Phẫn nộ về việc lãi khủng của xăng dầu

author 07:39 21/11/2013

Có lẽ không ở đâu lại xảy ra chuyện ngược đời, người dân bức xúc trước việc một doanh nghiệp làm ăn có lãi. Nhưng đó là thực tế. "Sóng" đã nổi lên ngay sau khi Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố lãi khủng trong 9 tháng đầu năm 2013.

Chuyện ngược đời này, tiếc rằng, lại hoàn toàn có lý. Có lý vì trong 9 tháng đầu năm, Petrolimex đã tăng giá 3 lần, cả 3 lần, lý do đều là bị... lỗ. Nhưng sự thật thì họ đã lãi tới 1.579 tỉ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Nói một cách ngắn gọn và chính xác nhất, đó là sự thiếu trung thực. Bức xúc của dư luận là bức xúc trước sự thiếu trung thực.

Lãi khủng của ngành xăng dầu có từ đâu?
Đúng 10 ngày trước khi Petrolimex công bố lãi lớn như nói trên, xăng dầu giảm giá... 250 đồng với lý do hỗ trợ người người tiêu dùng sau bão lũ. Mức giảm này cũng gây ra rất nhiều lời ra tiếng vào vì nó quá khiêm tốn. Nó vẫn rơi vào căn bệnh muôn thuở của ngành này bao năm nay, giảm ít tăng nhiều (cả 3 lần tăng giá, mức tăng đều lớn hơn mức giảm 250 đồng). Nhưng đã là "hỗ trợ" thì tùy tâm, hơn nữa xăng dầu luôn kêu lỗ nên dù vẫn còn không ít "ấm ức", việc này cũng lắng xuống. Ấy vậy mà chỉ 10 ngày sau, bão lũ còn chưa qua người dân mới ngã ngửa, xăng dầu vẫn đang lãi rất lớn. Đến lúc này, người ta có quyền nghi ngờ, phải chăng việc giảm giá ngoài lý do hỗ trợ bão lũ còn mang tính "dọn đường" để giảm bớt bức xúc của dư luận cho việc công bố lợi nhuận nói trên?

Đối với người tiêu dùng thì như vậy. Đối với nghĩa vụ nộp thuế, ngành xăng dầu cũng không tích cực hơn. Bất chấp việc lãi lớn trong kinh doanh, họ luôn muốn có một chế độ "đãi ngộ" riêng về thuế. Giữa tháng 9 vừa rồi, rất nhiều công ty xăng dầu viện khó khăn, xin ngoại lệ là được nộp thuế từng phần dù quy định không cho phép. Chưa hết, hiện ngành xăng dầu còn đang cù cưa với Bộ Tài chính khi Bộ này quyết định truy thu đối với các "đại gia" xăng dầu đầu mối số tiền thuế lên tới gần 500 tỉ đồng liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu năm 2012. Đó là Petrolimex 170 tỉ đồng, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỉ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỉ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỉ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỉ đồng…

Câu hỏi đặt ra là vậy thì ngành xăng dầu với lợi thế độc quyền đã làm được gì cho đất nước, cho nền kinh tế? Với người tiêu dùng - những khách hàng của họ thì kinh doanh thiếu sòng phẳng, thiếu trung thực. Với nhà nước, dù nhiều lần lên tiếng xin cơ chế ngoại lệ nhưng nghĩa vụ nộp thuế của họ cũng thiếu minh bạch. Đó là lý do, việc họ lãi lớn luôn gây bức xúc cho dư luận.

Có một điều cần phải làm rõ là, tại sao xăng dầu vẫn có thể biến lãi thành lỗ (kêu lỗ để tăng giá) trong khi theo đúng luật, họ vẫn phải công khai báo cáo tài chính định kỳ từng quý? Tại sao các cơ quan có thẩm quyền trong việc cho xăng dầu tăng giá không kiểm tra Petrolimex và các công ty xăng dầu khác có thực lỗ không trước khi cho phép họ tăng giá? Tại sao cứ để "tăng giá" thành chuyện "đã rồi" khi ngành này sau đó lại công bố lãi khủng?

Theo Thanhnien

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang