Thiếu niên 15 tuổi đa chấn thương, cụt hai tay do tự chế phân bón

author 17:04 13/07/2017

(VietQ.vn) - Trong lúc H đang tự chế 2 loại phân bón mua trên mạng bất ngờ chai nhựa phát nổ khiến nam thanh niên này đã bị cụt 2 tay.

Cụt 2 tay vì tự chế phân bón

Sáng 13/7, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vẫn đang tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân N.X.H. (15 tuổi, trú tại thôn Lộc Hà, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) trong tình trạng đa chấn thương, cụt hai tay do nổ hóa chất.

Trước đó, khoảng 16h chiều 12/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận bệnh nhân H. trong tình trạng bị đa chấn thương, bỏng vùng mặt và bụng, cụt hai tay và hôn mê sâu. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và phẫu thuật. “Đến sáng nay, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, không còn hôn mê”, bác sĩ Phước cho biết thêm.

Nam thanh niên đã bị cụt 2 tay vì tự chế phân bón tại nhà. Ảnh: Người lao động

Nam thanh niên đã bị cụt 2 tay vì tự chế phân bón tại nhà. Ảnh: Người lao động 

Bố của H cho biết, H. được một người anh họ sống tại chợ Đạt Lý (xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) nhờ lên coi nhà giúp. Chiều 12/7, H. lên mạng dò tìm mua hai loại phân bón về để bón cho cây cảnh trong vườn. Sau khi nhận được hàng từ người chuyển phát nhanh, H. cho hai loại phân này vào một chai nhựa lắc đều với mục đích hòa tan. Trong lúc đang lắc thì chai nhựa phát nổ dẫn đến vụ tai nạn trên.

Được biết, gia đình của em H có hoàn cảnh rất khó khăn. Sau khi học hết lớp 7, H phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ. Nhà có 3 anh em, anh đầu đã xây dựng gia đình và sinh sống tại Kon Tum. Chị kế của H bị bệnh tâm thần phân liệt, mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của bố mẹ H. “Giờ con bị tai nạn như vầy tôi cũng không biết tính sao. Hoàn cảnh gia đình khốn khó, làm nông chỉ dựa vào mấy sào rẫy rồi không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị cho con”, bà Trần Thị Kim L (51 tuổi, mẹ của H) buồn bã cho biết.

Liên quan tới nổ do phân bón tự chế, trước đó, vụ nổ tại xưởng sản xuất ở Công ty Đặng Huỳnh, quận 12, TP Hồ Chí Minh, làm 3 người chết, 5 người bị thương do sản xuất và kinh doanh phân bón tự phát. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đây được xem như những quả bom đặt giữa các khu dân cư.

Kết quả điều tra ban đầu và kết luận sơ bộ về vụ nổ trên của cơ quan chức năng cho thấy, để sản xuất ra phân bón, Công ty Đặng Huỳnh dùng các chất kali nitrat (KNO3), kali clorat (KClO3), amoniac (NH3) và một số đơn chất hóa học như lưu huỳnh, kẽm, canxi... là các tiền chất để tạo thuốc nổ.

Phân bón sản xuất từ nhiều hóa chất gây cháy nổ nguy hiểm khôn lường

Nói tới phân bón, trước đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, phân bón nói chung và nhất là phân bón urê được sản xuất từ nhiều hóa chất dễ gây cháy nổ. Ở nhiều nước như Mỹ, Afganistan, Pakistan... các phần tử khủng bố dùng urê làm bom tự chế và 70% thương vong trong các vụ đánh bom theo thống kê là do bom tự chế từ phân urê. 

 Người dân không nên tự ý chế phân bón tại nhà sẽ vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa

 Người dân không nên tự ý chế phân bón tại nhà sẽ vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Việc sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn ra khá dễ dàng. Từ trước đến nay, các tổ chức, kinh doanh, sản xuất phân bón trong khu dân cư chưa được đưa vào luật, nên nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng tổ chức sản xuất, mua bán, kinh doanh phân bón nằm sát với nhà dân và lẫn lộn rất nhiều trong các khu dân cư. Điều này gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân, vì bản chất phân bón là các hóa chất độc hại. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón trước đây đã được các cơ quan chức năng thực hiện, song mới chỉ tập trung vào điều kiện kinh doanh của các cơ sở sản xuất phân bón, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu, mà chưa đi sâu vào kiểm tra chất lượng, an toàn trong sản xuất phân bón.

Do đó, theo các chuyên gia, người dân không nên tự ý mua phân bón về tự chế sẽ vô cùng nguy hiểm tới tính mạng nếu các chất hóa học phát nổ. 

Tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, có hiệu lực từ tháng 2/2014. Theo Nghị định này, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón; đồng thời Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón; thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón... Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng phân bón, quản lý sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phân bón. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách về sản xuất, kinh doanh phân bón, đồng thời kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh phân bón.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang