Phân bón kém chất lượng vẫn 'hoành hành'

author 15:30 19/02/2020

(VietQ.vn) - Chỉ đạt dưới 70% chất lượng so với công bố, nhiều sản phẩm phân bón kém chất lượng đã được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử lý.

Thời gian vừa qua, với sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã tiến hành thanh, kiểm tra thị trường sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón. Theo đó, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng. Nhiều mẫu phân bón được kiểm nghiệm cho kết quả không đạt tiêu chuẩn công bố, có dấu hiệu làm giả, sai nhãn mác công dụng so với đăng ký…

Cụ thể, cơ quan chức năng Đồng Nai phát hiện xử phạt 15 triệu đồng đối với Cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Thái Dương ở huyện Vĩnh Cửu vì kinh doanh phân bón kém chất lượng. Tại cửa hàng này, cơ quan chức năng phát hiện kinh doanh sản phẩm Phân bón phức hợp NPK 16-16-8-13S+TE do Công ty TNHH Hoá chất và Phân bón Đại Việt sản xuất ngày 18/09/2018 có chất lượng không đạt so với hồ sơ công bố.

Thị trường phân bón đang "hỗn mang" bởi nhiều sản phẩm phân bón kém chất lượng. 

Cũng với hành vi kinh doanh sản phẩm phân bón có chất lượng chỉ đạt dưới 70% và bị phạt số tiền 6,9 triệu đồng là Cửa hàng vật tư nông nghiệp Thu Hiền tại huyện Định Quán. Tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Thu Hiền, lực lượng chức năng phát hiện Phân bón cao cấp FACOTH siêu đậu trái xoài do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Định phân phối, sản xuất ngày 19/3/2018. Đáng nói, dù quảng cáo khá "kêu" phân bón "cao cấp" nhưng chất lượng sản phẩm Phân bón cao cấp FACOTH chỉ đạt dưới 70% so với hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm.

Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt số tiền lên tới hơn 22 triệu đồng đối với cửa hàng vật tư nông nghiệp Quý Thành tại huyện Định Quán. Tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Quý Thành, cơ quan kiểm tra phát hiện kinh doanh phân bón có chất lượng đạt dưới 70% so với hồ sơ công bố (phân bón Nguyên Ngọc S.A) do Công ty TNHH Nguyên Ngọc phân phối, sản xuất ngày 20/2/2019.

Tại huyện Trảng Bom, lực lượng chức năng cũng phát hiện tại Công ty Toàn Phát Lộc đang kinh doanh Phân bón lá TOBA LT do Công ty TNHH SX-TM Tô Ba sản xuất ngày 27/2/2019 có chất lượng dưới 70% so với hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Với hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng (có dấu hiệu là hàng giả), Công ty Toàn Phát Lộc bị xử phạt 6,4 triệu đồng.

Cũng tại huyện Trảng Bom, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại Cửa hàng VTNN Khẩn đang kinh doanh phân bón chưa được phép lưu hành, phân bón ghi thành phần không đúng sự thật công bố đó là Phân bón hữu cơ vi sinh Hoàng Lan do Công ty TNHH Hoàng Lan sản xuất ngày 16/2/2019. Với hành vi sai phạm trên, Cửa hàng vật tư nông nghiệp Khẩn bị xử phạt 9 triệu đồng.

Ngoài ra, tại huyện trên cơ quan chức năng cũng phát hiện Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tuấn có hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng dưới 70% so với hồ sơ công bố đó là sản phẩm Phân bón NPK đa trung vi lượng - châu Âu Solinure 12-5-36+2MgO + TE do Công ty TNHH Nông Thành nhập khẩu, ngày sản xuất 20/6/2017. Với hành vi trên Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tuấn bị phạt 5,8 triệu đồng.

Tại huyện Cẩm Mỹ, cơ quan chức năng phát hiện tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Phạm Ngọc Nhuận đang kinh doanh Phân bón cao cấp Faco -K do Công ty BenFaco Việt Nam co, LTD sản xuất ngày 21/2/2018 có chất lượng chỉ dưới 70% so với hồ sơ công bố. Với hành vi kinh doanh "phân bón cao cấp" nhưng kém chất lượng của Cửa hàng vật tư nông nghiệp Phạm Ngọc Nhuận, cơ quan chức năng đã xử phạt 1,65 triệu đồng.

Tại huyện Thống Nhất, cơ quan chức năng cũng phạt Cửa hàng vật tư nông nghiệp Trịnh Thị Kim Huyên 15 triệu đồng về hành vi kinh doanh Phân bón sinh học NPK 16-16-8-3S+TE do Công ty TNHH SX-TM xuất nhập khẩu Lang sản xuất ngày 24/8/2018 có chất lượng không đạt (kém chất lượng) so với hồ sơ công bố sản phẩm.

Còn tại TP.Long Khánh, lực lượng chức năng đã phạt Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ánh Dung 15,75 triệu đồng về hành vi kinh doanh "phân bón cao cấp" nhưng... "chất lượng không đạt" và kinh doanh hàng hoá chưa có giấy phép lưu hành.

Cửa hàng vật tư nông nghiệp Châu ở huyện Tân Phú cũng bị phạt 2,13 triệu đồng về hành vi kinh doanh phân bón chất lượng. Cơ quan chức năng cũng phát hiện tại đây đang kinh doanh Phân bón lá HPC - 97 HXN do Công ty TNHH Sinh học HPH sản xuất ngày 17/3/2019 có chất lượng dưới 70% (dấu hiệu của hàng giả) so với hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm.

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm phân bón có hành vi gian dối nông dân cụ thể: Phân trung lượng Super Tân Nông Nhật Bản sản xuất ngày 1//4/2019 trên bao bì ghi chỉ tiêu SiO2 là 6% trong khi hồ sơ công bố TCCS (tiêu chuẩn cơ sở) chỉ 0,15%. Công ty Nhật Bản ở huyện Vĩnh Cửu bị phạt 600.0000đ về hành vi kinh doanh sản phẩm Phân trung lượng Super Tân Nông Nhật Bản. Tương tự, Phân bón NPK LP 99 của Công ty TNHH SX-TM Long Phú sản xuất ngày 15/8/2018 trên bao bì sản phẩm ghi chỉ tiêu Nts: 0,001%, P2O5: 9% nhưng trong hồ sơ TCCS thì Nts, P2O5: 8%.

Mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang có dấu hiệu hoành hành trên thị trường, không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến kinh tế của người nông dân mà còn gây ra nhiều hệ lụy như nhiễm độc đất đai, ảnh hưởng đến mùa màng và chất lượng nông sản khi tới tay người tiêu dùng.

Theo điểm b, khoản 8, điều 3 Nghị định 185/2013 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: Hàng hoá có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính cơ bản kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký; công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá thì được coi là hàng giả.

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với vi phạm về buôn bán phân bón.

Cụ thể, phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động; xếp đặt chung, để lẫn phân bón với một trong các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y; buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán hoặc tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón sẽ bị phạt từ 7 – 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa.

Hành vi vi phạm về buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng được đề xuất mức phạt như sau: Phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 80 triệu đồng tùy giá trị lô phân bón từ 1 đến dưới 200 triệu đồng.

Sai phạm trong buôn bán phân bón có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự(VietQ.vn) - Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt nêu rõ, đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang