Phân nửa nước đá giải khát trên thị trường nhiễm vi sinh 'siêu bẩn'

author 11:03 23/07/2015

(VietQ.vn) - Thậm chí, qua kiểm tra thực tế mới đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM cho thấy, 54% số mẫu nước đá thành phẩm được lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên bị nhiễm vi khuẩn gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy.

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Theo tin tức từ báo Thanh Niên, tại hội thảo “An toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá trên địa bàn TP. HCM” diễn ra sáng 22/7, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã có 22 cơ sở sản xuất đá (chiếm 56,4% trong số được kiểm tra) vi phạm bị chi cục kiểm tra và xử lý, phạt tiền gần 154 triệu đồng.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM cho biết thêm, qua khảo sát, kiểm tra cho thấy nguyên nhân khiến phần lớn nước đá bị nhiễm vi sinh là do đa số các nhà xưởng và vệ sinh ở các cơ sở (đặc biệt cơ sở sản xuất nước đá cây) đều không đạt chuẩn; bao bì chứa đựng nước đá, phương tiện vận chuyển nước đá hết sức sơ sài; một số cơ sở sản xuất vì tiết kiệm đã sử dụng nguồn nước ngầm để sản xuất nước đá nhưng không qua xét nghiệm các yếu tố vi sinh.

Liên quan đến nguồn nước để làm nước đá, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP. HCM, nói: “Hiện trên địa bàn TP có 193 cơ sở sản xuất nước đá, trong đó có 79 cơ sở sử dụng nguồn nước máy; có 27 cơ sở sản xuất đá chưa được xác minh nguồn nước máy sử dụng, do các cơ sở này di chuyển chỗ; 114 cơ sở sử dụng nguồn nước giếng để sản xuất nước đá, trong đó có 64 cơ sở sản xuất không thực hiện xét nghiệm do nghĩ hệ thống máy lọc của cơ sở mình đã xử lý được các vi sinh nguy hại. Với cơ chế kiểm soát 6 tháng 1 lần các cơ sở sản xuất nước đá về nguồn mẫu nước, Chi cục ATVSTP TP vào năm 2014 đã phát hiện 43/193 cơ sở không đạt chất lượng”.
Cơ sở sản xuất đá viên nhếch nhác

Cơ sở sản xuất đá viên nhếch nhác. Ảnh: Lao Động

Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động ngày 22/7 tại một cơ sở sản xuất nước đá ở P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức. Đá viên vẫn được đặt trong các bao tải, bao bố. Đá cây thì trong tình trạng không che đậy. Cũng tại cơ sở này, các bao bố còn được giặt đi giặt lại rất nhiều lần trong một bồn nước đã chuyển sang màu đen.

 

Còn ngay tại trung tâm TP. HCM, phần lớn các đại lý phân phối nước đá đều được bố trí ở các lề đường dơ bẩn, nhếch nhác. Ngay trước số nhà 97 đường Nguyễn Thái Bình, P. Nguyễn Thái Bình Q.1, một đại lý đặt hàng tấn nước đá dưới một gốc cây, sát miệng cống và cạnh xe rác bốc mùi hôi nồng nặc.

Tương tự, trên lề đường Lê Quý Đôn (gần giao lộ Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3), gần cả trăm cây đá, bao đá viên cũng tập kết chất thành đống trên nền vỉa hè, nước đá tan chảy hòa lẫn bùn đất bẩn thỉu. Hằng này, tại khu vực này có khoảng 4-5 thanh niên, trực chiến tiếp nhận điện thoại và đi giao đá cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Q.1, Q.3. Những cây nước đá, bao đá viên được cho là đá tinh khiết được phủ lên bằng những cái mền, bao tải cũ lâu ngày ngả màu đen mà bất cứ ai nhìn thấy cũng ớn lạnh.

Tại một số quán nước vỉa hè, càphê lề đường ở khu vực quận 9, Thủ Đức và Dĩ An, Bình Dương, đá cây được chất thành đống và đặt dưới mặt sàn gạch, thậm chí một số nơi đá cây, đá “tinh khiết” được thảy ra các bãi cỏ, nền đất và phủ lên lớp bao bì che chắn sơ sài.

Thái Hà (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang