Phân bón giả đang làm rối loạn thị trường

author 09:28 31/05/2012

(VietQ.vn) - Phân bón giả đang làm rối loạn thị trường, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và làm đau đầu các cơ quan quản lý bằng đủ loại hình thức giả mạo khác nhau.

Mới đây, Đội Kiểm soát Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ vận chuyển trái phép 8 tấn phân đạm kém chất lượng từ Trung Quốc.

Đủ kiểu làm giả

Tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường thời gian qua đã và đang khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc. Gây sức ép lên công tác quản lý thị trường và môi trường.

Hàng trăm tấn phân bón giả của cơ sở tại Hà Nội vừa bị Quản lý Thị trường Hà Nội phát hiện. Ảnh: N. Nam
Hàng trăm tấn phân bón giả của cơ sở tại Hà Nội vừa bị Quản lý Thị trường Hà Nội phát hiện. Ảnh: N. Nam

Ban Chỉ đạo 127/TW cho biết, tình hình phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng đã gây nhiều xáo trộn, bất ổn cho thị trường phân bón Việt Nam và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước, người nông dân và đặc biệt là gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe nhân dân và môi sinh môi trường.

Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương nhận định, thị trường phân bón Việt Nam còn nhiều bất ổn do tình trạng phân bón giả, kém chất lượng diễn ra khá phổ biến.

Trung bình mỗi năm Cục này xử lý trên 300 vụ vi phạm chủ yếu là phân bón kém chất lượng làm giả nhãn mác của công ty, thương hiệu lớn…

Mới đây, Đội Kiểm soát Hải quan Lạng Sơn đã bắt giữ 8 tấn phân đạm được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Khá, Phó Tổ trưởng phụ trách Tổ kiểm soát thuộc Đội Kiểm soát Hải quan Lạng Sơn, lợi dụng mặt hàng phân đạm có thuế suất bằng 0%, các đối tượng vận chuyển trái phép mặt hàng này sau đó trộn thêm các nguyên liệu, đóng gói bao bì nhãn hiệu trong nước để đưa đi tiêu thụ.

Hiện, giá mua mặt hàng phân đạm tại Trung Quốc có giá 3.400 đồng/kg nhưng khi về đến Việt Nam có giá 12-13.000 đồng/kg và nếu trộn thêm các nguyên liệu khác thì giá khoảng 10.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, phân kali bị giả rất nhiều bởi mặt hàng kali rất dễ làm giả, chỉ cần mua gạch non về nghiền trộn với muối và bột màu là có hàng bán ra thị trường.

“Một số thương nhân lợi dụng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên đã lấy nước lã đóng thùng 5 lít, sau đó cho một ít urê vào, bán cho nông dân và quảng cáo đó là urê nước với giá bán 50.000 đồng/bình”, ông Thúy cho biết.

Một số loại như phân chứa kali và các loại phân hỗn hợp NPK rất dễ làm giả do công nghệ sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp.

Tuy nhiên, để phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng thì việc xác định bằng mắt thường là khó mà chủ yếu phải dựa trên kết quả phân tích bằng máy móc.

Trên thực tế, hầu hết người dân hiện nay có thói quen đến các đại lý, cửa hàng phân bón gần nhà để mua. Người bán cũng đơn thuần là người kinh doanh không có kiến thức chuyên sâu nên không thể kiểm định được chất lượng hàng bán của mình, ông Nguyễn Hạc Thúy nhấn mạnh.

Thách thức công tác quản lý

Hiện nay, việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh phân bón khá đơn giản. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các doanh nghiệp phân bón lớn, có thương hiệu uy tín để dễ dàng tiêu thụ. Đến khi bị phát hiện thì đối phó bằng cách thay đổi địa điểm, mẫu mã và vi phạm tiếp.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, do việc quản lý quá lỏng lẻo nên có quá nhiều DN phân bón nhỏ mọc lên như “nấm sau mưa”, họ làm ăn chụp giật, sản xuất, kinh doanh hàng giá rẻ, chất lượng thấp để đưa vào vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Nhiều nông dân ham giá rẻ mua về sử dụng.

Để khắc phục tình trạng phân bón giả làm rối loạn thị trường, Nhà nước cần phải siết chặt việc cấp phép kinh doanh, cần điều chỉnh đưa phân bón trở thành mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép mới được hoạt động.

Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần phải thực hiện các biện pháp chế tài đủ mạnh mới có sức răn đe. Bởi lẽ, mức xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay quá thấp, chỉ 40-50 triệu đồng/vụ vi phạm, khiến cho đối tượng thường xuyên tái phạm.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Theo đó, trong quá trình kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì phải ra quyết định niêm phong toàn bộ lô hàng cùng nhãn hiệu, yêu cầu thu hồi hàng hóa đã bán, thông báo danh tính của DN và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Cũng theo Bộ NN&PTNT, để quản lý chất lượng phân bón cần tập trung vào các yếu tố: luật pháp, năng lực của người dân và DN. Phải nhanh chóng triển khai thực hiện tốt nghị định của Chính phủ về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó có việc đưa phân bón vào nhóm hàng có điều kiện.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang