rõ rệt cũng như chất lượng của các loại tỏi đen khiến cho người mua không khỏi hoài nghi về sản phẩm mình mua có xác đáng với tiền túi bỏ ra hay không?

Tỏi đen có giá đắt đỏ và đa dạng công nghệ chế biến

Tỏi đen có giá đắt đỏ và đa dạng công nghệ chế biến

Chị Hằng (46 tuổi, Hà Nội) phân trần: “Cả nhà tôi sử dụng sản phẩm tỏi đen, từ con lớn tới con bé. Mà một gói đó dùng đâu được trong 2 tuần. Người thì bảo tỏi Lý Sơn tốt , người thì bảo tỏi Nhật Bản tốt, người thì bảo như nhau nên cũng chẳng biết nghe ai. Lúc mua cái gói nhìn chả biết của nước nào, tiếng nước ngoài còn nhiều hơn tiếng Việt. Cũng chẳng có tem mác cụ thể gì. Tôi cứ chọn đại thôi”. 

Được biết, đối với tỏi đen Lý Sơn một nhánh có giá dao động từ 1.600.000đ- 2.000.000đ/kg; đơn vị gói 125gr có giá 220.000đ/gói. Tỏi đen Lý Sơn nhiều nhánh có giá 1.000.000đ- 1.500.000đ/kg; đơn vị gói 125gr có giá 145.000đ/gói. Đối với lọ 100gr tép tỏi bóc sẵn giá 200.000đ/lọ.

Tỏi cô đơn của Lào có giá 1.800.000đ/kg. Đối với tỏi Bắc Giang lên men theo công nghệ Nhật Bản, một hộp trọng lượng 175gr có giá 250.000đ/hộp. Tỏi Thái Bình lên men theo công nghệ Hàn Quốc có giá 250k/hộp 200gr. Tỏi Nhật Bản nhập khẩu có giá dao động từ 6.000.000đ- 7.000.000đ/kg.

Anh Chí (25 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) chia sẻ: “ Lúc trước, tôi có mua hộ người quen rồi thấy nó tốt thì mua cho cả gia đình. Phải công nhận là đắt thật! Tôi cũng tiêu một khoản tiền triệu vào tỏi đen rồi. Lúc đầu là mua qua web, lâu dần thành quen. Khổ nỗi, mua thì mua nhưng tôi cũng không phân biệt được. Người ta bảo cái nào tốt hơn thì mua thôi. Cũng na ná giống nhau”.

Huyền Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang